Có một nơi có những con người đang giành lại sự sống từng phút, từng ngày. Nơi đó, cái chết và sự sống “ngắn chẳng tày gang”. Nơi đó, những bệnh nhân HIV phải vật lộn với chính mình hàng đêm để gắng sống đến bình minh, để khi ánh mặt trời chiếu sáng, họ biết rằng mình đã được sống thêm một ngày nữa. “Tuổi thọ của bệnh nhân không phải được tính theo năm mà theo ngày, có người mới thấy đó mà đi lúc nào không hay”. Sơ Tuệ Linh, phụ trách Trung tâm Mai Hòa đã nói như vậy.
Nơi có những người không sợ HIV
Tại TPHCM, nhắc đến Trung tâm Mai Hòa ở huyện Củ Chi, nơi chuyên điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, có lẽ nhiều người chưa biết. Ở nơi đây, có những sơ, những cô giáo, đang giúp bệnh nhân giành lại sự sống, mà họ gần như không hề run sợ trước căn bệnh thế kỷ này.
Mai Hòa thành lập ngày 3-1-2001. Đứng trước nguy cơ đại dịch HIV bùng phát thời điểm ấy, nhiều người mắc bệnh nặng đến giai đoạn cuối nhưng vẫn lang thang trên các con phố vì không nơi nương tựa, họ có thể lây lan cho người khác một cách vô tình, vì thế nên cần có một nơi đặc biệt để cách ly. Và thế là Trung tâm Mai Hòa ra đời với mục đích này. Sơ Tuệ Linh, Giám đốc Trung tâm Mai Hòa, cho biết về “sự tích” ra đời một mái ấm, bằng một giọng Bắc ấm áp và chân thành.
Tại đây hiện có 6 sơ, hai người thiện nguyện, cùng với một số bệnh nhân khỏe mạnh chăm sóc lại cho cả 11 bệnh nhân đang điều trị tại đây (7 nữ, 4 nam). Nguồn thuốc điều trị đặc trị do phía Mỹ tài trợ. Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân. Trước đây, khi chưa có thuốc đặc trị nên tỷ lệ tử vong mỗi năm khoảng 60 người, nhưng vài năm gần đây đã có thuốc, số tử vong đã giảm xuống còn khoảng 20 người. Phương châm của các sơ đang chăm sóc bệnh nhân HIV/AISD ở đây là: “Giúp những người cuối đời sống đúng nhân cách, để họ ra đi một cách bình an”.
Nhắc đến sơ Tuệ Linh, mọi bệnh nhân đều bày tỏ sự cảm phục tấm lòng nhân hậu và cao cả của bà. Bà bảo, những người vào đây, dù nam hay nữ, dù ra đi vội vàng về với cát bụi hay đang giành giật sự sống từng ngày, họ cũng nhận được sự quan tâm chăm sóc như nhau. Người bệnh kéo dài được sự sống hay không còn tùy thuộc vào cơ địa của từng bệnh nhân. Có người trông thì rất mạnh khỏe, nhưng cũng có thể “ra đi” sau vài giờ đồng hồ sau khi sơ chăm sóc hay hàn huyên trò chuyện. Và dù có nhiều bệnh nhân mất tại đây đã lâu nhưng sơ Tuệ Linh vẫn không quên họ, bà kể với chúng tôi miên man về sự ra đi của anh T., chị V., cô D. trong một buổi chiều tàn, bằng một giọng buồn buồn, thương cảm như chính mình vừa mất mát điều gì lớn lao.
Ở Trung tâm Mai Hòa, nhiều người có tấm lòng như sơ Tuệ Linh. Anh L, một nhân viên phụ việc cho sơ, cũng là người chứng kiến nhiều sự ra đi của nhiều bệnh nhân nhất. Anh là một thanh niên trắng trẻo, mới chỉ ngoài đôi mươi nhưng kiến thức cũng như phong cách giao tiếp thì thật tuyệt vời. Anh dẫn chúng tôi đi thăm các phòng trị bệnh trong khuôn viên 1ha của Mai Hòa, giúp chúng tôi làm quen các bệnh nhân. Anh đi từng giường bệnh hỏi thăm từng người, ân cần qua từng cử chỉ chăm sóc bệnh nhân không nề hà bất cứ điều gì. Với anh, Mai Hòa đã trở thành một mái ấm khác mà anh tự nguyện có mặt ở đây từ thứ hai đến tận tối thứ bảy, nơi các trái tim ấp áp tình người dành cho đồng loại của mình đang giành giật sự sống.
