Đối mặt với cám dỗ
Các Website khác - 09/10/2008

 

Hơn 4 năm cai nghiện tập trung, các học viên vẫn chưa quên được sự cám dỗ của khói thuốc. (Ảnh chụp các học viên vừa rời trung tâm cai nghiện Đức Hạnh để hồi gia vào ngày 1-10)

Chương trình tập trung cai nghiện dài hạn ở TPHCM bắt đầu thực hiện từ năm 2003, đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan. Hàng chục ngàn người đã được tập trung vào trường, trại và đã có gần 15.000 người tái hòa nhập cộng đồng. Song, để lột xác trở về với cộng đồng, người nghiện đã trải qua không ít gian khó, nhọc nhằn

 Bóng đêm trùm xuống núi rừng. Con đường từ Trung tâm Cai nghiện Phú Văn đến Trung tâm Cai nghiện Đức Hạnh, huyện Phước Long - Bình Phước đen kịt, heo hút. Qua ánh đèn xe máy, tôi phát hiện một phụ nữ mang ba lô đi bộ rất nhanh dọc đường rừng. Thấy xe chúng tôi giảm tốc độ, người phụ nữ này càng bước nhanh rồi lẩn vào những bụi cây lớn. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Cai nghiện Phú Văn, nhìn theo bóng phụ nữ nọ, lắc đầu: “Đó là dân thẩm lậu thuốc lá. Lúc này là giờ quậy của họ đó!”.

Gói thuốc lá hơn... 1 triệu đồng!

Để học viên nhanh chóng quên đi “cái chết trắng”, ban giám đốc các trung âm cai nghiện đã cố gắng tách họ khỏi thuốc lá. Thế nhưng vẫn có hàng loạt vụ thẩm lậu thuốc lá vào bên trong trường, trại cai nghiện. Trước đây, thuốc lá chủ yếu do thân nhân học viên giấu vào nhu yếu phẩm, mang cho họ mỗi lần thăm nuôi. Khi nhiều vụ vận chuyển như thế bị phát hiện, đường “tiếp tế” này liền bị cắt đứt. Thân nhân chỉ được gửi tiền cho học viên. Song, tiền này cũng không đưa trực tiếp mà được trung tâm quy thành kem đánh răng, xà phòng, thực phẩm, vật dụng sinh hoạt... giao học viên sử dụng.

“Mỗi lần người thân đến thăm, chỉ cần nhân viên trung tâm lơ là là mình lấy tiền nuốt vào bụng. Tiền này đã được người thân của mình vo tròn, bỏ trong bao ni-lông. Lần nuốt nhiều nhất của mình là 4 tờ 500.000 đồng. Hai ngày sau, mình đi tiêu lấy ra để mua thuốc hút”- T.Q.T, 30 tuổi, quê Nam Định, vừa rời Trung tâm Đức Hạnh sau 51 tháng cai nghiện, kể.

Theo T. có hai cách để học viên liên hệ với giới buôn bán thuốc lá bên ngoài trường cai. Một là giấu điện thoại di động trong trường cai rồi “đặt hàng” thẳng thừng. Nếu không có điện thoại di động thì học viên có thể ra điện thoại công cộng của trường cai. Do mỗi lần nói chuyện bằng điện thoại công cộng đều có nhân viên canh gác nên học viên phải dùng tín hiệu riêng để “đặt hàng”. T. tiết lộ: “Nếu muốn mua 2 điếu thuốc Hero, tôi sẽ nói “cho 2 chai dầu gió xanh”, lập tức người cung cấp hàng ở đầu dây bên kia sẽ hiểu”. Việc trao đổi thuốc giữa học viên và giới buôn bán thuốc lá cũng rất tinh vi. Khi đi lao động trị liệu ngoài trời, học viên sẽ lén đặt tiền ở một gốc cây hay một điểm cố định đã được thông báo trước. Tối đến, dân buôn bán thuốc lá sẽ đến nhặt tiền và để thuốc lại. T. cho biết lúc trung tâm kiểm tra gắt gao, giá thuốc lá cao ngất ngưởng. Một gói thuốc lá Hero có khi lên tới 1,2-1,3 triệu đồng. Khi tình hình đỡ căng hơn, giá thuốc lá tụt xuống, nhưng thấp nhất cũng 100.000 đồng/3 gói.

