Ngọn lửa vẫn được tiếp nối…
Các Website khác - 29/05/2006

 

Cô Tim và các bạn trẻ tại buổi giao lưu - Ảnh: T.T.D.

TT - Các nhân vật giao lưu  không phải “siêu sao” mà vẫn thu hút hàng trăm người lắng nghe và... rơi nước mắt.

Điều gì đã khiến gần 200 con người tham dự phải nán lại cho đến khi buổi giao lưu “Sống vì cộng đồng” (diễn ra sáng chủ nhật 28-5 tại báo Tuổi Trẻ) kết thúc vào gần đầu giờ chiều?

Chị Tư “khùng” (Võ Thị Bạch Huệ, nhân viên phòng khám lưu động Đồng Hành) là một trong số những người làm chuyện “không đâu” như thế. Hồi còn trẻ, Huệ đẹp lộng lẫy và rất giỏi... chơi.

“Món” gì cô cũng rành: nhảy nhót, nhậu nhẹt, hút xách. Cuộc sống “tự do” đó chẳng mấy chốc đã đẩy cô vào ngõ cụt, may mà kịp “dừng bước giang hồ”... Chị Tư “khùng” bây giờ tuy không còn nhan sắc nhưng lại có nụ cười thật hiền lành.

Mỗi ngày chị phóng xe ra ngoại thành, đến các khu ổ chuột hay bất cứ xó xỉnh nào để xoa bóp, rửa vết loét, tham vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS. Cả hội trường nín lặng và rơi nước mắt vì nghĩa cử rất âm thầm nhưng cao cả của chị Tư...

Tốt nghiệp đại học, Hoàng Yến (giám đốc chương trình “Khuyết tật & phát triển”) xin mãi mà vẫn không tìm được việc làm chỉ vì cô là... người khuyết tật. Cách đối xử “lạ lùng” đã thôi thúc Yến giành được học bổng du học tại ĐH Kansas (Hoa Kỳ).

Yến có nhiều cơ hội ở lại và làm việc tại Mỹ, nhưng với Yến “trái tim tôi nằm ở VN”. Giờ đây, mới hơn một năm hoạt động nhưng Yến và các đồng sự khuyết tật đã có trong tay một website, một bản tin, thư viện chuyên đề, tham vấn cho người khuyết tật...

Lương y Võ Văn Tuấn (Tiền Giang) mang đến buổi giao lưu một tin vui: dự án “Tín dụng nhỏ cho trẻ em bán vé số” của ông đã có người tài trợ. Đời “làm dự án” bắt đầu từ hơn chục năm trước khi thấy trong xóm năm nào cũng có trẻ chết đuối, ông Năm thử chong đèn viết dự án “Huấn luyện, trang bị đội cấp cứu đường sông chữ thập đỏ và dạy bơi cho trẻ em”.

Hàng chục trẻ em đã được học bơi và một đội cấp cứu trên sông Tiền đã ra đời từ “cái chuyện không đâu vào đâu” của ông Năm.

Mười lăm năm trước, Aline Rebeaud (người Thụy Sĩ) đã đặt chân tới Việt Nam trên hành trình rong ruổi “Tây balô”. Có lần cô gặp một đứa trẻ đói khát nằm cạnh đống rác trong một con hẻm nhỏ…

Chẳng biết có phải là “duyên số” hay không mà từ đó về sau Tim - cái tên do chính những đứa trẻ lang thang đặt cho cô - cứ đối mặt với nhiều thân phận bất hạnh. Vậy là “Nhà may mắn” ra đời và nay đã trở thành tổ ấm cho hơn 50 người, không chỉ trẻ lang thang, trẻ đường phố mà còn những phận người cùng khổ khác.

Ở “Nhà may mắn”, các “con” của Tim được học chữ, học nghề, có cơm ăn áo mặc. Nói tiếng Việt sành sỏi về công việc của mình, với Tim rất đơn giản: “Tụi nhỏ giúp người lớn có niềm vui, còn người lớn dạy lại chúng kinh nghiệm sống”.

Sống vì cộng đồng có khó? Cô Trish Summer Field, giám đốc chương trình “Giá trị sống” và “Tư duy tích cực”, kể: mười năm trước, khi mới đến VN, cô Trish đã phải lén lút hợp tác với các cơ sở cai nghiện do xin hoài mà không được giấy phép.

Mấy ai biết hàng ngàn học viên cai nghiện đã được đánh thức những giá trị tốt đẹp của sống vì cộng đồng, còn người hỗ trợ họ lại “lao đao” trong chuyện xin giấy phép. Cô Trish tâm sự: “Bản chất con người là tốt đẹp, nên chuyện người ta trải lòng mình với cộng đồng lẽ ra là chuyện đương nhiên”.

Cô Nguyễn Thị Oanh, thạc sĩ phát triển cộng đồng, xúc động: “Tôi rất đau lòng trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Đã từ lâu tôi mong muốn có cuộc chấn hưng đạo đức. Và hôm nay tôi rất vui khi nhìn thấy xã hội vẫn còn những ngọn lửa bùng cháy trong tim của những người sống vì cộng đồng. Mong sao ngọn lửa ấy mỗi ngày thêm đượm để tạo thành sức mạnh đẩy lùi cái xấu”.

Có gì đó thật rộn vui với hình ảnh mấy chục bạn sinh viên tình nguyện “Những ước mơ xanh” nắm chặt tay nhau “cho tình thân ái chảy trong tim mình” để cùng tiếp bước trên một hành trình dài bất tận...       

THÁI BÌNH