Cháu chưa muốn chết, chú ơi...!
Các Website khác - 28/06/2008
 
Những gương mặt trong trẻo tại Trung tâm. (Ảnh: Quang Thành)
                                                                                 
Có khoảng 50 em bé bị nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại TT Giáo dục - Lao động số 2 Hà Nội (Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây). Cuộc sống của các em đang được đếm từng ngày.

Trong cái nắng chiều ngột ngạt, giữa nghĩa địa vắng buồn, bà mẹ run run cầm bó hương lần lượt cắm cho hơn chục ngôi mộ. Rồi bất chợt bà nằm gục xuống trước phần bia mộ nằm phía ngoài cùng, đôi vai run lên từng nhịp. Rồi tiếng khóc nghèn nghẹn cất lên “Đức Anh ơi là Đức Anh ơi!”.

Nghĩa trang của những thiên thần bị lãng quên

Tiếng nấc ai oán nỉ non vừa thương cảm những đứa trẻ như vừa trách móc số phận đã không cho các em một con đường sống. Tiếng khóc càng làm cho không khí ở khu nghĩa trang vốn hoang lạnh lại thêm phần bi thương. Những nấm mộ lâu lắm rồi mới có được nén hương, chúng như thể bị bỏ quên để cỏ cây mọc um tùm.

Đó là những nấm mộ của những trẻ em có số phận không may mắn, thậm chí phần bia khắc tên các em, không có ngày sinh, chỉ có ngày mất, không quê hương bản quán chỉ có nơi mất. Đó là những số phận bất hạnh. Lúc các em qua đời, lúc ma chay cho các em, không có người ruột thịt ở bên.

Người phụ nữ khóc một mình trong nghĩa trang buồn là chị Nguyễn Thị Lập, năm nay mẹ Lập đã 49 tuổi, quê ở Long Biên, Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội số 2, ở Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây. Chị đang thắp nhang và khóc cho những đứa trẻ bị nhiễm HIV/AIDS mà chị nhận làm con đã chết.

Mới làm việc được 3 năm nay nhưng người mẹ  này đã phải  ngậm ngùi tiễn biệt 8 đứa con. Các em được chôn cất ngay ngắn trong khu đất riêng dành cho những số phận chết vì HIV, nằm trong nghĩa trang Việt Nam - Mông Cổ gần Trung tâm.

Gạt nước mắt, người mẹ nuôi này tâm sự: “Chúng tôi coi các cháu như con ruột, người ta chăm sóc con cái càng ngày chúng nó ngày càng khoẻ mạnh ra, đằng này chăm sóc các cháu bị HIV, những số phận mà đã biết trước kết cục. Đằng nào cũng chết! Nghĩ thế thôi đã thấy thương chúng nó rồi. Cứ nhìn những cháu đang ở giai đoạn cuối, đã cận kề cái chết mà không thể làm gì được lòng lại quặn đau. Xót xa lắm!”.

Khu nghĩa trang dành cho trẻ em HIV, không người hương khói.

Người quản trang có tên là Hội cho chúng tôi hay: “Có mấy ai hương khói gì cho các cháu đâu, ngày lễ, ngày Tết gì thì các anh chị ở Trung tâm 2 mới trở lại thắp cho nén hương thôi. Các cháu không rõ quê hương ở đâu, không rõ người thân ở đâu, nằm quạnh quẽ ở đấy. Mặc dù đã gần đi hết vòng sinh tử, nhưng cụ Hội chia sẻ, mỗi khi thấy các anh chị trong Trung tâm mang thi hài các cháu vào nghĩa trang là cụ xót xa lắm. Xót xa cho những mái đầu xanh vừa mới chào đời đã không nán lại lâu ở cõi trần này, chưa được nếm mùi hạnh phúc, khổ đau nơi cõi trần này đã vội ra đi.

Những cái tên Nguyễn Thị Hoàng Mai, Lê Minh Mẫn, Nguyễn Thị Lúa, Nguyễn Văn Dơi, Nguyễn Thị Hoài... Nhiều tuổi nhất cũng chưa đến con số 10. Hầu hết tên các em đều do Trung tâm đặt cho. Trên bia mộ đều để trống quê quán, ngày sinh. Chỉ có thông tin về ngày chết và nơi chết. Ngay từ khi sinh ra cuộc sống của các em đã là sự kết thúc, không có khởi đầu.

Gia tài của em chỉ có một cái tên vay mượn

Đức Anh - tên đứa trẻ xấu số mà chị Lập khóc trong nghĩa trang là đứa trẻ xấu số đầu tiên chị nhận làm con nuôi khi đến với Trung tâm. Dù Đức Anh đã ra đi được gần trọn 2 năm nhưng mỗi lần nghĩ về đứa trẻ mình đã từng chăm bẵm ấy chị lại không cầm được nước mắt. Bởi lúc chân ướt chân ráo lên Trung tâm thì Đức Anh là đứa trẻ đầu tiên chị nhận trách nhiệm chăm sóc, để rồi sau đó hơn 1 năm, mọi nỗ lực, tình thương yêu, không sao kể được cũng chẳng thể nào cứu được em. Một ngày tháng 3 năm 2006, Đức Anh đã ra đi, em ra đi khi còn mới bập bẹ tiếng gọi mẹ.