Ở Mai Hòa, biệt danh “cô giáo dũng cảm” 2 năm qua dành cho 3 cô giáo, đang giảng dạy lớp 1, 2, 3 ngay tại lớp mở của trung tâm, đó là kết quả kiên trì làm đơn xin mở lớp của ban giám đốc. Tại đây nhiều bậc cha mẹ các em đã gửi nắm xương tàn cùng cát bụi, để lại con cái cũng bị lây căn bệnh này khi mới sinh ra. Và hiện tại, có 4 em đang học lớp 3; 2 em đang học lớp 2; 3 em học lớp 1 (trong đó có 1 em bị khuyết tật). Trong giờ học, cô giáo H.Đ chỉ bảo một em bé gái viết chính tả, một em khác mới 5 tuổi mà đã biết viết khá rành rọt. Tôi nhìn thấy 3 - 4 em khác tuổi lên 6 - 7 gì đó cũng tập viết từng chữ cái bằng phấn trên những chiếc bảng con xinh xinh.
Các cô giáo ở đây đã dạy cho các em biết ứng xử rất lễ phép. Hễ thấy khách bước vào là các em đứng dậy và đồng thanh: “Chúng con chào chú (cô) ạ!”. Nhớ lời sơ Tuệ Linh đã cẩn thận dặn dò không nên hỏi về ba mẹ các em, bởi nhiều em ngồi đây từng chứng kiến những cái chết đau lòng về ba mẹ chúng nên không khỏi chạnh buồn. Cô giáo và các em đều nhoẻn miệng cười, nhưng chúng tôi thì ứa nước mắt khi thấy các em thật vô tư, không hề biết sự sống có giới hạn đối với mình.
Những nẻo đường dẫn đến cửa “tử”
Trong phòng hành chánh, có hai trang giấy ghi lại cuộc đời của một cô gái đã vàng úa màu thời gian. Khi ra đi cô ấy chỉ 25 tuổi, tên P. “Tôi sinh ra trong một gia đình có 5 người, ba, mẹ, chị gái và em trai tôi. Đến khi tôi 14, 15 tuổi thì cha mẹ ly dị, cha thì có vợ, mẹ có chồng, không ai quan tâm chăm sóc tôi. Tôi mới tụ tập theo bạn bè đi bụi đời và rồi vài lần bạn bè rủ rê, tôi tập tành hút ma túy rồi chuyển qua chích. Để có tiền sử dụng, tôi quen hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, thậm chí để có tiền chích, cho đến năm 18 tuổi thì tôi đi bán ma túy…”. Trường hợp của P. khi viết lại lưu bút quả là hiếm hoi, bởi những bệnh nhân khác không thích kể lại những gì đã qua.
Trước mặt tôi là chị T. quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu, bị lây bệnh qua chồng. Gia đình chị không còn ai cả vì chồng và con đều đã “đi” trước. Cách đây 7 tháng, thấy mình bị sốt liên tục, chị đi khám và trái đất như vỡ tung dưới chân khi chị biết đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Sau đó 1 tháng, chị chuyển lên Trung tâm Mai Hòa để điều trị và sống nốt những ngày còn lại của đời mình. “Ở đây sống trong tình yêu thương của các sơ, cũng như các bệnh nhân khác, tôi cũng thấy nhẹ lòng. Thỉnh thoảng, má tôi lại lên thăm. Đó là ngày tôi chờ đợi nhất…” - nói đến đây, chị bỏ lửng câu chuyện, chạy vội vào trong phòng, cố che những giọt nước mắt.
Còn cô D., một người phụ nữ đen sạm, da dẻ đang bị bào mòn lại bùi ngùi kể lại câu chuyện đau thương của đời mình. “Tôi cũng lập gia đình và có con như bao gia đình khác. Ông xã tôi chích ma túy và tôi bị lây từ ổng. Đến năm 2003, phát hiện mình bị bệnh, tôi đi trị bệnh ở nhóm Tiếng Vọng, trước khi vào trung tâm” - người phụ nữ này khó nhọc kể. Ngày trước, gia đình cô ở phường An Phú Đông (Q12) cũng hạnh phúc lắm, đến một ngày kia cô phát hiện chồng cô nghiện hút, cũng là lúc mái ấm tan vỡ. Sau khi chồng qua đời vì HIV, đứa con lên 7 thì vào làng thiếu niên Thủ Đức, còn cô lại vào Mai Hòa để chiến đấu với căn bệnh trong cơ thể. Gương mặt khắc khổ, những nếp da nhăn nheo, và cô bảo không còn nước mắt để mà khóc vì đã trải qua quá nhiều nỗi đau trong đời.
