Trong thế giới HIV/AIDS (kỳ 3): Sức mạnh tình ruột rà
Các Website khác - 30/03/2006

Cầu nguyện dưới chân tượng Đức Mẹ trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: Đ.Tươi

TT - “Mình chưa chết sao? Nghe nói bệnh này sống không quá sáu tháng mà...”. Trong những ngày ở bệnh viện, tôi đã nghe những tâm sự về cuộc sống và cái chết của nhiều bệnh nhân.

>> Điểm tựa
>> Tôi đi chăm sóc bệnh nhân

Họ vẫn sống vì đằng sau bóng đen thần chết là cả một sức mạnh từ những vòng tay gia đình, người thân.

Tiếng nguyện cầu giữa đêm khuya

Đêm bệnh viện. Những náo nhiệt của ban ngày nhường chỗ cho sự yên ắng và vắng lặng. Có tiếng rì rầm cầu kinh, một cụ bà đang chắp tay: "Hãy cho cháu của con qua khỏi lần này, con sẽ dạy dỗ nó làm lại từ đầu...".

Tính đến tháng 12-2005, TP.HCM có 27.669 người nhiễm HIV, 10.448 người mắc bệnh AIDS, 4.788 người tử vong do AIDS.

Trong sáu tháng đầu năm 2006, tại TP.HCM đã có 258 thai phụ phát hiện tình trạng nhiễm HIV.

(Số liệu cập nhật từ Ủy ban Phòng chống AIDS)

Đôi vai bà run lên. Bà là bà ngoại của L., bệnh nhân ở khoa nhiễm E. Chiều nay L. rên la không dứt, đôi bàn tay gầy guộc của bà cứ xoa, cứ vuốt ngực đứa cháu mà mắt rơm rớm. L. mới 19 tuổi, cái tuổi mà phía trước có nhiều con đường để bước nhưng L. đã bước nhầm con đường không còn lối trở về. Nhà ngoại nghèo lắm, cuộc đời của ngoại buôn thúng bán bưng rồi đến đời con gái bà cũng vậy.

Gia đình năm bảy miệng ăn chỉ dựa vào tiền làm bánh bò, bánh tiêu bán dạo của mẹ L., nhưng cậu con trai hễ có đồng nào là đi hút hết đồng đó, vào trường cai rồi lại trở ra hút nữa. "Tại ngoại mà, tại ngoại nghèo nên thằng cháu ngoại không ai trông coi mới hư như vậy"- bà cụ đánh thùm thụp vào ngực mình. Cả đêm bà cụ tóc bạc trắng cứ lầm rầm cầu nguyện cho đứa cháu đầu xanh đã chìm vào giấc ngủ say...

Tôi theo chị về phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, nơi căn phòng chị thuê chưa tới 16m2. Chị dành ra một góc nhỏ để bán nước giải khát, kiếm tiền đắp đổi chợ búa cho ba miệng ăn - chị và hai cậu con trai. Chồng chị mất vì tai nạn lao động khi đứa con thứ hai là C. mới tròn 7 tuổi.

Nay C. đã 18 tuổi và vừa chuyển sang giai đoạn AIDS. Trên tường vẫn còn đó tấm ảnh C. đang nhận phần thưởng năm lớp 10 với nụ cười tươi tắn trong đám bạn cùng trường, chị khóc. "Hồi ổng mất, tui nguyện cả đời ở vậy để nuôi con ăn học thành tài, khổ mấy cũng chịu, vậy mà tự dưng nó nghiện...". Nước mắt lại lăn dài trên gương mặt người mẹ góa bụa.

C. ngoan hiền và học giỏi, vậy mà nhà trường báo C. đã bỏ học cả tháng nay. Khi ấy chị thấy đất trời sụp đổ dưới chân, chị đưa C. lên Trường cai nghiện Nhị Xuân. Đó là chuỗi ngày đắng cay đầy nước mắt của người mẹ. Tiền thuốc thang "lóc" dần từ số tiền 175 triệu đồng bán căn nhà mà trước đây vợ chồng chị dành dụm mua được.

"Không có nhà thì ở thuê, miễn sao con được sống" - nhìn C. bưng tô cơm nhai trệu trạo, chị lại nước mắt ngắn dài. C. đưa tay lau nước mắt cho mẹ như một đứa bé lên ba. Tôi nhìn thấy nỗi hối hận đang dâng lên trong mắt C. và chợt thấy lòng mình quặn lại. Số tiền bán căn nhà là công sức, là kỷ niệm của cha mẹ C. không bao lâu sẽ hết vì theo các bác sĩ, thuốc đặc trị HIV/AIDS giá rất cao, điều trị thời gian ngắn cũng phải vài chục triệu.

