(VietNamNet) - Học viên đã chấp nhận ''ẩn mình'' giữa bốn bề sông nước để từ bỏ ma tuý nhưng thỉnh thoảng vẫn có những cuộc trốn chạy từ đảo Long Hội (Thái Nguyên).
Trốn vì ''nhớ vợ, thương con''!
Cách thành phố Thái Nguyên hơn chục km, giữa bốn bề mênh mông sóng nước, đảo Long Hội như một nét nhấn nhẹ nhàng cho vẻ đẹp kì thú của hồ núi Cốc. Đảo hiện là nơi tập trung của hơn một trăm con người tìm đến mong thoát khỏi kiếp nghiện ngập.
Nếu so với nhiều trung tâm cai nghiện khác thì điều kiện sống nơi đây rất tốt. Học viên được làm việc và học tập liên tục để quên đi ma tuý. Sáng lao động trồng rau, hái chè, làm đồ mộc. Chiều ai có nhu cầu tập luyện thể thao thì có sẵn bàn bóng, nơi bơi lội. Tối đọc báo, xem tivi. Khí hậu thoáng mát như một khu nghỉ dưỡng. Tịnh không thấy một đoạn tường cao hay dây thép gai ngăn cách với bên ngoài nào cả. Điểm mất tự do lớn nhất là đúng 21h thì tất cả học viên phải lên giường đi ngủ. Mọi cánh cửa đóng kín mít. Tưởng chừng như các học viên có thể yên tâm cai nghiện ở đây và nếu muốn trốn thì cũng khó. Thế nhưng, thỉnh thoảng vẫn có những cuộc trốn chạy từ đảo Long Hội.
Ông Lại Tiến Đức, Giám đốc Trung tâm Giáo dục LĐXH Thái Nguyên giới thiệu qua những học viên của đảo Long Hội. Hầu hết các đối tượng đều đã cai... năm lần bảy lượt, có đến 80% học viên mang tiền án, tiền sự. Tỷ lệ nhiễm HIV bình thường là 50%, có những đợt lên đến 70%. Còn chuyện bỏ trốn? Ông Tiến bảo bây giờ đã đỡ nhiều nhưng nếu muốn tìm hiểu thì cứ đến cơ sở 2 của Trung tâm đóng trên đảo Long Hội.
Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ quản lý cho biết thời gian lý tưởng của những kẻ trốn chạy thường hay chọn là từ tháng 10 đến tháng 2. Lúc đó nước cạn, có thể bơi mà không sợ bị chết đuối. Thời gian trốn thường sau ngày 20 của tháng (sau ngày thăm gặp người thân), bởi khi đó người cai thường rơi vào cảm xúc nặng nề muốn tìm về ma tuý sau khi biết chuyện gia đình. Những đối tượng trốn phần đông là người cai nghiện bắt buộc.
Anh Thành kể... Đêm 30 tết năm Giáp Thân (2004), hàng trăm học viên cùng quây quần trong hội trường chuẩn bị đón mừng năm mới, anh bỗng phát hiện thiếu học viên Nguyễn Xuân Quyền. Ngay lập tức mấy cán bộ liền bấm nhau lặng lẽ đi tìm trong khi các học viên khác vẫn sinh hoạt bình thường. Chiếc xuồng máy đưa các anh đi khắp mấy vòng quanh đảo tìm Quyền. Tiếng gọi vang khắp mặt hồ nhưng đáp lại chỉ là màn đêm đen kịt và cái lạnh thấu người. Sắp đến giao thừa, mọi người quyết định về huy động thêm một số học viên tham gia việc tìm kiếm. Ai cũng lo lắng bởi trời tối, hồ sâu mà Quyền lại không biết bơi, nhỡ không may thì... Mãi đến 3h sáng ngày mùng 1 tết, Quyền được tìm thấy khi đang ngồi khóc ở khu vườn rau. Cán bộ quản lý gặng hỏi mãi thì Quyền mới nói rằng buồn do vừa nhận được tin vợ bị bắt do phạm tội buôn bán ma tuý...
Không thể trốn thoát!
