Hè đến, hai anh em Võ Thành Hải (8 tuổi) và Võ Thành Kiệt (7 tuổi) tạm trú tại Q. Bình Tân - TPHCM phải đi bán vé số phụ giúp cha mẹ. Trong ảnh: Niềm vui của hai anh em khi chia nhau bịch bánh. Ảnh: T.HỒNG |
Kiếm tiền lo học phí
Em Trần Thị Hương trên đường mưu sinh |
Đến con hẻm 314 Cách Mạng Tháng 8, quận 3-TPHCM, chỉ cần hỏi những đứa trẻ làm thêm dịp hè là người dân liệt kê tên cả chục em vì hầu như hè nào, những gương mặt quen thuộc cũng tụ về đây làm thêm. Đã 2 năm nay, cứ hè đến là em Trần Thị Hương (13 tuổi, năm nay lên lớp 7 Trường THCS Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), một mình khăn gói vào TPHCM phụ chị bán bông gòn, cây ráy tai, bóp, móc khóa... Mỗi ngày từ 6 giờ, hai chị em Hương rảo bước khắp các con hẻm của quận 10, 5, 1, đến chiều tối mới quay về căn nhà trọ nhỏ xíu nằm trong con hẻm 314.
Thấy khách lạ đến, Hương lễ phép chào thật to rồi cười giải thích: “Hôm nay bán không được nên con về trễ, phải ráng bán để phụ bố mẹ tiền mua sách vở, áo quần cho tụi con. Hè ngắn lắm, con sợ hết hè phải quay về quê học mà chẳng kiếm được bao tiền giúp bố mẹ!”. Cũng vì sợ những ngày hè ít ỏi trôi qua nhanh mà Hương đã tranh thủ nghỉ học sớm 2 ngày, bỏ luôn cơ hội được nhận phần thưởng học sinh giỏi để tranh thủ đón xe vào TPHCM. Nhìn gương mặt mệt mỏi của Hương sau một ngày lội bộ hơn 20 cây số, tôi hỏi: Không đến trường lãnh thưởng con có tiếc không? Hương nói: “Dạ tiếc chứ, nhưng nếu vô trễ còn tiếc hơn nữa!”. Người bác sống cùng nhà trọ thở dài: “Hè với chúng đã vô nghĩa từ mấy năm nay rồi. Mỗi ngày hai chị em chúng bán được 100.000 đồng, lời được 30.000 đồng, hôm bán ế thì hai đứa mang dụng cụ đánh giày ra chợ Bến Thành tìm khách để bù “sở hụi”. Có hôm đến tối mịt mới thấy chúng lủi thủi về. Nhờ vậy mà trong dịp hè chúng phụ mẹ hơn 1 triệu đồng để mua quần áo, sách vở cho hai chị em nó”.
Trong con hẻm nhỏ này, thâm niên nhất là em Uông Thị Thủy, đã 4 mùa hè gắn với đất TPHCM bán báo dạo. Mỗi ngày, Thủy phải lội bộ vài chục cây số, từ 4 giờ đến 14 giờ mới quay về nhà, nhờ siêng năng mà Thủy kiếm được 40.000-50.000 đồng/ngày. Cầm sổ tiết kiệm do mình tự lập, Thủy khoe: “Trừ tiền ăn uống, nhà trọ, hai tháng hè con đem về cho mẹ được hơn 1 triệu đồng. Đủ tiền mua sách và một ít quần áo, đóng học phí cho hai chị em con”.
Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi của cậu bé Nguyễn Phước Bình, 12 tuổi (quê Phú Yên) tranh thủ nghỉ hè theo anh vào TPHCM bán vé số |
Nuôi giấc mơ đến trường
Hai anh em sinh đôi Tô Văn Khải và Tô Văn Kiên (quê Thanh Hóa), tuy đã 12 tuổi nhưng người nhỏ thó vì thiếu dinh dưỡng cũng tranh thủ 2 tháng hè vào TPHCM phụ bố mẹ kiếm tiền. Nhỏ nhất trong nhóm thợ đánh giày ở khu vực quận 5, nhưng không chịu thua các anh chị, mỗi ngày từ 6 giờ, hai anh em Khải đã có mặt tại Công viên Âu Lạc để đánh giày cho khách uống cà phê quanh khu vực. Một ngày theo chân hai anh em Khải, tôi hiểu được vì sao chúng “mê” mùa hè đến thế. Chỉ vào đôi dép mòn vẹt dưới chân, Khải cười nói: “Hết hè, con xin mẹ mua thêm đôi dép mới, dép cũ đã mòn hết rồi...!”. Kiên thấy anh khoe, cũng chen vào: “Còn con xin mẹ mua cái áo mới để mặc trong ngày khai giảng, mặc áo cũ hoài tụi bạn nó chọc”.
