Đường về của những người đàn bà bị bán qua biên giới
Các Website khác - 05/01/2003

(VietNamNet) - Chấp nhận “làm vợ” kẻ bỏ tiền ra mua mình, chấp nhận “phản bội” người chồng nơi quê nhà, chấp nhận mọi thứ đầy ải, nhơ nhớp để đăm đắm tìm đường về...  Làm thế nào những người đàn bà bị lừa bán qua biên giới trở về trong vòng tay quê hương, vòng tay người chồng đính thực của mình?

Chị Nguyễn Thị Nhã

Đường về muôn nẻo chông gai

Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chị Bùi Thị Duyên, xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã nghe theo lời rủ rê của một người quen, lên biên giới buôn bán hàng lặt vặt. Khi đến biên giới, mua hàng xong, chị được rủ qua biên giới “xem chợ”. Sau một hồi chần chừ, cuối cùng chị cũng “đi cho biết”. Đi chơi chợ một vòng, kẻ đi cùng chị rủ vào nhà bạn bên đó chơi. Ngồi nhà “bạn” một lúc, người đi cùng lẻn ra khỏi cửa mất hút. Chị Duyên bị giữ lại với lý do là người “đi cùng” chị nợ chúng một số tiền. Đất khách quê người biết kêu ai, chị bị chúng đẩy xuống một hầm tối với những người đàn bà có hoàn cảnh như chị. Trong hầm tối đó, chúng vừa hăm doạ vừa dỗ rằng, nếu ai đồng ý chịu bán mình”làm vợ” một người đàn ông khác thì chúng sẽ chọn cho những người có nhiều tiền. Một số phụ nữ bị bắt như chị không chịu nghe mà chỉ kêu khóc. Chúng liền giết chết ngay. Sợ quá, chị Duyên cắn răng “đồng ý” chịu cho bán mình làm vợ một ai đó để tìm cách trốn về sau.

Hoàn cảnh của chị Duyên cũng giống như Nguyễn Thị Trâm, Nguyễn Thị Xây, Bùi Thị Thái, Nguyễm Thị Nhã là người cùng xã và nhiều người phụ nữ ở các tỉnh ven biên giới khác. Do gia cảnh túng bấn, họ bị chính những người cùng xã rủ rê đi biên giới buôn bán. Và trong một chuyến đi như vậy, họ bị bắt và bán cho những người đàn ông xa lạ. Chị Nhã cũng bị hai người ở xã rủ đi chợ vùng biên. Ba người đang đi thì một lũ côn đồ cũng ập đến. Hai người kia bỏ chạy. Đáng ngạc nhiên là lũ côn đồ không đuổi bắt hai người kia mà tóm ngay chị Nhã. (sau này khi trốn được về, chị Nhã cũng có “cảm giác” đó là “đóng kịch”). Chồng chị, đau đớn đến nhà hai người đi cùng”đòi vợ” và nhiều lần muốn “chém” cả hai rồi đi tự thú. Chị Nhã cũng bị hăm doạ cho đến khi phải đồng ý để chúng bán chị cho một người đàn ông độc thân. Chị phải cắn răng nói rằng chồng mình ở nhà đã chết để cho “người chồng” mới không tỏ ra nghi nghờ chị đang đau đáu tìm kế thoát thân.

Có những người không được “may mắn” như chị. Họ bị bán làm vợ cho... năm bố con trong cùng một nhà! Để tìm cách trở về với gia đình những người đàn bà không chỉ phải tạo niềm tin cho”người chồng” mới rằng mình đã an phận mà còn phải thuộc đường lối và biết một số từ địa phương để có thể hỏi đường. Nếu họ có tìm cách trốn khỏi gia đình đã mua họ nhưng không biết đường, không biết tiếng thì loanh quanh một lúc sẽ bị tóm lại ngay. Nhiều người sau khi bị tóm lại đã bị nhốt, bị trói, bị canh rất nghiêm ngặt và hầu như không còn có cơ hội thoát thân nữa. Chính vậy mà dù có cơ hội thì họ cũng phải kiên nhẫn học tiếng, thuộc đường đi lại trong vùng. Cơ hội trốn được ra khỏi nhà “chồng mới” là cơ hội duy nhất của họ. Nhưng ngoài những điều kiện rất “khách quan” đấy, họ còn phải tuân thủ một điều kiện đặc biệt là: Bằng kinh nghiệm của mình, họ không thể để cho mình có con với “người chồng” mới. Do hiếm hoi nên những đứa con đó được trông nom cẩn thận và người mẹ rất ít khi được tiếp xúc với con mà không có một người thứ ba. Họ không thể có cơ hội ôm con trốn về cùng mình được. Tình mẫu tử mạnh hơn tất thẩy. Nhiều người chẳng may có con với người mua mình, khi trốn được về, chỉ nhìn chồng, nhìn con khóc ròng rồi khăn gói quay lại nơi ''tù đầy” của mình. Chị Nhã học tiếng, xin đi buôn lặt vặt xung quanh vùng mình sống để cho thuộc đường. Chị biết rằng những buổi đi chợ đầu tiên chị đều bị theo dõi. Chị làm hết sức để phá tan sự nghi ngờ của “người chồng” mới bằng cách tỏ ra thích thú với tiền bạc người đàn ông đó kiếm được. Để đánh gục sự nghi ngờ còn lại, chị nhận một người đàn bà già gần nhà làm “mẹ nuôi”. Cuối cùng, trong một dịp vắng nhà của “người chồng” mới, chị đã trốn thoát...

