Người “phát quà” trong đêm...
Các Website khác - 06/08/2005

Người “phát quà” trong đêm...

Các cô gái bị lạm dụng tình dục, hành nghề mại dâm được Trung tâm Giúp đỡ phụ nữ khó khăn nuôi ăn, ở và học nghề miễn phí - Ảnh: CTV
TT - Hầu như không một đồng đẳng viên nào muốn nói về quá khứ “rùng mình” của chính mình. Ngày đầu tiên khi tôi đến và đề nghị được cùng đi với họ đến công viên, hè phố để tiếp cận những cô gái “hoa đêm”, ban đầu không ai đồng ý nhưng cuối cùng họ đồng ý với một nguyên tắc: không nêu tên, không chụp ảnh.

Họ bảo: “Trở về với đời rồi, thương mấy đứa còn đứng ngoài đường, ngoài phố, nhưng chúng tôi còn chồng con, còn hàng xóm nữa chứ, đâu phải ai cũng chấp nhận quá khứ!...”.

>> Những mảnh vỡ trên hè phố

Qua đường “hoa nở về đêm”

...Đèn đường loang loáng, hòa chung dòng xe tấp nập trên đường phố khu trung tâm quận 1, chị D. vẫn gò lưng đạp chiếc xe cọc cạch, trước giỏ xe để một bịch xốp đựng phiếu bướm và những hộp bao cao su.

Đến công viên 30-4, chị dừng chân ở góc công viên nơi đã có một nhóm “hoa đêm” hành nghề đứng đợi. Thấy tôi là người lạ đi theo, một “hoa đêm” liền hỏi: “Chị này mới vào đội hả chị?”. Chị D. cười hiền hiền đỡ lời cho tôi: “Ừ, mới vào, dắt đi kèm cho quen”.

Rồi thân mật, chị D. tiếp tục công việc thầm lặng của mình, hỏi han từng cô: “H. còn bao không? Lấy thêm đi em, nhớ đừng đi khách mà không mang bao nghe, có ngày bị “ét” chết không cứu được đâu đấy!”...

“Ừ mà cái con nhỏ mới ra làm ở đây sao hôm nay không thấy, chắc đi khách rồi hả? Mấy em nhớ dặn nó giữ gìn nghe...”.

Quay sang một cô tuổi chừng đôi mươi đang thập thò nghe ngóng, chị nói: “Em đã đến trung tâm chị giới thiệu chưa, vào đấy ở đi, họ nuôi mình ăn ở, cho đi học nghề sau này làm nuôi thân, em còn phải lập gia đình nữa chứ”...

Những cô gái “hoa đêm” ngồi tụm lại trên ghế đá công viên, những câu chuyện đời thường, những câu chuyện khách quịt tiền, khách đánh đập, đứa nào “lốc” không có khách, đứa nào đau ốm... lại được mang ra kể.

Và tôi cảm nhận được trong cách ăn nói, biểu lộ tình cảm của những “hoa đêm” dành cho chị D. như những người em đối với một người chị, họ thổ lộ, chia sẻ tất cả những điều thầm kín nhất.

Phát bao cao su xong, chị D. lại lên xe đạp một mạch tới cầu Thị Nghè. Trên cầu, khung cảnh khá xô bồ, vài chiếc xe với những gương mặt say xỉn ghé vào ngã giá với các cô gái. Gần 23g mà vẫn còn gần chục cô đang chờ khách dưới ánh đèn đường.

Như quá quen thuộc, thấy chị D. lại, các cô túa ra lấy “quà” là mấy cái...OK (bao cao su OK)! Nhận “quà” xong, các cô tản ra thật nhanh và cô nào cũng vội vàng giấu bao cao su vào mép thành cầu.

Chị D. lắc đầu: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, tụi nó sợ công an truy quét kiểm tra thấy có bao cao su trong người là coi như tang chứng, vật chứng hành nghề mại dâm sẽ đi trường trại ngay, khi nào có khách tụi nó mới đem theo”.

Bữa nào ế khách, mấy cô mới có cơ hội tụ lại nghe chị D. hay những đồng đẳng viên khác tâm sự, nói chuyện về AIDS. Nhưng hôm nay khách nhiều nên chị D. cũng chẳng muốn la cà lâu sau khi phát “quà”. Chị quay sang bảo tôi: “Đi em, mình qua New đi!”.

Tôi theo chị D. vòng về công viên 23-9, gần khách sạn New World lộng lẫy ánh đèn. Đây là nơi “hoa đêm” hoạt động rất mạnh từ nửa đêm về sáng vì nhiều khách nước ngoài. Trời đổ mưa to, mấy bóng hồng túa nhau chạy mất hút vào đêm đen. Đồng hồ đã chuyển sang ngày mới.

Đường phố, công viên vắng lặng mà chị D. vẫn đứng đó ngó tới ngó lui ra chiều sốt ruột. Không còn bóng một cô gái nào vậy mà rất lâu sau chị mới bảo tôi: “Chắc tụi nó trốn mưa hết rồi, chị em mình về đi”.

Chị D. lại lầm lũi đạp xe giữa phố đêm. Chiếc xe chị đang đi là món quà của phó chủ tịch Hội Phụ nữ quận 1 tặng cách nay đã hơn chục năm khi thành lập đội đồng đẳng đầu tiên. Nó cũ đến mức chiếc bàn đạp bằng kim loại đã mòn hết một nửa, vậy mà đêm nào cũng theo chị đi khắp các công viên đến với những “hoa đêm”!

