Người ông!
Các Website khác - 20/11/2008

Cu Tèo sinh ra ở Hà Nội. Bố mẹ em đều mắc nghiện và đang cai ở Trung tâm. Em có số phận không may mắn vì bị nhiễm HIV. Khác với nhiều đứa trẻ có cùng hoàn cảnh, cu Tèo đã được gia đình chăm sóc với tình thương yêu vô bờ bến của ông, bà.
Cu Tèo năm nay lên 4 tuổi. Thỉnh thoảng em cũng ốm vặt như sổ mũi, biếng ăn rồi lại khỏi. Nhưng hồi cuối năm ngoái, em bị viêm phế quản và sốt liên tục. Ông, bà phải bế em đi hết cơ sở điều trị này đến bệnh viện khác để khám chữa. Nhưng uống thuốc hoài, tiêm đến chai cả hai cánh tay mà cũng không thấy bệnh thuyên giảm. Người em lại bị lở đầy mụn. Bà đã tìm các loại lá, đến Viện Da liễu mua thuốc, vừa bôi, vừa tắm cho em nhưng cũng không ăn thua. Cả nhà đôn đáo không hiểu là bệnh gì. Cùng thời gian đó, mẹ của cu Tèo cũng ốm nằm viện. Chị khẳng định là mình đã làm hết các xét nghiệm máu rồi, không cần phải xét nghiệm cho con nữa. Và ông, bà của em cũng không dám nghi ngờ đến tình cảnh xấu nhất mà đưa em đi xét nghiệm.
Đành chỉ biết nhờ cậy vào các bác sĩ. Em nằm cả tháng trời ở Bệnh viện Nhi. Thấy em ốm hơn tháng trời mà vẫn chưa khỏi, lúc đó bác sĩ mới quyết định cho em xét nghiệm HIV. Kết quả thật đau lòng… Em đã bị nhiễm HIV từ mẹ. Có lẽ do tâm lý của người mẹ vì quá lo lắng cho con nên không dám làm rõ sự thật. Nhưng điều đó thật không nên. Vì nếu em được phát hiện sớm thì ông, bà đã không phải vất vả chạy ngược chạy xuôi, mất ăn mất ngủ, còn em sẽ không bị tiêm quá nhiều kháng sinh liều cao như vậy.
Sau khi phát hiện bị nhiễm HIV, em được điều trị bằng thuốc đặc hiệu (ARV) miễn phí. Những vết lở trên người tự dưng mất dần mà không cần sự hỗ trợ của bôi thuốc hay tắm lá. Sức khỏe em bình phục, chịu ăn chịu chơi, thích tung tăng chạy nhảy. Ông của em khoe là sắp tới sẽ đăng ký cho Tèo đi học. Đó là một việc hết sức bình thường với mọi trẻ em. Nhưng đối với những người ruột thịt của em thì đó lại là điều hạnh phúc vô vùng lớn lao, tuyệt vời.
Trong suốt buổi nói chuyện cùng tôi, ông không hề nhắc tới một từ HIV/AIDS, nhưng trong lòng ông thì đang “đánh vật” với căn bệnh để giành giật lấy đứa cháu. Ông tin một ngày nào đó sẽ có thuốc chữa khỏi hẳn bệnh nan y này. Có thể còn xa lắm. Nhưng ông vẫn hy vọng. Hiện tại, em được Bệnh viện Nhi cung cấp thuốc điều trị miễn phí. Điều đó cũng có nghĩa đã đem lại tin mừng cho gia đình ông rồi. “Vì cháu tôi vẫn có cơ hội được điều trị suốt đời” - ông tâm sự.
Ông biết, cháu mình không đơn giản chỉ uống thuốc là xong mà còn phải chăm sóc cẩn thận nữa để không bị lây nhiễm thêm bệnh và lây HIV/AIDS sang người khác. Ông đã chủ động tìm mọi cách để tiếp cận với bác sĩ. Ông kể: “Để biết cách điều trị thuốc hợp lý, tôi phải tìm tòi sách báo, dựa theo đơn của bác sĩ và những biểu hiện bệnh của cháu. Điều trị loại thuốc này, nếu như quên 2-3 ngày không uống thuốc hoặc uống không đúng giờ thì coi như hết tác dụng. Bởi vậy, có việc đi đâu tôi cũng chỉ đi trong ngày và luôn luôn phải đặt chuông báo giờ uống thuốc, ghi trên lịch...”. Ông đưa cho tôi xem tờ giấy ghi kín 2 trang về các triệu chứng bệnh cơ hội, phác đồ điều trị thuốc ARV, cách chăm sóc, ăn uống khi trẻ mắc các chứng bệnh…
Những ngày đầu, mặc dù chưa biết nhiều về HIV/AIDS nhưng ông cũng không hề có cảm giác sợ bị lây bệnh mà tìm mọi cách để chạy chữa cho em. Đêm đêm, em thường hay tỉnh giấc, quấy khóc, cả hai ông, bà lại phải vỗ về, xoa chân, xoa tay, bế đi vòng quanh nhà… Không đêm nào ông, bà được ngủ trọn giấc. “Cứ trái gió trở trời là khổ lắm, người cháu khó chịu khóc vật vã suốt. Xót lắm, giá như tôi đau được hộ cho cháu. Nếu như tôi không chăm cháu có nghĩa là tôi chỉ nghĩ cho bản thân mình, không muốn đeo cái khổ vào mình. Trẻ con nào đâu có tội tình gì cơ chứ. Tại vì số cháu không may nên phải chịu cảnh thiệt thòi”- ông nghèn ngào nói.
Hiện nay, bố mẹ của cu Tèo đều đang đi cai nghiện. Ông nói: “Con mình rứt ruột đẻ ra, nó đau mình cũng như bị rứt từng miếng thịt ấy. Chỉ mong sao cháu nó cai hẳn được nghiện để trở về nhà đi làm và sống tốt để chăm con cái”.
Thỉnh thoảng, ông bồng cu Tèo đi sinh hoạt câu lạc bộ. Ông đến đó tìm kiếm thông tin để chăm sóc cháu tốt hơn và gây dựng cơ sở để sau này bố mẹ cu Tèo về có nơi tham gia sinh hoạt. Giá như ai cũng nghĩ được, lo được như vậy thì những trẻ em có số phận không may mắn sẽ không phải bơ vơ hoặc thiếu vắng tình ruột thịt như trẻ đang ở các trung tâm. Không nơi nào tốt hơn là việc trẻ em được chăm sóc trong mái ấm của gia đình, nhất là đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
“Khi nào tôi còn hơi thở thì chừng ấy tôi sẽ còn dốc sức để chăm sóc, yêu thương các con, các cháu. Đó là núm ruột của tôi mà”. Tôi thấy lòng mình thanh thản hơn so với trước khi mới bước chân vào nhà ông. Và tôi ước. Giá như tất cả những trẻ không may bị nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đều được người thân chăm sóc như cu Tèo./.
Tạp chí AIDS và cộng đồng