Trẻ nhiễm HIV/AIDS còn gặp khó khăn khi đến trường
Báo Tiếng Chuông - 18/09/2017
Trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất cần được đến trường học, được hòa nhập cộng đồng như những trẻ bình thường. Tuy nhiên, trẻ vẫn gặp nhiều khó khăn khi đến trường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đến thăm trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2 Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi

 

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 6/2017, cả nước phát hiện hơn 220.000 người nhiễm HIV. Số người nhiễm mới được phát hiện trong 6 tháng đầu năm là 4.541 ca nhiễm mới, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.321, số bệnh nhân tử vong là 799 trường hợp.

So sánh số liệu nhiễm HIV/AIDS, tử vong báo cáo cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 5.6%, số bệnh nhân AIDS giảm 39%, người nhiễm HIV tử vong giảm 40%.

Tính đến cuối năm 2016, số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Việt Nam là 121.723 trẻ, trong đó trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 6.800; trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS là 73.129; trẻ có nguy cơ nhiễm cao là 41.794; ước tính trẻ em trong độ tuổi đến trường nhiễm HIV chiếm khoảng hơn 10 nghìn trẻ. 

Theo nghiên cứu “Đánh giá tình hình trẻ em mồ côi và dễ bị tổn thương do HIV/AIDS ở Việt Nam”, tỉ lệ trẻ sống chung với HIV không đến trường khoảng 36%. Nhiều trẻ đã đi học, nhưng vì nhiều lý do lại bỏ học (53% do điều kiện khó khăn). Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt đối xử, kì thị đã ảnh hưởng lớn tới việc học của trẻ sống chung với HIV. Nếu trẻ mồ côi sống với người thân, thì việc đóng học phí thường là gánh nặng của người chăm sóc trẻ. 

Ở một số nơi, vẫn còn xuất hiện thái độ phân biệt, kì thị đối xử của ban giám hiệu, phụ huynh và học sinh với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đây là rào cản khiến trẻ không thể đến lớp.

Hiện Việt Nam chưa thống kê được con số chính xác các trẻ nhiễm HIV được đi học chung cùng các bạn tại cộng đồng. Song, ở một số trường đã xảy ra tình trạng kỳ thị. Nếu biết trẻ nhiễm HIV, phụ huynh sẽ ngăn cản, không cho trẻ có HIV được đến trường học chung với con em mình.

Tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội số 2, Ba Vì (Hà Nội), nơi nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhiễm HIV, nhiều em đã tới tuổi đi học. Thế nhưng, việc cho trẻ tới các trường học gần Trung tâm, để học chữ và vui chơi với trẻ cùng trang lứa là một điều hết sức khó khăn. Vì vậy, Trung tâm đã phải mở lớp dạy cho các em ngay tại đây. 

Đến trường là mong ước cháy bỏng của trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Thời gian qua, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai có hiệu quả “Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 4/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ, quyền học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện đầy đủ hơn. 

Cụ thể, các Bộ, ngành Trung ương đã phối hợp cùng các tổ chức quốc tế đến từng địa phương có những “điểm nóng” để cùng lãnh đạo địa phương thảo luận, bàn giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu kỳ thị và tạo mọi cơ hội, điều kiện để trẻ em được đến trường.

Đồng thời, đã phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như các buổi nói chuyện, hội thảo, ca nhạc và các diễn đàn lắng nghe tiếng nói của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Việc này đã có những tác động tới các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo và lãnh đạo địa phương.

Hiện nay, công tác truyền thông giáo dục về luật và các kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động thực hiện mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, giúp mọi người hiểu rõ bản chất vấn đề để vượt qua rào cản tâm lý. Tuy nhiên, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tuyên truyền ngay tại các buổi họp phụ huynh trong trường học, cho học sinh và bản thân các em nhiễm HIV về con đường lây nhiễm và cách phòng tránh HIV, cách chơi với bạn như thế nào để hai bên cùng được an toàn…

Bên cạnh đó, quan tâm, chia sẻ yêu thương đối với những trẻ nhiễm HIV/AIDS để giúp cộng đồng hiểu biết hơn về HIV/AIDS và trẻ nhiễm HIV là việc làm rất cần thiết.