Học viên Triệu Văn Cương, quê Lạng Sơn cai nghiện ở đảo đã 17 tháng. Sau lần gặp người thân, Cương đòi về thăm nhà không được nên nảy sinh ý định bỏ trốn. Một buổi sáng, tranh thủ khi ra một đảo nhỏ hái chè, Sơn kêu mệt xin đi nghỉ một lát. Tranh thủ lúc mọi người mải làm việc Cương nhanh chóng đánh bài... ''chuồn''. ''Với những học viên cai nghiện người địa phương còn đỡ sợ bởi quen đường chứ người nơi khác đến không biết lại bơi ra những chỗ vừa sâu vừa xa thì rất nguy hiểm''- anh Thành cho biết.
Thế là suốt cả buổi chiều hôm đó, 2 chiếc canô của trung tâm quần thảo không biết bao vòng quanh các đảo mà không thấy Cương. Tất cả các vùng đồi núi xung quanh cũng được lật tung từng mét mà vẫn chẳng thấy tăm hơi. Trưa ngày hôm sau lãnh đạo trung tâm gọi điện về gia đình Cương. Họ cho biết chưa thấy con mình về. Xác định rằng, anh chàng này là người nơi khác đến, lạ nước lạ cái, chưa thể chạy đi xa được mà vẫn chỉ lẩn quất đâu đây. Một kế hoạch mới được đề ra. Các cán bộ đi tìm giả vờ hò nhau ra về như thể đánh động cho Cương biết cuộc tìm kiếm đến đây là kết thúc. Đúng như dự đoán, không chịu được cái đói, cái khát sau hai ngày vùi mình trong những bụi rậm, Cương rời chỗ ẩn nấp đi tìm nước uống. Lúc này anh ta đi không nổi, khắp người vằn vện những vết xước, da phồng lên từng mảng do kiến đốt. Thế là sau hai ngày tìm kiếm mệt lừ, các cán bộ quản lý lại phải mất 2 ngày chăm sóc, đổ sữa cho Cương.
Những người bỏ trốn thường lấy đường dây điện dẫn vào trung tâm làm ''la bàn''. Cứ bơi rồi chạy theo đường núi là ra tới khu đập chính của hồ núi Cốc và tìm xe ôm đi tiếp. Một con đường khác là ở Phúc Tân. Từ đảo bơi sang qua khu vực ''Eo Thắt'' của xã là gặp đường ô tô. Lúc này thì học viên đã chính thức... ''xổng chuồng''!
Hầu hết những người trốn chạy đều không thoát, bởi khi phát hiện vụ việc cán bộ quản lý thường nhanh chóng chốt chặn ở chỗ đập chính và ''Eo Thắt''. Bởi vì họ biết rằng, kiểu gì đối tượng bỏ trốn cũng phải chạy qua đây. Tuy vậy, cũng có những đối tượng bằng nhiều cách vẫn vượt qua được. Vụ gần đây nhất, học viên Nguyễn Tuấn Anh lợi dụng việc đi lấy cỏ cho thỏ đã chạy trốn. Suốt đêm anh này vừa bơi, vừa chạy đến 5h sáng hôm sau thì về đến nhà ở Đồng Bẩm.
Tôi nhớ lại lời một cán bộ ở một trung tâm cai nghiện, trượt vào ma tuý là ''lầm đường lạc lối'' nhưng không phải đã hết hy vọng. Họ vẫn có thể vượt qua bằng nghị lực cai nghiện. Nhưng cũng có người đã ''bập'' vào ma tuý vẫn luôn tìm cách trốn chạy khỏi trung tâm cai nghiện. Chỉ có điều, thoát được khỏi trung tâm, liệu họ có thoát được bàn tay của tử thần ma tuý luôn quyến rũ, rình rập?
Phi Thảo
▪ Anh và tôi (04/06/2004)
▪ Câu chuyện của một ông bố 19 tuổi (03/06/2004)
▪ Bạn tôi mới ra đi vì AIDS (03/06/2004)
▪ Câu chuyện của một người đồng tính đã lấy vợ (03/06/2004)
▪ 6 cách để sống lâu và hạnh phúc (20/06/2004)
▪ Đường về của những người đàn bà bị bán qua biên giới (05/01/2003)
▪ Lá vàng còn lại (19/03/2004)
▪ 18 năm kiên cường sống chung với HIV (06/06/2004)
▪ Website cho người nhiễm HIV tìm bạn tình (06/06/2004)
▪ Khi chồng muốn... giống vợ (04/06/2004)