Khát vọng sống vẫn sôi sục
Ở lớp học, khi thấy tôi giương máy ảnh, các em học sinh vô tư cười thật tươi, hò nhau làm đẹp. Sức sống, niềm khát khao cuộc sống là bản năng trong các em thể hiện trong những nụ cười. Lúc đang ra chào sơ Tuệ Linh ra về, một em nhỏ chừng 6-7 tuổi cứ đứng thập thò ở cửa, rồi em chạy đến bên sơ Tuệ Linh để thắc mắc: “Hồi nãy, có một chú chụp hình con, con không muốn lên báo đâu!”. Hỏi ra mới biết, em sợ lên báo thì xấu vì “Lúc ấy, con đang… thay quần mà!”. Cổ họng tôi nghẹn lại, mắt cay xè…
Những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối tại Mai Hòa mong chờ mỗi ngày qua đi mà trái tim vẫn còn đập. Với họ, được sống thêm ngày nào là tốt ngày ấy. Chị T. tâm sự: “Nhiều đêm tôi thèm cảm giác xoa đầu con, hứa với con là cuối tuần sẽ dẫn đi công viên cùng với ba mẹ, mong sáng mau mau để còn chở con đi học, nhớ chồng nhớ con kinh khủng!”.
Đối với các bệnh nhân hiện nay, nếu cơ thể mệt mỏi thì họ nằm trên giường điều trị, thế nhưng, khỏe một chút là họ lại đi bách bộ trong khuôn viên của trung tâm. Nụ cười lạc quan vẫn luôn xuất hiện đều tại nhà ăn, phòng nghỉ. Nhiều bệnh nhân khi rảnh rỗi lại cùng làm các sản phẩm thủ công. Cô D. bảo: “Ngồi không cũng chán nên kiếm việc làm, cùng làm cùng hàn huyên cũng đỡ buồn. Chưa kể, sản phẩm nếu bán được sẽ có thêm nguồn phụ trung tâm trang trải một số việc phải chi dùng”. Vừa nói, Cô D. cùng chị T. thoăn thoắt tra các hạt cườm vào dây cước để làm ra những chiếc ghế, móc, giỏ xách rất xinh xắn. Các sản phẩm này được trưng bày tại tủ kính, khách ở nơi xa đến có thể tùy lòng hảo tâm mua ủng hộ các bệnh nhân.
Vừa làm, cô D. vừa mỉm cười chỉ tôi thấy các em nhỏ đang vui đùa và bảo, sự sống ai mà không quý, được ngồi ở mái hiên này mỗi buổi chiều để nói chuyện với mọi người là hạnh phúc lắm rồi. “Hãy cố gắng sống thêm được ngày nào là tốt ngày đó, nếu biết mình bị bệnh thì cố gắng không lây cho người khác” - Đó chính là thông điệp của những người đang đối diện với tử thần ở Mai Hòa muốn nhắn gởi với mọi người.
Phạm An Hòa
▪ Thung lũng của những người nhiễm AIDS (01/07/2008)
▪ Nhân ngày thế giới phòng chống ma tuý 26-6: Người biết “gác ống chích” (30/06/2008)
▪ Người biết “gác ống chích” (30/06/2008)
▪ Cháu chưa muốn chết, chú ơi...! (28/06/2008)
▪ Dạy chữ cho tử tù (28/06/2008)
▪ Người phụ nữ AIDS và khát vọng “sống để hòa nhập” (26/06/2008)
▪ Gia đình phải khai báo nếu có người nghiện ma túy (25/06/2008)
▪ Những em thơ không có mùa hè! (23/06/2008)
▪ Vươn lên từ quá khứ lỗi lầm (23/06/2008)
▪ Video: "Cơn bão" HIV ở Liên Sơn (20/06/2008)