Nghẹn ngào mẹ Lập kể lại: “Đó là một ngày cuối năm 2004, trời rét căm căm, ở Trung tâm một số chị em đã được giải quyết cho về nghỉ Tết. Năm đó, tôi ở lại Trung tâm ăn Tết cùng các cháu. Cuối giờ chiều ngày cuối năm, chúng tôi tiếp nhận một trường hợp chuyển từ Viện Nhi TW lên. Đó là một bé trai, vừa mới ra đời chừng vài hôm. Thông tin về đứa trẻ chỉ vẻn vẹn trong một mẩu giấy bên người: “Bị bỏ rơi, nhiễm HIV từ mẹ!”.

Trung tâm đã giao đứa trẻ này cho tôi chăm sóc. Cháu bé bị 3 vết thương khá nặng, ở đầu, bụng và chân, có thể do mẹ đẻ khó. Tôi vẫn không thể quên được hình ảnh đầu tiên khi chính tay mình tiếp nhận cháu từ Trung tâm. Một đứa trẻ được quấn tã sơ sài, đặt vừa vặn trong một cái thùng giấy. Vết thương trên người do bị nhiễm trùng, nhất là ở trên đầu nên thối kinh khủng, không một ai dám đến gần, người thì da bọc xương. Tôi đã xin Trung tâm đặt tên cho cháu là Đức Anh.

Lẽ ra tên của cháu phải được ba mẹ đặt cho, cái tên đó sẽ dồn nén bao tình thương, hy vọng. Nhưng thôi, đã là người thì ai cũng có quyền có một cái tên, dù chẳng tồn tại trên cõi đời này được bao lâu”.

Mẹ nuôi Nguyễn Thị Lập không cầm được nước mắt khi hồi tưởng lại chuyện của Đức Anh.

Rồi người mẹ ấy đã không quản ngại gian khó chăm sóc từng li từng tý cho đứa trẻ. “Một cái Tết đầu tiên xa gia đình, cũng là một cái Tết bên cạnh một đứa trẻ HIV, cũng từ cái Tết đó mà tôi thấy ngấm hơn nỗi đau của những cảnh đời bất hạnh. Đau đớn nhất là bọn trẻ ở đây, chúng nó có biết gì đâu, chúng nó có biết chúng nó không thể sống được đâu, chúng nó cũng làm gì biết bố mẹ đẻ chúng là ai”. Nói đến đây nước mắt chị Lập lại giàn giụa. Một lúc lâu sau bà mới lại cất nên lời: “Nghĩ thế nên tôi càng thương Đức Anh hơn. Ngày hai bữa tắm lá trầu không cho cháu để rửa vết thương.

Khi vết thương đã lên da non và có dấu hiệu lành lặn trở lại thì lại bị những trận sốt li bì. Da bọc xương, miệng chỉ có khóc chứ chưa một lần nở lấy một nụ cười, đôi mắt đờ đẫn vì mệt, đờ đẫn vì không hiểu chuyện gì đang đến với em cả. Đức Anh gầy đến mức độ mà để cháu ngủ chiếu không được, phải kê cho cháu một cái đệm thật dày và mềm nếu không thị bị trầy hết da ngay”.

Ngày Đức Anh đi, cũng giống như những bạn bè khác trong Trung tâm, không một người ruột thịt bên cạnh. Và em đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người mẹ nuôi - người thân duy nhất của em.

Lấm lem mẫu tử tình thâm

Tôi rất thích cảnh hoàng hôn miền trung du bởi nó mang một một vẻ đẹp thanh bình. Nhưng sao hoàng hôn ở Trung tâm Giáo dục, Lao động - Xã hội số 2 thật buồn, lạnh lẽo. Trung tâm nằm lẩn khuất dưới bóng cây um tùm, khang trang và yên tĩnh.

Anh Nguyễn Văn Chiến, cán bộ văn phòng dẫn chúng tôi đến khu dành cho trẻ em bị nhiễm HIV, vừa đi anh vừa buồn bã nói chuyện: “Trung tâm lại mới tiếp nhận thêm mấy trường hợp nữa. Thật đau lòng khi những đứa trẻ đáng thương và vô tội như các em ngày một nhiều mà chúng ta vẫn không làm gì để chặn đứng được”.

Khu dành cho trẻ em bị nhiễm HIV được bố trí ở phía sau cùng của Trung tâm, sát ngay khu cai nghiện ma tuý. Đó là một đại gia đình với 19 người mẹ nuôi và hơn 50 đứa con.

Chưa kịp đặt chân vào phòng, các em đã ùa ra nhao nhao: “Cháu chào chú! Chú ơi chụp ảnh đi, chú ơi có bimbim không?...”. Tất cả ùa ra phía cửa duy nhất, chỉ có một em gái, ngồi lại phía giường, mặt buồn thiu. Có lẽ em đang mệt. Đó là Phương Anh. Phương Anh đã 8 tuổi, thông minh, chỉ có điều sức khoẻ của em yếu dần đi, cho nên mọi hoạt động của em đều không thể nhanh nhẹn như các bạn được.

