Lời nhắn của tử thần
Các Website khác - 16/10/2004
Lời nhắn của tử thần

Đỗ Doãn Hoàng

Tôi và phóng viên của Đài PTTH Phú Thọ "phát hiện" ra Nguyễn Thị Thành khi tìm theo địa chỉ đau thương của một gia đình có 6 người bị nhiễm HIV ở xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tháng 7.2004, sau khi phóng sự "Tiên Lương - kinh hoàng AIDS" đăng trên Báo Lao Động, có nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước thông qua Quỹ Tấm lòng vàng hoặc lên tận Tiên Lương giúp đỡ mẹ con Thành cùng nhiều số phận bị HIV khác. Tuy nhiên, sau 3 tháng chúng tôi trở lại, con trai Thành cũng đã chết thảm mà không có một vòng hoa trắng.

Thành và những bức ảnh "thờ"
đứa con 4 tuổi của mình (tháng 9.2004)

1. Lần nào tôi về Tiên Lương cũng gặp Thành tất tả ngoài bờ ruộng. Mới 21 tuổi, lại đẹp nền nã, lại bị đổ bệnh HIV một cách rất oan khiên từ anh chồng trác táng, nhưng bao giờ Thành cũng bình tĩnh chấp nhận việc "giời cho đến đâu biết đến đấy". 16 tuổi lấy chồng, chẳng may lấy phải cái anh chàng Trần Văn Sơn đói rách, cậu ấy theo nhóm mấy chục trai tráng ở Tiên Lương đi đội than thổ phỉ dưới Quảng Ninh rồi sa đoạ "sập bẫy" HIV, Thành lúc nào cũng cúi mặt không oán than ai. Khi tôi xin phép chụp ảnh, Thành ẵm con lau nước mắt: "Nhà bác cứ chụp, mẹ con cháu có bao giờ ra khỏi cái làng này đâu mà sợ. Còn cái làng này thì ai cũng biết mẹ con cháu bị "ếch" rồi, có gì mà giấu giếm". Không phải là cách nói hờn nói mát của một người đàn bà chồng chết vì AIDS và biết rất rõ mẹ con mình chẳng sống được bao nhiêu nữa cũng vì đại dịch thế kỷ. Đó là suy nghĩ chân thành của một người cam chịu sự đẩy đưa của số phận. Không một thứ thuốc thang, cô gái 21 tuổi bị HIV nuôi một đứa con 4 tuổi bị HIV ấy cứ vẫn phải đi làm thuê để kiếm sống. Ngày ngày, em bế con sang gửi nhà ông bà ngoại ở xóm bên rồi tất tả ra đồng cấy thuê gặt mướn. Bố mẹ chồng nói thẳng là muốn đuổi mẹ con Thành đi cho khuất mắt, bố đẻ Thành thì thương con thương cháu cứ bảo Thành bế cháu về ở với ông bà ngoại. Nhưng Thành lại thương các em ruột mình mà không dám về nhà ngoại để ở hẳn. Chiều chiều đi làm thuê về đến căn chái nhà của bố mẹ chồng, mẹ con Thành lại len lén bước qua sân, lặng lẽ nựng nhau nổi lửa nấu những cái nồi con con rồi nựng nhau ăn. Thành bảo: "Khổ nhưng vẫn phải sống nhà bác ạ, em chết bây giờ là coi như em giết cháu mất". Hai mươi mốt tuổi, câu nào Thành nói cũng già như của một cụ bà.

Nguyễn Thị Thành bế con sẵn sàng
cho nhà báo chụp ảnh
(tháng 6.2004 - ảnh trái)

2. Hôm cuối tháng 9 vừa rồi, gặp tôi, Thành tức tưởi: "Cháu nhà em chết rồi, bác ạ". Tôi đăng ảnh Thành bế con lên mặt báo, Thành gọi điện cảm ơn: "Nhà bác đã hiểu em, sẵn sàng lên báo, thế là em đã cứu được nhiều người rồi phải không nhà bác". Bằng tuổi Thành, mấy cô sinh viên vẫn tí tớn xin tiền bố mẹ đi nhuộm tóc, xem phim cũng nên, còn Thành, có vẻ như em đã suy nghĩ quá nhiều về sự mất còn ở đời rồi? "Nhà cháu được các chú các bác trong và ngoài nước giúp đỡ tất cả 48 triệu đồng, với nhiều quà cáp, quần áo, thuốc men. Có nhiều người ở nước ngoài kiên quyết không để lại địa chỉ, đời nhiều người tốt thế hả nhà bác?" - Thành sụt sịt.

Có đợt một nhà hảo tâm gửi tiền về địa phương rồi bố chồng Thành giành phần đi "lĩnh". Ông lĩnh được hơn 4 triệu đồng, rồi ông lý luận (theo lời kể của Thành và cán bộ xã): "Con tao nó bị HIV thì mày mới được người ta cho tiền chứ, tiền ấy tao đi lĩnh, tao tiêu. Còn mày lấy dính thằng "ết" thì mày phải chịu". Thành nín thinh u con trong khu chái nhà lụp sụp, ông bố chồng vẫn chửi. Cháu bé sợ lắm, 4 tuổi, nó đã biết hết cả rồi. Nó bảo: "Mẹ ơi con muốn ăn kem". HIV ở giai đoạn cuối khiến lúc nào nó cũng kêu nóng ruột. Thành vẫn lặng thinh mua cho con hai que kem mút loại rẻ tiền người ta vẫn "píp píp" đi ngoài rừng cọ. Cháu Lương đòi ăn hết, Thành bảo, con ăn một que rồi, để một que đấy, mẹ nấu cơm con ăn rồi mới lại ăn kem nữa. Ai ngờ đó cũng là lúc ông bố chồng điên tiết quá vác dép tông đánh vào mặt Thành. Thành đang bế con, đau quá, đứa con buột rơi xuống thềm nhà. Cháu Lương nằm thoi thóp ở ngoài sân. Mẹ chồng gào lên, thằng bé nó chết mất rồi; "tao cho chúng nó chết luôn một thể, lũ..." - ông bố vẫn gào lên. Hàng xóm kéo đến mang cháu bé ra trạm xá, ra đến nơi thì cháu tắt thở. Vậy là án tử hình HIV chưa giết được đứa con 4 tuổi của người đàn bà 21 tuổi mang HIV ấy, mà lòng ích kỷ, sự nhẫn tâm của chính người thân đã giết chết cháu!