Tối thứ bảy, các quán nhậu dọc bờ kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đông nghẹt khách. Tiếng cụng ly côm cốp kèm những âm thanh “dô dô” vang như pháo khiến người ta quên đi mùi hôi tanh bốc lên từ dòng kênh đen. 20 giờ, một chú bé đen đủi, gầy còm, chừng 10 tuổi đi dọc các bàn ăn mời khách mua vé số. Em tên Đạt, quê Thanh Hóa, do nhà nghèo nên tranh thủ kỳ nghỉ hè, cả ba anh em dắt díu vào TPHCM để đi bán vé số. Cầm xấp vé số dày cộp, Đạt đưa hai tay van nài tôi mua giúp. Khi hỏi em đã quen đường chưa, Đạt đưa tay gãi đầu: “Con lạc đường hoài hà, nhưng nhờ người ta chỉ giúp nên tìm được nhà trọ. Có hôm đi lạc xa quá phải lội bộ hơn 20 cây số mới về nhà được”. Như để minh chứng cho “thành tích” của mình, Đạt kéo phăng ống quần cho tôi xem hai gót chân chai sần, xù xì của nó và miệng cười toe: “Hết hè, con được lên lớp 6. Bố mẹ bảo tranh thủ bán vé số, khi vào học mẹ sẽ mua cho một bộ sách mới, còn bố hứa cho con đôi giày để đá bóng...”.
Hè đến, đường phố TPHCM dường như xuất hiện nhiều thêm những đứa trẻ. Vì nghèo, chúng phải hy sinh khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để bươn chải kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi giấc mơ đến trường.
Cạm bẫy trên đường mưu sinh Chuyện bị xe quệt, xe tông... dường như trở thành nỗi ám ảnh của những đứa trẻ làm thêm dịp hè, thậm chí còn bị kẻ gian cướp vé số, cướp đồ nghề như trường hợp hai chị em Võ Thị Ánh Tuyết (9 tuổi), Võ Thành Hải (8 tuổi), trọ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Chị Phan Thị Mỹ Lan, mẹ hai em, chưa hết hoảng sợ kể lại: Tranh thủ kỳ nghỉ hè nên cho tụi nhỏ đi bán vé số. Hôm đó đã quá 17 giờ mà chưa thấy tụi nhỏ về, tôi sốt ruột quá nên nhờ bà con tỏa ra đi tìm. Mãi đến tối mịt, người dân gần đó đưa hai đứa về, đứa nào cũng đói lả, mệt mỏi vì bị một thanh niên dụ dỗ nói mua hết vé số, rồi chở đến Quốc lộ 1, huyện Hóc Môn thả vào hẻm, khiến tụi nhỏ lạc đường, khóc quá chừng... Phạm Nga |
▪ Vươn lên từ quá khứ lỗi lầm (23/06/2008)
▪ Video: "Cơn bão" HIV ở Liên Sơn (20/06/2008)
▪ Khi bị nhiễm HIV: Công khai có nghĩa là một tình yêu lớn (19/06/2008)
▪ Chuyện về bệnh nhân HIV/AIDS (19/06/2008)
▪ Cô học trò có H+ và ước mơ trở thành cô giáo (18/06/2008)
▪ Mồ côi tội lắm ai ơi! (16/06/2008)
▪ Những trái tim vẫn ngập tràn yêu thương (14/06/2008)
▪ Đoàn thanh niên đi đầu giúp cai nghiện ma tuý (13/06/2008)
▪ “Mong muốn lớn nhất đời mình là… được nói” (13/06/2008)
▪ Một gia đình, bảy nỗi đau da cam (13/06/2008)