Anh Phạm Ngọc Mạnh: Tôi đã nhiều lần định tự tử vì bị nghi oan nhiễm HIV... Báo Người Lao Động hãy giúp tôi minh oan, đàng hoàng về quê với gia đình
Anh Phạm Ngọc Mạnh (quê ở Khánh Dương, Yên Mô, Ninh Bình) được Công ty Dịch vụ và Xuất khẩu lao động Lasec thuộc Tổng Công ty Xây dựng 4, Bộ NN - PTNT đưa đi làm công nhân xây dựng cho Công ty Sinar Ker ở Malaysia ngày 18 – 11 – 2003. Vừa đến sân bay Kuala Lumpur, anh Mạnh cùng 3 lao động khác được chỉ định lấy máu để kiểm tra sức khỏe. Rắc rối bắt đầu từ đây, khi kết quả xét nghiệm cho biết anh Mạnh phản ứng dương tính với HIV...
Nhiều lần xét nghiệm âm tính vẫn không được công nhận (?)
Viện Premier Pathology là nơi xét nghiệm máu cho anh Mạnh, theo chỉ định của Sở Di trú Malaysia. Ngày 21 – 11 – 2003, Premier Pathology gởi kết quả lên Sở Di trú Malaysia, cho biết anh Mạnh phản ứng dương tính với HIV. Ba ngày sau, Sở Di trú Malaysia có thông báo gởi Lasec về tình trạng sức khỏe anh Mạnh. Trong khi đó, anh Mạnh cứ ngỡ mọi việc bình thường, vì vẫn được Công ty Sinar Ker bố trí làm việc kể từ ngày 22 – 11 – 2003. Tuy nhiên, đến ngày 19 – 12 – 2003, anh Mạnh bị trục xuất về nước.
Ngay lập tức, Lasec thanh lý hợp đồng với anh Mạnh. Lúc này, cầm hồ sơ thanh lý hợp đồng, anh Mạnh không thể tin mình bị nhiễm HIV. Không tin vì trước khi đi, 2 lần anh khám ở Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đều cho kết quả âm tính. Rồi anh ra Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội khám lại. Kết quả vẫn là âm tính. Liền đó, anh liên hệ với Lasec báo lại mình không bị nhiễm HIV. Nhưng Lasec không đồng ý và yêu cầu vào TPHCM khám lại. Từ Ninh Bình vào TPHCM, anh đến Viện Pasteur xét nghiệm máu. Kết quả vẫn là âm tính. Nhưng Lasec vẫn chưa chịu vì việc đi khám chỉ có... anh Mạnh biết. Theo yêu cầu, ngày 24 - 5 - 2004, anh Mạnh cùng 2 nhân viên của Lasec đến Viện Pasteur và lần này, kết quả cũng không khác trước.
Người trực tiếp giải quyết vụ việc là ông Phạm Ngọc Minh – Phó Giám đốc Lasec. Ông Minh nói hai kết quả “chỏi” nhau giữa các bệnh viện VN và Viện Premier Pathology của Malaysia là trường hợp hy hữu. Tuy các bệnh viện VN cùng đưa ra kết quả xét nghiệm máu của anh Mạnh là âm tính, nhưng theo ông Minh, Sở Di trú Malaysia vẫn không công nhận kết quả này và chỉ bảo lưu kết quả của Viện Premier Pathology.
Mỏi mòn đòi lại tiền
Người chịu thiệt vẫn là anh Mạnh. Trước khi đi Malaysia, anh Mạnh nộp cho Lasec 930 USD. Nhưng dựa trên kết quả báo về, Lasec quy lỗi thuộc về anh Mạnh và trong buổi thanh lý hợp đồng chiều 19-12-2003, chỉ hoàn trả phí dịch vụ của 11 tháng chưa thu là 210 USD. Để đòi lại quyền lợi và danh dự, anh Mạnh phải tốn kém đi lại nhiều lần như nói trên. Đến ngày 11-6-2004, anh Mạnh mới được Lasec đồng ý chi trả và hỗ trợ thêm khoản phí môi giới 450 USD (tổng cộng là 660 USD). Mặc dù ký biên nhận thanh lý và không khiếu nại về sau, nhưng do quá uất ức vì bị oan và xét thấy việc bồi thường chưa thỏa đáng, ngày 14-10-2004, anh Mạnh có đơn khiếu nại gởi Sở LĐ-TB-XH TPHCM, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH nhờ can thiệp. Nhiều lần sau đó, anh Mạnh cũng đến Lasec để đòi tiếp 270 USD còn lại.
