(VietNamNet) - Y.T vừa nhập viện, nhân viên y tế đã dùng ngay găng tay và để riêng đồ của cô. Mẹ của Y.T tới, hàng xóm lập tức đốt hương muỗi.
Năm 16 tuổi (1996), Y.T bị lừa sang Campuchia làm gái mại dâm. Gia đình đã đi tìm và báo công an, gần 1 năm sau mới tìm được Y.T và đưa cô về nhà. Từ đó, Y.T làm nghề sơn sửa móng tay để sinh sống. Cũng như bao phụ nữ khác, Y.T quyết định xây dựng gia đình với người cô thương. Nhưng thật không may, sau hơn 1 tháng mặn nồng, lúc Y.T vừa mang bầu, chồng cô không may tử nạn xe máy. Khi cái thai bước sang tháng thứ 4, Y.T bị hạ huyết áp và phải vào BV đa khoa điều trị và được các bác sĩ báo tin nhiễm HIV.
Mẹ đẻ của Y.T cho hay, bà phát hiện Y.T bị mắc HIV là do thái độ ứng xử của nhân viên y tế trong BV. Y.T chỉ vào viện được mấy ngày, nhân viên y tế đã sử dụng găng tay và để riêng đồ của Y.T. Cả gia đình rất lo lắng cho con gái và đứa cháu trong bụng.
Từ khi biết mình mắc "căn bệnh thế kỷ", Y.T chán nản và hoang mang. Cô cho rằng mình không làm gì bậy và nghĩ nguyên nhân nhiễm HIV là do làm móng chân, móng tay (cô luôn giấu quá khứ làm gái mại dâm ở Campuchia). Y.T cũng nghỉ làm ngay vì sợ bị phát hiện, xa cách. Cô cũng không muốn sinh con trong BV vì sợ sẽ bị kỳ thị. Y.T tâm sự: ''Từ khi biết mình nhiễm HIV/AIDS em không dám giao tiếp với ai. Em hổng ra đường. Em cũng sẽ không nói mình bệnh để khi đi sanh con, người ta không tệ với con em''.
Ngay cả gia đình Y.T cũng cố giấu chuyện cô mang bệnh để tránh bị cộng đồng xa lánh, nhất là để không ảnh hưởng đến tương lai của hai cậu em trai của Y.T (Chúng sẽ khó có cơ hội lập gia đình và sống vui vẻ với cộng đồng nếu mọi người biết tin này!).
Vừa tròn 21 tuổi (năm 2004), Huệ đang chờ đón nhận hạnh phúc làm mẹ thì nhận được ''giấy báo tử'' cho chính mình: kết quả xét nghiệm dương tính, nguồn lây chính là chồng chị! Sau khi sinh con, chị suy sụp hoàn toàn; nhất là khi mọi người xung quanh đều xa lánh chị. Vượt qua ý nghĩ "chỉ có cái chết mới mong thoát khỏi địa ngục", xuất hiện nhiều trong các cuộc hội thảo về HIV/AIDS, tại các câu lạc bộ và trên báo chí. Rồi chị thành tình nguyện viên, trưởng nhóm “Hoa phượng đỏ” phòng chống HIV/AIDS. Giờ đây, người ta biết đến chị là chiến sĩ phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ, một trong 20 “Anh hùng châu Á năm 2004” do tạp chí Time bầu chọn.
Sợ kỳ thị hơn cái chết
Người nhiễm HIV/AIDS đã phải chịu nỗi đau bệnh thì ít, nỗi đau trước thái độ kỳ thị, xa lánh của cộng đồng thì nhiều. Một trong những biểu hiện của kỳ thị hiện nay là sự cô lập và xa lánh những người nhiễm HIV/AIDS, đôi khi từ chính người thân trong gia đình bệnh nhân.
Ngay cả những người cũng gia đình, thậm chí trong họ của người nhiễm HIV cũng bị xa lánh. Mẹ của Y.T cho hay: ''Người ta đang ngồi coi TV, mình tới, họ đốt ngay nhang muỗi cắm bên cạnh làm cho mình thấy rất ngại''.