Tác giả bài viết chụp ảnh cùng cháu Phương Anh.

Cô Thanh - người mẹ nuôi của Phương Anh bảo rằng em là bé yếu nhất Trung tâm. Em có thể ra đi bất cứ lúc nào! Ngay chính Phương Anh cũng biết được điều đó. Tất cả đều đã chuẩn bị trước cái chết cho em. Một ngày nào đó, em sẽ ra đi, sự ra đi được chuẩn bị trước, sự ra đi của một số phận đã bị đẩy đến tận cùng của bi kịch nỗi đau. Nỗi đau không được sống!

+ Phương Anh bao nhiêu tuổi rồi? Tôi hỏi.

- Cháu 8 tuổi rồi ạ!

+ Phương Anh vào Trung tâm lâu chưa?

- Cháu vào đây từ trước Tết!

+ Bố mẹ Phương Anh tên là gì? Quê Phương Anh quê ở đâu?

Phương Anh không trả lời, mặt buồn thiu, mắt nhìn xuống chực khóc, cô Thanh bảo rằng: “Nó biết đấy nhưng không nói đâu. Mỗi lần nhắc đến bố mẹ là Phương Anh lại ngồi im. Có khi khóc”. Mới 8 tuổi mà Phương Anh chỉ nặng có mấy kg. Tay chân khẳng khiu, da bọc xương và nhỏ đến đáng thương. Mọi hoạt động của em đều chậm chạp. Tuy nhiên đầu óc vẫn nhanh nhạy và nụ cười luôn thường trực.

- Cháu gần chết rồi! Cháu không sống được! Cháu chưa muốn chết, chú ơi...!

Phương Anh nói rất thản nhiên làm tôi bất giác thảng thốt. Một đứa bé 8 tuổi biết mình không thể tồn tại trên cõi trần này được lâu nữa.  Em có ý thức được sống và chết là thế nào không?

Cô Thanh kể lại rằng, trong một đêm khuya tháng 11 năm trước, cả Trung tâm bị đánh thức bởi tiếng khóc của một đứa trẻ ở ngoài cổng, bị bố mẹ bỏ rơi. Mà cũng không chắc chắn là có phải bố mẹ Phương Anh hay là người nhà em đặt em ở cổng Trung tâm. Phương Anh đã bị bỏ rơi. Bỏ rơi trong lúc em đang ở những tháng ngày cuối cùng trên cõi đời này. Em bị bỏ rơi khi em đã 7 tuổi, đã biết suy nghĩ, biết nhận thức. Em bị bỏ rơi khi em đã bắt đầu cảm nhận được tình cảm gia đình, tình cảm ruột thịt... Em bị nhiễm HIV từ chính những người sinh ra em... Vì thế mà Phương Anh lúc nào cũng buồn thiu khi ai đó nhắc tới gia đình em.

Chia tay Phương Anh, chia tay Trung tâm nuôi dạy trẻ HIV duy nhất ở miền Bắc, nơi có hàng trăm trẻ em đã mang cái dấu thập giá ngay từ lúc trong bụng mẹ. Để rồi một ngày không xa, các em sẽ giã từ cõi đời này. Rồi đây, các em sẽ ra đi, ra đi vĩnh viễn. Các em chỉ kịp để lại cho đời những nụ cười, những tiếng bi bô. Trước khi ra về, Phương Anh yêu cầu: “Chú chụp ảnh với cháu nhé?”.

Chú bế cháu. Cô Thanh bấm máy, cháu thì mỉm cười, chú cũng cố mỉm cười. Tôi không dám chắc rằng đây chưa phải là bức ảnh cuối cùng của Phương Anh, cũng không dám chắc rằng nếu có cơ hội quay trở lại Trung tâm thì có còn gặp được em nữa không?!

Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội số 2 nằm ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây là nơi duy nhất ở phía Bắc đón nhận những trẻ em sơ sinh bị nhiễm HIV từ mẹ để điều trị và nuôi dưỡng.

Trung tâm đi vào hoạt động từ đầu năm 2001, cho đến nay con số các em được điều trị ở đây là hơn 50 trường hợp.

Những trường hợp phổ biến trẻ được đưa về nuôi dưỡng là bị bố mẹ bỏ rơi ở bệnh viện, hoặc mang đến đặt trước cổng Trung tâm. Rất ít có trường hợp gia đình các cháu trực tiếp mang đến “nhờ” trung tâm.

Từ năm 2002 Trung tâm đã xin chính quyền địa phương một khu đất riêng, đó là một góc phía tây nam của nghĩa trang Việt Nam - Mông Cổ làm nghĩa trang riêng cho các em. Nghĩa trang của những trẻ bị chết vì HIV, nghĩa trang của những số phận không gia đình, không quê hương bản quán, không người ruột thịt hương khói.

Quang Thành