Trang trại cai ma túy
Các Website khác - 11/01/2005

Phước kéo lưới bắt cá tại ao nuôi trên trang trại
TT - Chúng tôi trở lại Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam - nơi mảnh đất vẫn còn nhuốm đầy tang tóc của những cái chết sau cơn lốc vàng, nơi có những bàn thờ vẫn nghi ngút khói hương của người chết trẻ vì ma túy, vì bệnh AIDS...

Trong khung cảnh ấy, tôi đi tìm Đoàn Minh Phước (sinh 1979, làng Nho Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) - chủ trang trại Hố Sâu nằm lưng chừng đỉnh núi Chóp Chài, một chàng trai đã “bước qua lời nguyền”...

Chạm tay vào... tử thần

Thấy người lạ hỏi thăm đường lên trang trại, có lẽ người thân của Phước nghĩ tôi là “chiến hữu” nên xua tay chối đây đẩy. “Nó đã bỏ đi vô miền Nam mần ăn từ lâu lắm rồi...”. Cũng may, bí thư xã đoàn Bình Trị Võ Văn Minh tình nguyện đưa tôi tìm đường lên trang trại của Phước. Sau gần một giờ leo núi, bất ngờ một người đi ra từ những hàng cây ven rừng cất tiếng gọi tên bí thư xã. Thì ra đây là Đoàn Minh Phước.

Bóng chiều nhập nhoạng. Câu chuyện của Phước cứ dài ra: “Năm 1994, học xong lớp 8, nhà nghèo quá tôi theo ba lên đây dựng lều làm nấm mèo để nuôi mấy đứa em ăn học. Hết làm nấm, tôi xin ba một ít vốn ở lại lập trang trại. Đến năm 1999, sau gần sáu năm tôi gầy dựng được cơ nghiệp cũng kha khá, một trang trại rộng hơn 20ha với một đàn trâu bò hơn 40 con. Năm đó tôi mới tròn 19 tuổi...”.

Là người mê phong trào thanh niên tại địa phương, ngày làm, đêm về Phước tổ chức vui chơi với anh em thanh niên làng Nho Lâm và vận động thành lập đội múa lân, đội bóng kéo nhau đi đá giao hữu các ngày lễ tết, vận động quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó học giỏi của làng...

Từ một cậu bé nhút nhát, ít học, Phước trở thành thủ lĩnh thanh niên của làng Nho Lâm. Nhưng rồi... “Hồi đó cầm tiền triệu trong tay tiêu pha mặc sức, đâu có làm chủ được mình, lại nghe lời rủ rê của mấy đứa bạn từ bãi vàng về đi mồi chim. Cái nghề vui lắm - Phước kể - Cứ thế bỏ bê trang trại, hết huyện này đến huyện khác ngày mồi chim, đêm về rủ nhau nhậu. Trong một lần say quá, mấy đứa bạn đem heroin bảo tôi hít là hết say ngay. Tôi tin và làm theo, nghiện lúc nào không hay...”.

Từ đó cuộc đời Phước bị đẩy sang một ngả rẽ khác. Trang trại tan nát, đàn trâu bò đông đúc hơn 40 con Phước đem bán để có tiền chơi ma túy. Có lần Phước bán bò cùng “chiến hữu” đánh xe lên tận bãi vàng Khâm Đức mua ma túy đem về cất giấu trong trang trại để chơi dần, hết tiền đi mượn người thân. Rồi đến một ngày đầu năm 2001, khi cả cơ nghiệp tạo dựng được sau bao năm lăn lộn tan theo làn khói trắng, lại thêm những cái chết trẻ ngay làng quê mình, Phước chợt tỉnh...

“Chừ ngồi nghĩ lại tôi mới thấy rùng mình - Phước nói - Nhiều lần đến thăm “chiến hữu”, nhìn cảnh quằn quại, đớn đau, tôi ớn lạnh nghĩ nếu tiếp tục chơi, không sớm thì muộn mình cũng như họ mà thôi...”. Thế là Phước nghĩ đến chuyện cai nghiện.

Lần thứ nhất vào cuối năm 2002, Phước cai tại nhà được năm ngày, không chịu nổi lại trốn nhà đi tiếp. Lần thứ hai được đâu hơn một tháng, tưởng có thể chia tay khói trắng để làm lại cuộc đời. Nhưng đến ngày cuối cùng Phước chịu không nổi, lại nói dối ba mẹ là ra ngoài vườn nằm cho mát, thế là... Đến lần thứ ba Phước tuyên bố với ba mẹ là tự mình cai, một chết một sống...

