Những trẻ thơ mang "án tử hình"
Các Website khác - 14/12/2004
Những trẻ thơ mang "án tử hình"

Võ Nguyên Vũ
Trẻ mồ côi, trẻ tàn tật không nơi nương tựa tuy là những đứa trẻ bất hạnh, nhưng vẫn còn may mắn là "được sống". Còn những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở 2 của Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, thì cuộc sống quá ngắn ngủi, ngắn đến nỗi có nhiều đứa chưa biết đánh vần trọn vẹn con chữ và cũng chưa một lần kịp nhìn thấy mặt mẹ mình - những kẻ đã nhẫn tâm bỏ rơi đứa con thơ khi chúng vừa mở mắt chào đời!


Các trẻ bị nhiễm HIV đang được
nuôi dưỡng tại trung tâm
Cần những bảo mẫu tận tụy
Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình là đơn vị xã hội thuộc Sở LĐTBXH TPHCM, được chính thức thành lập từ năm 1975. Đây là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục và chữa bệnh cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi từ sơ sinh đến 14 tuổi. Do đặc thù trẻ bị nhiễm HIV/AIDS cần phải tách ra chăm sóc riêng, nên trung tâm đã xây thêm cơ sở 2, từ nguồn kinh phí của UBND TP, Sở LĐTBXH TPHCM và sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ. Ngày 1.12.2002, cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động (tại 30/3 đường Bà Giang, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức).

Những trẻ bị nhiễm HIV/AIDS cứ tăng dần, từ 2 em (năm 1995) lên 26 em (năm 2000) rồi giảm còn 17 em (năm 2002), rồi lại tăng và giảm. Số lượng trẻ tăng, là điều chẳng có gì vui. Lại thêm một số phận bị bỏ rơi. Số lượng trẻ giảm, lại là nỗi đau. Một mảnh đời nửa đã ra đi vĩnh viễn. Đứa "sống lâu nhất" là em Huỳnh Thị Hạnh Dung, 9 tuổi! Theo thống kê của trung tâm thì tỷ lệ vong nhiễm khá cao: 9/26 trẻ. Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình cho biết: "Hiện nay trung tâm đang quản lý 440 cháu, trong đó có 83 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức cô nhi thế giới đang tiến hành thủ tục tài trợ thuốc điều trị cho các cháu. Hy vọng sớm tìm ra thuốc điều trị HIV/AIDS để các cháu không phải chết sớm như thế".

Trẻ ở trung tâm đa số là trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, chỉ có 10 em đang học lớp 1 và lớp 2 do các giáo viên từ trường Tiểu học Xuân Hiệp sang dạy. Chế độ trợ cấp cho mỗi trẻ từ 150 ngàn - 450 ngàn/tháng, có thể cao hơn so với trẻ mồ côi bình thường, nhưng chi phí điều trị bệnh tật phát sinh gây rất nhiều khó khăn cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc các em. Điều này đòi hỏi các cô bảo mẫu phải tận tụy như những người mẹ mới có thể thu vén nổi. Chị Trần Thị Thu Tâm - Phó phòng tổ chức hành chánh và quản lý giáo dục cho biết: "Năm học 2000 - 2003, cả 6m học lớp 1 đều đạt học sinh khá giỏi. Hiện có 27 cô bảo mẫu trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu, hầu hết các cô đều xuất thân là những trẻ mô côi, nên rất đồng cảm và thương yêu các cháu như con ruột của mình".

Khó có cơ hội gặp lại các cháu!
Cái quy trình tiếp nhận - nuôi dạy, chăm sóc, chữa bệnh - chôn cất các cháu, cứ lặp đi lặp lại một cách đau lòng. Những đứa trẻ trắng trẻo, thông minh, ngây thơ đang nô cười rất vô tư, hồn nhiên khiến cho những người tận tay chăm nom các cháu không khỏi thắt lòng, căm phẫn những bà mẹ nhẫn tâm bỏ rơi con ruột của mình. Nhưng rồi bình tâm lại, chúng ta mới cảm thông, vì họ chẳng qua chỉ là những nạn nhân tội nghiệp. Một khi đứa trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, tức là trước sau cũng không thể sống được, mà người có tội không ai khác là cha mẹ của đứa trẻ ấy. Nhiều bà mẹ chọn giải pháp là lặng lẽ chạy trốn, phó mặc số phận con mình cho bệnh viện. Cái quyền được sống của trẻ cũng là trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trung tâm nói riêng và của tất cả chúng ta nói chung. Những sinh linh bé bỏng không có tội tình gì, nghiệt ngã thay chúng phải mang trong mình mầm mống của căn bệnh thế kỷ mà nền y học thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị khi vừa mới chào đời. Những nhà từ thiện, du khách nước ngoài khi đến tặng quà, thăm các cháu không thể tin và không muốn tin một sự thật rằng khó có cơ hội gặp lại các cháu khi quay trở lại đây.

Một ngày trôi qua là cuộc sống của trẻ bị nhiễm HIV/AIDS thu ngắn lại. Các em còn bao mơ ước hết sức giản dị như là được đi chơi, được cưỡi xe đạp, được gặp mẹ gặp ba..., nhưng... các cháu đang rất cần sự quan tâm và giúp đỡ hơn nữa của cộng đồng.