Quan tâm hơn đến các học viên cai nghiện
Báo Tiếng chuông - 09/01/2017
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống ma tuý và cai nghiện ma tuý diễn ra cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương TPHCM trong công tác chăm lo, quan tâm, tặng quà người nghiện trong dịp lễ tết cũng như các biện pháp tuyên truyền. Thủ tướng xem đây là hoạt động rất cần thiết và các địa phương cần chia sẻ kinh nghiệm này.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi các học viên sau cai tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ LĐTB&XH

 

Chỉ trong thời gian 8 tháng (từ tháng 4 đến 11/2016), đã xảy ra 4 đợt bạo động, trốn trường tập thể tại Trung tâm Giáo dục Lao động và Dạy nghề thuộc các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai với hơn 1.200 học viên tham gia gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy và các khu vực dân cư lân cận.

Trước tình hình các tỉnh lân cận có tình trạng học viên cai nghiện trốn trường trại gây bạo động, TPHCM chưa có trường hợp học viên cai nghiện bỏ trốn mang tính tập thể. Để có kết quả đó thì cơ sở cai nghiện được đầu tư bài bản, căn cơ. Có đội ngũ giáo viên hiểu biết và tâm huyết, hiểu biết nhu cầu và cả phương pháp để tư vấn cho học viên. Các cơ sở cai nghiện luôn chú trọng đến giáo dục thể chất sẽ giúp các học viên giảm bớt ức chế.

Động viên tinh thần học viên cai nghiện

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức TPHCM đã thường xuyên tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các học viên tại cơ sở cai nghiện, đồng thời tiến hành vận động, tuyên truyền người nghiện và gia đình đưa con em đến cai nghiện tập trung và tổ chức việc hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn.

Các cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc, quản lý học viên, từ các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề đến hoạt động văn thể mỹ đều được thực hiện chu đáo, đầy đủ. Nhiều trường, trung tâm còn tổ chức các em lao động trị liệu, tăng gia sản xuất có thực phẩm sạch bổ sung, cải thiện chất lượng bữa ăn và đời sống của học viên. Các trường, trung tâm thường tổ chức lấy phiếu dân chủ, đồng thời, cán bộ trực tiếp tiếp xúc, gần gũi, chia sẻ với học viên, qua đó giải quyết ngay vấn đề bức xúc, vướng mắc nếu có. Có thể nói, cách quản lý và làm việc đúng quy trình, công tâm, minh bạch và có tình thương yêu của cán bộ, công nhân viên các cơ sở đã được học viên thấu hiểu. Từ đó, các cơ sở nhận lại được tình cảm của học viên, bằng cách tuân thủ nội quy, hăng say lao động, học tập, rèn luyện. Đó là kết quả rất tốt mà các trường, trung tâm của TPHCM đạt được.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu cũng nhấn mạnh, từ nay đến sau tết, TPHCM sẽ tiếp tục có các đoàn thăm các cơ sở cai nghiện, thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với các học viên.

Nâng cấp các cơ sở cai nghiện

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện có 3.472 người nghiện, tăng gần 600 người so với năm 2015. Công tác đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc được triển khai quyết liệt. Tỉnh đã lập hồ sơ đưa 1.578 người nghiện vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của Cơ sở điều trị quá tải, xuống cấp nên trong tháng 10 và 11/2016 đã xảy ra 3 lần với 783 học viên trốn khỏi Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Đến nay đã thu gom được 620 người, còn lại 163 học viên đang truy tìm. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan điều tra đã khởi tố 26 đối tượng quá khích.

Bà Nguyễn Hoà Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, nguyên nhân trốn khỏi cơ sở cai nghiện là do các cơ sở này trước đây chỉ đáp ứng tối đa 300-400 người nghiện, nay do đối tượng người nghiện tăng nhanh và tỉnh đã thu gom về cơ sở dẫn đến quá tải. Hiện cơ sở cai nghiện còn 971 trường hợp đang cai nghiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Đồng Nai đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp với quyết định đầu tư xây dựng thêm 10 phòng cai nghiện trị giá 3 tỷ đồng và đã quy hoạch xây dựng 1 cơ sở mới có diện tích 30 ha đáp ứng khoảng 2.000 học viên có cơ sở vật chất hoàn chỉnh kể cả khu vui chơi, giải trí....

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm, giải pháp cho học viên khi vào trung tâm yên tâm điều trị, phải giải thích nâng cao nhận thức rằng họ vào đây được giúp đỡ chứ không phải vào đây bị quản thúc bị quản lý bị giam hãm. Nếu còn tư tưởng đó mang vào trung tâm thì lúc nào ở trong lòng họ cũng nung nấu không hợp tác.

Các trung tâm phải nâng cao được năng lực khi tiếp nhận rồi tham vấn, tư vấn phải làm việc được với từng trường hợp và quản lý, hiểu được hoàn cảnh của học viên, làm tốt công tác phân loại nắm bắt được tâm tư nguyện vọng.

Bên cạnh đó là phải tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ trong đó cán bộ trong trung tâm phải thân thiện, là người trợ giúp chứ không phải là người quản trị, quản lý.