Đàn chim mồi Phước mua hàng triệu đồng tự tay mình đem thả, còn giữ lại một con duy nhất, mà theo lời Phước là phải đem ra đèo Hải Vân thả bởi con chim mồi này rất “hiếu chiến”, nếu thả ở quê sớm muộn gì nó cũng bị dính bẫy... Sau khi thả đàn chim mồi và đem toàn bộ số ma túy còn lại đốt trước mặt ba mẹ, Phước khăn gói lên núi tìm trở lại trang trại cũ...

Phước đi kiểm tra đàn trâu bò tại trang trại
Trang trại cai nghiện...

Một mình Phước tìm về trang trại cũ trong cảnh tiêu điều xơ xác. Phước lê tấm thân vào căn nhà và vật vã vì đói thuốc. “Lúc đó tôi tự xích chân mình vô chân giường rồi vứt chìa khóa xuống ao cá trước nhà. Cũng may ba mẹ tiếp sức chăm sóc. Suốt ba tháng trời vật vã, cuối cùng tôi cũng đã cắt được cơn, đó là vào đầu năm 2004...”.

Từ đó, ngày ngày Phước cứ lặng lẽ với chiếc cuốc, chiếc rựa, cần mẫn một mình trên núi, hết dọn lại nhà lại phát đốt những khu rẫy cũ đã mọc đầy cây dại. Cứ thế gần một năm sau sức khỏe bình phục và không còn cảm giác nhớ thuốc. Có lần đám bạn cũ tìm đường lên núi rủ rê, Phước phải chạy lên đỉnh Chóp Chài để trốn. Nhiều đêm Phước treo võng trong rừng để ngủ qua đêm vì sợ đám bạn bất thần tìm đến...

Trang trại bắt đầu hồi phục, đàn trâu bò sau hai năm gây dựng đã lên đến 30 con, rồi cây trái trong trang trại xanh lại dưới bàn tay của Phước. “Đến chừ tôi yên tâm rằng mình đã giã từ ma túy, bước qua được “lời nguyền” rồi”. Xuống núi, Phước tìm đến UBND xã tình nguyện vào đội tuyên truyền phòng chống ma túy của xã. Hôm tôi tìm về trang trại của Phước cũng là lúc Phước mới vừa trở về sau chuyến tham gia công tác tuyên truyền ma túy do huyện Thăng Bình tổ chức.

Phước kể: “Từ làng Nho Lâm, rồi lên xã, xuống huyện, đến các trường học, tôi đứng ra như một nhân chứng sống để nói chuyện ma túy với các bạn trẻ. Lúc đầu mọi người không tin tôi đã từ bỏ ma túy, tôi bảo nếu bạn nào không tin, xin mời lên núi cùng tôi...”.

“Ước mơ của tôi là lấy trang trại của mình làm thử mô hình cai nghiện ma túy của xã”. Để thực hiện ý nguyện của mình, Phước đã xin phép gia đình và được mọi người đồng ý. Bây giờ cơ sở vật chất cho “trung tâm” đã ổn định, hơn 20ha đất đã phủ màu xanh của hơn 5.000 cây quế và các loại cây ăn quả, rồi ao cá, đàn gà vịt và 30 con trâu bò... “Nếu xã chọn trang trại của tôi làm mô hình thí điểm cai nghiện của xã thì đầu năm 2005 tôi sẽ đón bất kỳ thanh niên bị nghiện nào...”.

Trong bóng chiều nhập nhoạng, Phước đưa chúng tôi xuống núi... Phó chủ tịch UBND xã Bình Trị Trần Văn Tho khi nghe tôi hỏi chuyện về Phước đã ồ lên và bảo rằng xã rất “mặn” mô hình cai nghiện tại trang trại mà Phước đề xuất. Nếu không có gì trở ngại, ngay đầu năm 2005 sẽ triển khai thực hiện thí điểm... Nếu mô hình này thành công, có thể đây là mô hình đầu tiên trong cả nước về cai nghiện ma túy tại cộng đồng...

Bài, ảnh: HOÀI NHÂN