Bà cháu L. ở hành lang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh Đặng Tươi
"Không bao giờ, dù chỉ một lần"

Ngày tôi đến khoa nhiễm E Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong số 43 bệnh nhân có tới 80% tuổi từ 17- 29. Một con số nhức nhối! Và hình ảnh tương phản đến đau lòng: những mái đầu bạc ngày ngày tất tả ngược xuôi chạy tiền, chạy thuốc chăm sóc những mái tóc xanh.

Đã bao ngày rồi, vợ chồng anh C. như định cư hẳn trong bệnh viện để chăm sóc cậu con trai mới 20 tuổi đầu. Người cha ngày nào cũng mặc chiếc áo bộ đội đã cũ, người mẹ nhỏ thó, mắt thâm quầng, luôn đưa tay vuốt mái tóc đứa con.

"Em làm nghề quay phim, nhiều tiền lắm. Mấy đứa trong nhóm làm phim cứ rủ thử, tụi nó bảo chơi ít không ghiền đâu, vậy mà mới chơi là em đã ghiền. Mà cũng chẳng phải tại tụi nó, tại mình thôi" - N. nói như tự trách mình. Ước mơ mở một studio "năm phút lấy liền", in hình ngay lên những món quà tặng của N. chưa kịp thực hiện đã tan theo khói thuốc. N. tự tử nhiều lần đều được ba mẹ phát hiện cứu sống. "Em cứ nghĩ hoài: mình sống mà như chết vầy thì sống làm gì, nhất là khi những cơn đau đến, nhìn ba mẹ khổ em không chịu nổi", N. nói.

Tôi chợt nhớ lại những dòng viết của Clair Booth (tác giả quyển Sống với HIV/AIDS) mô tả quá trình của một người bị AIDS: "Bạn nhập viện và cả gia đình đổ xô đến chờ đợi cái chết của bạn thì lạ lùng thay, sức khỏe bạn lại khá hơn, bạn xuất viện, gia đình bạn thở phào nhẹ nhõm và trở lại cuộc sống bình thường. Rồi sự việc lại tái diễn một lần nữa và nhiều lần tiếp theo đó. Nếu bạn đã từng ngồi trên một toa xe đổ dốc, ắt bạn hiểu rằng đi hai vòng là đủ và bạn muốn xuống rồi đó".

Tôi thấu hiểu nỗi niềm đang giằng xé của N. khi biết những bệnh nhân HIV/AIDS không phải nhập viện một lần mà ra vô bệnh viện bất cứ lúc nào, bất cứ giờ nào. Bệnh trở nặng rồi hồi phục, hồi phục lại trở nặng như vòng luân hồi. Nó là nỗi lo cũng luân hồi cho gia đình, người thân.

Bác sĩ Nguyễn Duy Phong, người nhiều năm điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, cho biết: "Người nhiễm HIV dễ bị tổn thương về mặt tinh thần và từ đó dễ suy kiệt về thể xác. Nếu gia đình biết chăm sóc chu đáo, an ủi thân tình thì có khi còn hơn cả bác sĩ chuyên nghiệp, hơn cả thuốc đặc trị".

Bên tai tôi là giọng trầm của cha N.: "Nó không hiểu đâu cô, có ba mẹ nào từ nan việc gì vì con mình dù nó đã không nghe mình mà lầm lạc. Tui nói nó cứ ráng sống, sống thêm với cha mẹ được một ngày là ba mẹ cười thêm một ngày".

Tôi nhìn N., cảm nhận N. đang khát khao sống hơn bao giờ hết và thầm hiểu sức mạnh tình ruột rà, máu mủ từ ba và mẹ đã truyền sang cho người con trai. Tôi "xuống ca" ra về khi trời chập choạng tối, dưới phiến đá trống trước tượng Đức Mẹ, bà cụ tóc bạc vẫn lại ra đứng cầu nguyện cho cháu. Tôi tin một ngày nào đó lời khấn cầu của bà cụ sẽ thấu tới trời xanh...

Đối diện với AIDS, những ngày đầu họ cô độc và suy sụp hoàn toàn với cảm giác mình đã đánh đổi mọi thứ trên đời để đi tới cái chết.

Nhưng khát vọng sống đã khiến họ tìm đến nhau, giúp nhau và giúp những người đồng cảnh ngộ đứng lên làm người có ích để tiếp tục sống…

ĐẶNG TƯƠI