Chút ánh sáng tỏa ra

Tôi không thể quên cái không khí xúc động với hơn 500 người về dự, nhiều người đã rơi nước mắt khi nghe những lời tâm sự của chị H.D. trong lễ tổng kết 10 năm hoạt động mô hình giáo dục đồng đẳng vào cuối năm 2004:

Hơn 10 năm mô hình giáo dục đồng đẳng ra đời, đã có 271 người được học nghề, vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống. Con số này không nhiều so với hàng ngàn, chục ngàn thân phận “hoa đêm” còn ngụp lặn ngoài vỉa hè, công viên nhưng thật đáng quí đối với từng số phận.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, trưởng ban gia đình xã hội Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, cho biết: “Các chị em hành nghề mại dâm là đối tượng Hội cần quan tâm, nhưng trong cuộc giành giật cam go này, đưa được một người trở về con đường hoàn lương, có gia đình hạnh phúc là niềm vui của những người làm công tác xã hội... Chính những điều đó làm động lực cho các chị đồng đẳng viên tiếp tục công việc thầm lặng đưa từng số phận con người trở về...”.

“...Trong hoàn cảnh không còn lối thoát, tôi buộc phải bán đi cái vốn quí nhất của người con gái để cứu cha tôi đang nằm bệnh viện và trả nợ cho mẹ. Tôi đã đi vào con đường mà người ta cho rằng nhơ nhuốc và đen tối nhất trong kiếp làm người. Tôi bị bắt hơn một năm.

Khi trở về nhà, mẹ tôi đã bán nhà để trả nợ. Cuộc sống lại chồng chất khó khăn và một lần nữa tôi lại tiếp tục bước vào con đường cũ...

Một đêm mưa lạnh, khi về nhà tôi chợt thấy con tôi còn ngồi co ro, thấy mẹ, nó khóc nức nở: “Mẹ ơi, con sợ quá! Đêm nào mẹ cũng về khuya vậy?...”.

Tôi giật mình và bàng hoàng chợt nhận ra con đường mình đang đi là ngõ cụt. Trằn trọc cả đêm, vì thương con, tôi quyết định tìm con đường thoát.

Tôi gặp được các chị bên hội phụ nữ phường, được tham gia lớp tập huấn kiến thức phòng tránh HIV/AIDS và cùng ba người bạn nữa làm nòng cốt cho đội giáo dục đồng đẳng đầu tiên, cuộc đời tôi bắt đầu được làm lại từ đây...”.

Chị H.D. đã đứng lên và làm lại cuộc đời - không chỉ đời mình mà còn bao thân phận còn chập chờn trong đêm khác. Được sự giúp sức của địa phương, của hội phụ nữ, chị H.D. đã có việc làm, một gia đình, một mái ấm hạnh phúc.

Tuy cuộc sống không dư dả, gia đình chị vẫn phải thuê nhà nhưng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc trong chị khi mỗi lần nghe chị kể về những thành viên trong gia đình. Đó là lúc đôi mắt chị long lanh.

Hơn mười năm với bao nhiêu đêm chị âm thầm tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ không chỉ để phát bao cao su, hướng dẫn cách thức tình dục an toàn, mà chị còn tỉ tê khuyên nhủ những cô gái trẻ bỏ nghề, còn chạy khắp nơi tìm một chỗ dạy nghề miễn phí cho chị em. Đã có khá nhiều người theo chân chị làm lại cuộc đời.

Nằm sâu trong con hẻm ở quận 3 (TP.HCM) có một căn nhà xinh xắn là nơi được Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM cùng một tổ chức xã hội dành để giúp những cô gái bị buôn bán ra nước ngoài làm “nô lệ tình dục” và cả những mảnh đời đường phố đang phải bán thân.

Khi tôi đến, trong nhà đã có 20 cô đang sống với nhau như chị em ruột thịt và đều có quá khứ kinh hoàng. Vào đây các cô gái không chỉ được chăm sóc, học nghề mà còn được các nhân viên xã hội hướng dẫn những điều thật bình thường như nấu ăn, trang trí nhà cửa, giặt quần áo, vệ sinh cơ thể, chăm sóc sức khỏe...

Buổi chiều khi chúng tôi đến thăm, trong gian bếp tiếng nói cười giòn tan, ba cô gái đang chụm lại nhặt rau, tỉa củ dưới sự hướng dẫn của cô bảo mẫu.

“Hôm nào ai rảnh thì được đi chung với cô bảo mẫu ra chợ mua thức ăn, vào bếp học cách nấu ăn. Cô dạy cả cách sắp xếp một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nữa, vui lắm” - Nh., 18 tuổi, nhanh nhảu nói. Nh. được đưa về đây khi cô đang sống vất vưởng ở công viên.

Cặm cụi đưa những đường chỉ viền chiếc áo đầm, chị Tr. cười tươi chào khách: “Có cái đầm của bà khách Việt kiều cần gấp, mấy chị ngồi chơi nha”.

Tôi thật sự chú ý đến tấm bằng khen “giải thưởng Lê Quí Đôn” do Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng của cậu con trai chị được treo ở vị trí trân trọng nhất. Cả xóm không ai biết chị Tr. đã từng có một quá khứ làm “hoa đêm”.

Cách đây hơn bảy năm, để giúp chị Tr. không rơi vào con đường cũ, Hội Liên hiệp phụ nữ đã hỗ trợ chị theo học nghề may sau khi từ Trường Phụ nữ 2 trở về địa phương và trong một dự án trợ vốn cho phụ nữ hoàn lương, chị được vay 10 triệu đồng (lãi suất 1%) để ra một tiệm may nhỏ trong xóm.

“Lúc còn đứng đường, nói thật là tôi không dám mơ mình có được như ngày hôm nay. Cuộc sống bây giờ chưa dư dả về vật chất nhưng tinh thần thì thoải mái” - chị thú thật.

KIM ANH