Cảnh báo về nhóm phụ nữ ''nguy cơ cao''

Trong số ba mươi người phụ nữ bị lừa bán qua biên giới ở xã Tràng An, chỉ có chín người thoát thân trở về. Điều đặc biệt và kỳ diệu là, những người chồng không hề hé răng trách họ nửa câu. Họ ôm lấy vợ và khóc vì vui mừng. Họ hiểu rằng những gì mà người vợ đã trải qua chỉ là một tai nạn trong đời. Không có ai vì vợ đã “làm vợ” một người đàn ông khác mà muốn ly hôn. Họ vẫn phải sống, vẫn phải dựa lưng vào nhau để nuôi nấng con cái, để đi hết cuộc đời này. Những người chồng là những người trực tiếp bị tác động mọi mặt từ tâm lý đến tình cảm về hoàn cảnh của vợ vừa trải qua. Họ vẫn lặng lẽ dang rộng vòng tay ôm lấy vợ mình vì họ hiểu tất cả sự gian nan khủng khiếp mà người vợ đã cố gắng vượt qua để trở về. Nhưng nhiều nơi chính quyền xã vẫn còn “cứng nhắc” trong việc tiếp nhận lại những thành viên không may mắn của mình.

Chị Duyên kể buồn buồn:”Khi những người phụ nữ bị lừa bán qua biên giới tìm được về đến nhà, vừa khóc ôm chồng, ôm con xong thì xã đã gọi ra để nộp phạt. Xã “căn cứ” vào sự “làm ảnh hưởng đến trật tự” thôn xóm, đã phạt mỗi người phụ nữ trở về từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Số tiền đó qua lớn đối với gia đình họ, thậm chí có người không có khả năng nộp phạt”. Chín người phụ nữ trở về đã thành lập một nhóm phụ nữ để tương trợ lẫn nhau do chị Nguyễn Thị Nhã làm nhóm trưởng. Những nhóm thế này được thành lập ở các nơi có những người phụ nữ mang hoàn cảnh tương tự. Đặc biệt, ở Lạng Sơn có ba nhóm thì một nhóm là những người phụ nữ từng”bán thân” trong các nhà thổ. 85% người trong nhóm này đã nhiễm HIV nên họ có được sự cảm thông với nhau. Bên cạnh những người phụ nữ có hoàn cảnh như trên còn có những người phụ nữ ”nguy cơ cao”. Họ kết nạp cả những người phụ nữ “ nguy cơ cao” vào nhóm. Những người phụ nữ “nguy cơ cao là những người chưa từng bị lừa bán hay lâm vào một tệ nạn xã hội nào khác, nhưng họ cô đơn, có con riêng, gia đình túng bấn... có thể sẵn sàng đi chợ vùng biên và “sẵn sàng” bị bán làm vợ một người đàn ông xa lạ nào đó. Họ làm thế miễn là để thoát khỏi cuộc sống đơn độc, buồn rầu hay nghèo đói hiện tại. Chị Duyên nói rằng nếu xã không quan tâm giúp đỡ thì sẽ có một chị ''sắp đi”.

Nhóm những người phụ nữ trên đã được một tổ chức quốc tế cho vay vốn để làm ăn ( nhưng không biết vì một lý do nào đó mà dù được gọi là dự án do quốc tế tài trợ nhưng mỗi chị cũng chỉ được vay từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong vòng hai năm). Chúng ta, đặc biệt là các tổ chức chính quyền địa phương cần quan tâm đến những người phụ nữ này hơn nữa, nhất là những người phụ nữ “nguy cơ cao”. Chúng ta phải làm thế nào để cho họ-những người phụ nữ “nguy cơ cao” dù rơi vào bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải hiểu rằng, họ (và tất cả những người sống quanh họ) chỉ có thể tìm thấy cuộc sống yên ổn, đầy đủ ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.

  • Nguyễn Quyến