Không bao giờ Thành quên được cái ngày thảm sầu ấy. Đường làng lúp xúp cỏ, từ trạm xá về xóm 3 ven đồi cọ của cái gia đình mà Thành làm dâu dài đến gần 3 cây số. Cháu Lương gầy tong teo hốc hác đã chết trên tay Thành, Thành ngửa mặt lên trời khóc rồi cứ thế bần thần bế ngửa con đi như ma làm về phía nhà bố mẹ chồng. Đi sau là mẹ đẻ Thành và một bà chị họ. Tất cả đều khóc, trừ cháu Lương.

Ông bố chồng tai quái vẫn không cho Thành bế con vào nhà. Cháu được liệm ngoài hiên, trong một cỗ quan tài con con. Lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm tử thi, cháu bé bị gẫy đốt sống, cháu bị chết do bị đánh, do bị ngã, hay là do HIV? Hình như đám đô tuỳ của xóm quá bất bình trước cái chết nhiều khuất tất của cháu Lương, nên không một ai đi đào huyệt, khiêng quan. Một cán bộ xã kể, chính quyền còn ra lệnh phải đốc thúc anh em giúp gia đình nhà có đám đưa cháu bé ra đồng trước 13 giờ chiều, vậy mà đến 16 giờ cùng ngày, mọi việc vẫn đâu đóng đấy. Cỗ quan tài bé xíu vẫn lặng ngắt ngoài hiên căn nhà chứa nhiều cáu giận, thù hằn. Anh Thắng, người chủ của cái gia đình HIV nghèo đói ở bên cạnh phải đứng ra vận động anh em trong nhóm "đồng đẳng" (xã Tiên Lương là điểm nóng HIV của Phú Thọ) động viên mọi người thôi đừng trách gần trách xa nhà người ta làm gì, vấn đề là trọn câu "nghĩa tử nghĩa tận" với cháu bé vô tội và người phụ nữ 21 tuổi vô tội kia. Đám tang cháu Lương không có lấy một vòng hoa trắng.

3. Sau đó, ông bố chồng Thành bị bên công an gọi ra lấy lời khai khá nghiêm trọng, chiếc dép tông mà ông dùng để đánh Thành cũng được lực lượng chức năng thu giữ làm tang vật. Đại ý thế, điều đó Thành không mấy quan tâm. Độ này cái con HIV trong người Thành hình như nó bắt đầu quấy đảo, đầu cứ đau như búa bổ. Mỗi lần như thế, Thành lại thôi làm việc đồng áng, đứng giữa cánh đồng, ngửa mặt lên trời như nhắn nhủ điều gì đó với tử thần HIV.

Thành và ông Cửu, bố đẻ Thành, đều xúc động bảo, các nhà hảo tâm, và các nhà báo đã sinh ra Thành một lần nữa. Không chỉ vì tiền cứu trợ cho mẹ con Thành những lúc không biết bấu víu vào đâu, mà hơn thế, là tình thương, sự sẻ chia. Chẳng còn sống được bao nhiêu nữa, lại cô quạnh ra vào có một mình trong căn chái nhà sực rơm rạ mốc ấy, thật sự, chỉ riêng việc Thành còn ham sống, còn đi làm thuê kiếm ăn, đó đã là một nghị lực. Hằng đêm, Thành vẫn thắp nhang, cúng cơm cho cậu con trai 4 tuổi quá cố ngay ở đầu giường ngoài căn chái nhà mà lúc cháu còn sống mẹ con Thành vẫn nựng nhau ăn, nựng nhau ngủ hằng đêm. Gia đình nhà người chồng quá cố không cho lập bàn thờ cháu Lương trong gian giữa nhà họ. Thành cúng con ở đầu giường, rồi ngủ luôn tại đó. "Em định sau 49 ngày, em sẽ đốt quần áo rồi không đơm cơm cúng cho cháu hằng bữa đặt lên đầu giường nữa. Nhưng, em sẽ thờ con ở đâu? Đem về nhà bố mẹ đẻ thì phong tục không ai cho làm thế. Em bị HIV thế này, làng còn kỳ thị nặng nề lắm, không về nhà bố Cửu sống được đâu, nếu về thì các em của em sẽ ế chồng ế vợ mất. Em cứ đi lại lùi lũi đêm ngày trong cái làng này, đến con ma cũng sợ em mất rồi. Được các nhà hảo tâm cứu trợ, bây giờ em đang đề nghị với xã xin cho em được một miếng đất ở cuối làng cũng được, chỗ nào đầu trâu trán chó cũng được, cốt là em dựng được một túp lều để đặt bàn thờ cúng chồng, cúng con. Và để em sống được ngày nào hay ngày ấy, trong căn nhà đó. Chứ em biết ở đâu. Cái chái nhà của nhà chồng thì bây giờ em có muốn cũng chẳng ở được nữa rồi...".

Thành lại ngửa mặt lên trời bỏ ra ngoài sân.