“Hơn nửa đời người đắm chìm trong cám dỗ của ma túy, Tết năm nay là cái Tết đầu tiên tôi vui trọn vẹn nhất vì không những đã tự làm ra tiền; mà còn có được một mái ấm gia đình hạnh phúc”
Đêm cuối năm ở Trung tâm Cai nghiện ma túy Phú Văn trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, không khí nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Tại các dãy nhà dành cho học viên, những chàng trai, cô gái, tất tả dọn dẹp, trang hoàng lại căn phòng của mình. Cuối hội trường của trung tâm, từng nhóm học viên ngồi quây quần làm mứt, gói bánh và tập dượt bài hát cho chương trình văn nghệ chào mừng Xuân Ất Dậu.
Đón Xuân ở những “căn phòng hạnh phúc”
Tôi ghé vào dãy phòng dành cho 8 cặp vợ chồng vừa mới được trung tâm đứng ra chủ trì hôn lễ tập thể vào cuối năm 2004. Những căn phòng xinh xắn này được gọi là “căn phòng hạnh phúc” do trung tâm ưu tiên dành cho họ làm mái ấm của mình. Đón Tết, các cặp vợ chồng trang hoàng tổ ấm của mình khá lịch sự. Đôi vợ chồng trẻ Hoài Chung, Thanh Uyên chụm đầu cắt dán dòng chữ “Chúc mừng năm mới” bằng giấy thủ công trên tường. Thấy tôi, Uyên khoe, anh thấy tụi em cắt chữ đâu kém gì thợ, đúng không? Nói xong, cô cắt tặng tôi dòng chữ “An khang thịnh vượng” khá đẹp mắt...
Loay hoay phụ vợ làm bánh mứt, anh Trần Văn Khả nở nụ cười thật tươi, nói: “Hơn nửa đời người tôi đắm chìm trong mê muội, cám dỗ của ma túy, không cảm nhận mùa Xuân là gì. Tết năm nay là cái Tết đầu tiên tôi vui trọn vẹn nhất vì không những đã tự làm ra được tiền mà còn có được một mái ấm gia đình hạnh phúc”. Đứng bên cạnh chồng, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, mặt rạng ngời niềm vui, kể Tết năm nay họ tự tay làm hai cặp bánh chưng và món mứt dừa gửi về gia đình hai bên như là “đặc sản” phương xa biếu người thân.
Gần 3 năm trước, anh Khả được người thân đưa lên cai nghiện tại trung tâm cũng vào dịp cận Tết với tâm trạng chán chường, tuyệt vọng. Người đàn ông đã bước sang tuổi 50 này từng có lúc nghĩ đến cái chết để giải thoát bao vướng mắc trong cuộc đời mình. Nhưng chính cái Tết đầu tiên tại trung tâm với sự chia sẻ, động viên của các giáo dục viên và những người cùng hoàn cảnh đã giúp cho anh tự tin đứng lên làm lại cuộc đời. Đồng thời, có một “phép nhiệm màu” khác xuất hiện khiến anh cảm thấy yêu cuộc đời hơn. Đó là tình cảm với cô gái Ngọc Hân xinh xắn, hiền thục mà anh quen được cũng trong đêm văn nghệ Tết năm đó. Đã mấy mùa xuân đi qua, chị Hân nói rằng tình yêu cùng với sự hỗ trợ, rèn luyện tại trung tâm đã giúp hai người vượt qua tự ti, mặc cảm để có được như ngày hôm nay.
Thư Xuân trên vùng cao
Gần cuối buổi tổng dượt văn nghệ mừng Tết Nguyên đán của Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 thuộc Lực lượng Thanh niên Xung phong TP, Ánh Tuyết, ca sĩ của đội văn nghệ trường, chạy ra gặp tôi, mời: “Tết này anh sắp xếp lên ăn Tết chung với tụi em nha. Cây nhà lá vườn thôi, nhưng vui lắm, cũng đủ bánh mứt, thịt thà. Vui nhất là có chương trình văn nghệ đặc sắc chào Xuân do tụi em thực hiện diễn ra mấy ngày liền, hay không thua gì chương trình ở TP đâu nghen...”. Tôi cười, gật đầu vì bỗng dưng cũng cảm thấy thích cái không khí Tết se lạnh nhưng rất ấm áp tình người trên vùng cao Đắk Nông này.