Trốn chạy

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện Phú Đức, cho biết vào tháng 4-2008, tại trung tâm đã có 3 học viên bỏ trốn. Đa số các học viên đều thừa cơ hội đi lao động ngoài trời để “đào ngũ”. Do vây quanh các trường cai là bản làng của người Stiêng nên khi học viên trốn trại, phần lớn đều chạy vào đó để xin cơm ăn, mượn quần áo cải trang hoặc gọi điện thoại liên lạc về nhà. Anh Điểu Đông, trưởng thôn Đắc Khâu, xã Phú Văn, huyện Phước Long- Bình Phước, cho biết từ năm 2006 trở lại đây, anh đã tham gia bắt 4 vụ học viên bỏ trốn. “Hôm đó, có 2 người vượt trường trốn suốt ngày trong vườn điều chờ đến tối thì mò vào làng để tìm cách liên lạc với người thân ở TPHCM. Phát hiện người lạ, dân làng báo cho mình. Mình kêu 12 trai làng vây bắt, sau đó thông báo cho mấy anh trong trung tâm tới đón về”- anh Điểu Đông kể lại vụ vây bắt học viên trốn Trung tâm Phú Đức vào năm 2006.

Hầu hết những học viên trốn trại đều trở về với “hàng trắng”. H.N.C, 30 tuổi, ngụ quận Tân Phú- TPHCM, cũng vậy. Sau gần 6 tháng sống ở Trung tâm Cai nghiện Nhân Ái, huyện Phước Long, cuối năm 2003, trong một lần đi chăn vịt, C. lẻn vào rừng rồi tìm ra đường lớn đón xe bỏ trốn. Đến TPHCM, C. không về nhà mà tìm ngay những “mối” heroin cũ để thỏa cơn thèm. Mải chạy theo “hàng trắng”, đến lúc không còn tiền để “chơi”, bị những cơn thèm thuốc vật vã, co giật khủng khiếp, C. nhớ trường cai, nhớ những buổi lao động ngoài trời vất vả nhưng bình yên. Thế là anh tìm về lại trường.

Những học viên nào trốn trường hoặc sử dụng thuốc lá bị bắt được sẽ chịu phạt bằng cách kéo dài thời gian lao động trị liệu. Một trong những học viên lão làng nhất ở Trung tâm Nhân Ái là T.X.H, 24 tuổi. Do vi phạm nhiều lỗi, như: trốn trường, đánh nhau với học viên khác..., thời gian lao động trị liệu của H. phải kéo dài đến 61 tháng. “Tuổi trẻ nhiều xốc nổi, những ngày tháng dài sống ở trường cai, cuối cùng mình nhận ra rằng, mình chỉ thực sự trưởng thành khi thắng được những cám dỗ của khói thuốc”- H. đúc kết.

Liệu có giữ được mình?

Sáng 1-10, tôi theo xe một đoàn hồi gia từ Trung tâm Cai nghiện Đức Hạnh về TPHCM. Trên xe có 6 học viên được tái hòa nhập cộng đồng. Khi xe vừa rời trường cai khoảng 50 km, các học viên đã giục tài xế cho xuống để mua thuốc lá. Tôi ngỡ ngàng vì trên đoạn đường hơn 100 km về TPHCM, 6 học viên này đã hút sạch 4 gói thuốc! Nhìn cảnh các học viên đua nhau rít thuốc lá, tôi thấy lo lắng vì chỉ vài giờ nữa thôi, họ sẽ trở về hòa nhập với cuộc sống. Liệu họ có giữ được mình với những cám dỗ của ma túy?

Tôi chợt nhớ những câu hỏi đáp trong cuốn tài liệu tặng học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng, được kỳ vọng là “cẩm nang gối đầu giường” giúp họ có thể vượt qua những phút yếu lòng. “Hỏi: Những người lôi kéo tôi nay lại tìm đến, tôi phải làm gì để từ chối, tránh xa? Trả lời: Hãy nhớ lại những nỗi đau và mất mát lớn lao mà bạn và gia đình đã trải qua. Bạn nên nói cho họ hiểu, bản thân bạn đã trả một cái giá quá đắt và bạn không muốn trở lại trung tâm cai nghiện, tiếp tục sống tách biệt với gia đình trong thời gian dài...”.

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