Ngày 10-12, ông Phạm Ngọc Minh cho rằng những khiếu nại liên quan đến quyền lợi anh Mạnh, Lasec đã giải thích rõ bằng văn bản với cơ quan hữu trách. Lasec không có lỗi và đã hoàn trả các chi phí hợp lý cho anh Mạnh. Cụ thể ngoài 660 USD bồi thường, Lasec đã chi 9 triệu đồng để lo các chi phí bảo lãnh ngân hàng, nộp thuế Chính phủ Malaysia, thủ tục và vé máy bay về nước.
Không dám về quê
Vì đã đồng ý ký vào bản cam kết và vụ việc hai bên đã thỏa thuận giải quyết từ lâu, việc khiếu nại của anh Mạnh không được Lasec giải quyết tiếp. Anh Mạnh bức xúc nói: “Điều tôi cần vẫn là một lời minh oan”. Anh Mạnh cho hay anh rất tuyệt vọng và nhiều lần định tự tử bởi căn bệnh quái ác mà mình không hề có. Một năm qua, những điều tiếng, nghi ngờ khiến anh không dám trở về quê, nơi vợ anh và đứa con 6 tuổi vẫn ngày ngày trông ngóng. Món nợ vay ngân hàng hơn 10 triệu đồng đến giờ, chỉ trông vào vài sào ruộng vợ anh chưa trả nổi.
Anh Mạnh đang giữ xe cho một nhà hàng ở quận 1 - TPHCM. Cách đây hơn 1 tháng, anh làm bảo vệ cho khách sạn Hương Việt ở quận Bình Thạnh, lương 400.000 đồng/tháng.
Ông Phạm Ngọc Minh - Phó Giám đốc Công ty Lasec: Cần điều chỉnh kịp thời vướng mắc mới nảy sinh Theo quy định của nước sở tại, kết quả khám sức khỏe của lao động VN chỉ được công nhận ở những bệnh viện do Malaysia chỉ định. Trường hợp của anh Mạnh, dù chúng tôi gởi kết quả của Viện Pasteur TPHCM (được chỉ định) sang, Sở Di trú Malaysia vẫn không công nhận. Đây chỉ là một, nhưng nếu nhiều trường hợp nữa xảy ra thì sao? Những vướng mắc mới phát sinh này, theo tôi, cần điều chỉnh kịp thời. Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước nên có hướng đàm phán để đạt thỏa thuận với các cơ quan hữu quan của nước bạn trong việc quy định về khám chữa bệnh, tránh những rủi ro đáng tiếc về sau cho cả doanh nghiệp và người lao động. |
Bài và ảnh: Duy Quốc
▪ Một thai nhi "giá"... 10 triệu đồng? (11/12/2004)
▪ Quyền được làm việc của người có HIV (07/12/2004)
▪ Ước mơ của trẻ nhiễm HIV (06/12/2004)
▪ Ngày cuối năm của trẻ nhiễm HIV (02/12/2004)
▪ HỖ TRỢ NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS (03/12/2004)
▪ Nhiễm HIV, vẫn yêu đời (01/12/2004)
▪ Sống có ích cho đời (01/12/2004)
▪ Nên có cái nhìn cảm thông và yêu thương (01/12/2004)
▪ Có một lớp vẽ tuổi thơ... (01/12/2004)
▪ Nhiễm HIV: Cuộc sống không phải là tuyệt vọng (30/11/2004)