Buổi chiều, tôi cùng với các học viên Đội 5 ngồi họp mặt tất niên tại phòng họp của đội. Những cô gái trẻ ngồi quây quần cạnh nhau cắn hạt dưa, hàn huyên về những câu chuyện Tết. Thanh Hà, cô gái có mái tóc dài chấm vai ngồi cạnh tôi, thỉnh thoảng lại nở nụ cười bẽn lẽn khi tôi hỏi thăm chuyện gia đình, tương lai. Hà vừa nhờ anh, chị giáo dục viên ở trung tâm gửi tiền tiết kiệm 1 triệu đồng về cho gia đình ăn Tết. Cô đưa cho tôi xem bức thư của mẹ cô ở Bình Chánh vừa gửi lên. Bức thư nhòe nước mắt của người mẹ già vì vui mừng, hạnh phúc. Thư có đoạn: “Hà ơi, má và gia đình cứ tưởng mất con luôn rồi. Đâu ngờ lại có được ngày hôm nay, con gái má không những bỏ được ma túy mà còn biết thêu thùa, dành dụm được tiền gửi cho gia đình. Hôm nhận được tiền Tết của con, má và ba ôm nhau khóc vì sung sướng, hạnh phúc cho sự đổi thay của con gái mình. Con được như vầy là Tết này nhà mình vui lắm rồi. Tiền con gửi má cất để dành làm... của hồi môn cho con sau này”.
Hà bảo với tôi rằng, Tết năm nay có ý nghĩa nhất với cô vì đã có việc làm, nghề nghiệp ổn định, hằng tháng được lãnh lương như bao nhiêu người bình thường khác. Ý nghĩa hơn nữa là cô đã lấy lại được niềm tin của người thân, gia đình mình. Đã qua rồi chuyện một cô bé tốt nghiệp trung học phổ thông theo bạn bè lêu lổng, ăn chơi, sa vào cạm bẫy ma túy trong nỗi đau buồn, tuyệt vọng của người cha già ngày ngày còm cõi bên chiếc xích lô đạp và người mẹ oằn mình với chồng báo dạo. Hà bây giờ là một trong những thợ thêu giỏi của xưởng thêu trường và đang có một tình yêu thật đẹp với chàng học viên làm ở xưởng cà phê thuộc Đội 1...
Ở trung tâm cai nghiện còn có một mùa Xuân khác, Xuân của chính những tâm hồn đang được hồi sinh.
Tặng quà Tết cho 20 trường, trung tâm cai nghiện ma túy Những ngày cận Tết này, 20 trường, trung tâm cai nghiện ma túy của TP đã được các đoàn lãnh đạo TP, quận, huyện đến thăm và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán 2005 với mức 15-20 triệu đồng/trường.Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Lê Thành Tâm, Tết Nguyên đán năm nay, tại các trường, trung tâm cai nghiện sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân sôi nổi cho CB-CNV và học viên cùng tham gia trong suốt những ngày Tết như: gói bánh chưng, bánh tét, múa lân trong đêm giao thừa; các chương trình văn nghệ và thi đấu thể dục thể thao. Mỗi trường cũng sẽ chọn ra một số học viên cai nghiện có nhiều tiến bộ nổi bật để cho về thăm gia đình. Những gia đình hoàn cảnh khó khăn có con, em cai nghiện sẽ được xem xét hỗ trợ quà Tết và vé xe để đến thăm con em trong dịp này... |
Nguyễn Bình
▪ Tìm hạnh phúc trong nỗi tuyệt vọng... (25/01/2005)
▪ Trang trại cai ma túy (11/01/2005)
▪ Lẽ sống mới của 11 bà mẹ trẻ (29/12/2004)
▪ Mang "hương vị" Noel đến trẻ em nghèo (25/12/2004)
▪ Niềm vui cho người sau cai nghiện (25/12/2004)
▪ Hình ảnh biết nói: Thơ ngây (17/12/2004)
▪ Những trẻ thơ mang "án tử hình" (14/12/2004)
▪ Nỗi oan của một lao động đi Malaysia (14/12/2004)
▪ Một thai nhi "giá"... 10 triệu đồng? (11/12/2004)
▪ Quyền được làm việc của người có HIV (07/12/2004)