Trong cuộc điều tra tìm hiểu về sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS tại Hải Phòng và Cần Thơ do Viện nghiên cứu Phát triển xã hội, Hà Nội cùng một số cơ quan tổ chức, cô N.N.L, ở Hải Phòng, từng làm gái mại dâm và nhiễm HIV đã tâm sự: ''Hàng xóm láng giềng thấy có người nhiễm HIV thì sợ lắm, không dám vào nhà mình chơi nữa, trẻ con cứ bén mảng gần đến cửa là người ta bắt về, không dám cho sang nhà có con bị nhiễm HIV đâu. Con cái của người nhiễm HIV cũng khổ. Bị người ta nhìn như thể mắc bệnh hủi ấy''.
Cũng tại Hải Phòng, anh L.T.T, một thanh niên nhiễm HIV do trót đam mê "nàng tiên trắng" ngậm ngùi: ''Vào hàng giải khát uống nước mía, người bán hàng bảo thẳng: ''Uống vào cốc, người khác nhìn thấy sẽ chẳng dám uống nữa. Thôi uống túi nhé?".
Sự kỳ thị của cộng đồng trong từng sinh hoạt nhỏ dần giết chết người có HIV/AIDS trước khi căn bệnh thế kỷ mang họ đi. Chị Khuất Thu Hồng cho biết, trong các đợt điều tra tại nhiều tỉnh thành có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao, như ở Hải Phòng các cán bộ xã hội nhận được câu trả lời của thành viên nhóm nữ 15-24 như sau: ''Để tự phòng bệnh cho mình, tốt nhất nên tránh xa những người nhiễm HIV bởi gần họ thì nguy cơ nhiều hơn".
''Nếu trong gia đình mình có đứa con, người chồng hoặc người vợ nhiễm HIV thì thực tình người ta coi như đã chết. Kể cả sống được 5 năm nữa thì cũng coi như là không sống trên đời'' - chị Hồng nói thêm.
Bình đẳng cho người nhiễm HIV/AIDS, cách nào?Theo ông Đặng Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hành chính (Bộ Tư pháp), Pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS quy định nghiêm cấm từ chối khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV nhưng trên thực tế những người bị mắc căn bệnh này vẫn chưa được đón nhận như những người bình thường. Không chỉ trong lĩnh vực y tế mà cả lao động việc làm. Ông Sơn đề nghị Pháp lệnh quy định rõ các mức phạt đối với người phân biệt và kỳ thị người nhiễm HIV.
Ông Đào Duy Quát - Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cho rằng để hạn chế tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS cần tích cực tuyên truyền cho các lãnh đạo các cơ quan, bệnh viện, cơ sở y tế, sử dụng lao động, trường học... theo hướng tích cực như nêu gương người bệnh vượt qua sự kỳ thị, vươn lên trong cuộc sống, gương giúp đỡ hỗ trợ những đối tượng bất hạnh này; đặc biệt, không gắn tệ nạn với người nhiễm HIV.
Lệ Hà
▪ Làm thế nào để sống chung với AIDS? (23/10/2004)
▪ Cách xử lý khi bạn có nguy cơ lây nhiễm HIV qua các vết thương hở (27/09/2004)
▪ Cùng vượt qua bất hạnh (26/10/2004)
▪ Lời nhắn của tử thần (16/10/2004)
▪ Nơi đó vẫn có tình yêu (16/10/2004)
▪ ''Cha mẹ bỏ rơi con ngày càng nhiều!'' (17/10/2004)
▪ Gặp “Anh hùng châu Á năm 2004” Phạm Thị Huệ (08/10/2004)
▪ Trở lại "cấm địa bàn đèn" (04/10/2004)
▪ Campuchia: Nhà sư và việc hỗ trợ những người sống chung với HIV/AIDS (26/07/2004)
▪ Anh và tôi (04/06/2004)