BS Nguyễn Hữu Chí (trái) - trưởng khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: Đặng Tươi |
Người VN đầu tiên học về AIDS
"Bác sĩ (BS) Chí đâu?", "Làm thế nào để được BS Chí khám?"... Bệnh nhân và thân nhân ở phòng khám ngoại trú cứ vào là cố tìm cho được BS Nguyễn Hữu Chí - trưởng khoa nhiễm E Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cũng là phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm, khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Tôi theo BS Chí vào phòng khám số 2 sáng thứ ba, ngày ông tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS hằng tuần. Một cô gái trẻ ẵm theo một em bé hai tháng tuổi bước vào: "Thưa BS, ông xã cháu bị nhiễm và đã mất. Còn cháu và con cháu thì thế nào?", đôi mắt cô gái đã ngấn nước.
Người BS nhỏ nhẹ hỏi thăm kỹ lưỡng gia cảnh, người chồng, nghề nghiệp của cô gái... Khi bệnh nhân này cầm phiếu đi xét nghiệm, BS Chí dựa lưng vào thành ghế thở dài: "Người lớn chúng ta có nhiều lỗi lầm lắm. Đứa bé mới hai tháng tuổi có tội gì mà sao phải bắt nó phơi nhiễm".
Nhiều năm qua, BS Chí đã viết nhiều bài báo và xuất bản nhiều cuốn sách về HIV/AIDS, đặc biệt là nhiễm HIV/AIDS ở phụ nữ. Ông chính là người VN đầu tiên học về HIV/AIDS tại Pháp. Ông đến với HIV/AIDS như là một "định mệnh", là một BS giỏi, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Từ bệnh nhân đầu tiên năm 1990 đến nay, khoa nhiễm E của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân nằm điều trị. Mười sáu năm tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS, bao nhiêu con người đến ông đều nhớ, đều có phương pháp tiếp cận riêng, đều quan tâm như ca bệnh đầu tiên. Ông bảo: "Mình càng quan tâm, bệnh nhân càng khỏe, sống lâu hơn".
Hộ lý Diệp Thị Lệ Thu săn sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: Đặng Tươi |
Không nằm trong biên chế của bệnh viện, chị A.P. là người "hộ lý" được yêu cầu từ chính thân nhân bệnh nhân, chuyên chăm sóc những người bệnh ở khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Chị A.P. từng chích ma túy thuộc dạng có thâm niên. Khi đã cai, cuộc đời chị gắn với cái nghề kỳ lạ này: chăm sóc những bệnh nhân nhiễm HIV. Có kinh nghiệm từ bản thân, chị A.P. rành về các loại thuốc, cách uống, các tác dụng phụ của thuốc đặc trị AIDS để tư vấn, dặn dò bệnh nhân.
Với từng bệnh nhân, A.P. lại có những cách ứng xử và chăm sóc khác nhau. Ưa nhõng nhẽo là một bệnh nhân nam tên H.. Nhà H. rất giàu, lại là con trai út nên quen được cưng chiều. Hở một chút là H. đòi uống nước xí muội, sinh tố, rồi lại đòi ăn cái gì mặn mặn, ăn cái gì ngọt ngọt, dù chỉ nếm qua một chút là lại chê ngay. A.P. đề nghị gia đình cắt hết các khoản chi cho H.: "Anh chị chiều như vậy tốn tiền, để tiền mua thuốc đặc trị cho cháu". Chị nói sao đó mà ít ngày sau H. không đòi hỏi nữa.
Với bệnh nhân Th., chị A.P. thường đấm bóp chân tay, trở mình qua lại, thoa phấn cho mát da vì Th. hôn mê không tự xoay trở được. Chị sợ Th. bị loét da thêm vì sức Th. không khỏe so với các bệnh nhân khác. Ngày nào chị cũng trò chuyện với Th., giọng nỉ non như dỗ con nít, dù Th. đã hôn mê: "Ráng tỉnh nha, tỉnh rồi ba má đưa về nhà cưới vợ, ngoan chị thương".
Mái ấm của vợ chồng chị A.P. là một căn phòng trọ nhỏ xíu, diện tích chưa đến 16m2 ở quận Thủ Đức. Một tấm nệm 1,2m choán gần phân nửa không gian trong phòng, nửa còn lại dùng làm lối đi và kê đồ dùng. Vợ chồng chia nhau, người yếu nằm nệm, người khỏe nằm đất. Khách đến thì ưu tiên ngồi nệm. Chị đang nằm bẹp vì bệnh nhưng khi bệnh viện yêu cầu đến, chị vẫn trở dậy mà tất tả ra đi. Chị cứ luôn miệng nói: "Hổng ai hiểu người nhiễm HIV bằng tui đâu, cứ để tui lo cho, sống chết tính từng ngày, cứ chăm sóc, cứ thương họ là họ sống thôi mà". Chị gắn với công việc không chính qui như thế đã năm năm nay.
5.577 lượt người nhiễm HIV/AIDS được khám chữa bệnh nhiễm trùng cơ hội bệnh thông thường tại phòng khám bệnh ngoại trú Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. 8.000 lượt bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe, điều trị tại các trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận/huyện. 343 lượt bệnh nhân được điều trị nội trú. Chăm sóc tại nhà có khoảng 500 lượt bệnh nhân HIV/AIDS. (Số liệu sáu tháng đầu năm 2005 của Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM) |
Buổi họp giao ban sáng nay của khoa nhiễm E bắt đầu bằng một thông tin từ điều dưỡng trưởng: có năm BS, điều dưỡng, hộ lý của khoa có kết quả xét nghiệm máu dương tính với virus viêm gan siêu vi B (đây là một bệnh phổ biến trên người HIV/AIDS). Toàn bệnh viện có 25 mẫu thử dương tính/350 mẫu thì khoa nhiễm E (với 21 mẫu thử) đã chiếm con số 1/5! Một con số đáng phải suy nghĩ.
Sau giao ban, tất cả hộ lý, điều dưỡng bắt đầu túa ra các phòng bệnh. Việc của điều dưỡng là phát thuốc, lấy máu, truyền dịch... Việc của hộ lý là vệ sinh, thay drap, giặt giũ, thay đồ cho bệnh nhân không có gia đình... Nói thì đơn giản vậy nhưng họ có thêm cả trăm việc không tên khác trong ca trực 24 giờ. Nguy cơ lây nhiễm không phải virus HIV mà những bệnh cơ hội như lao, viêm gan B, nấm... có nguy cơ rất cao với những người hằng ngày, hằng giờ theo dõi người bệnh ở đây.
Tôi theo điều dưỡng Trần Khắc Huy đến phòng bệnh. Năm phút trôi qua anh mới tìm được ven của một bệnh nhân. Tốt nghiệp trường y, anh về đây luôn với một ý nghĩ khác người: mình chọn bệnh khó để gắn bó với họ. Mà những bệnh của khoa này... khó thật: dịch hạch, dịch tả, tiêu chảy, viêm gan siêu vi, rồi HIV. Cái ngày bệnh nhân HIV đầu tiên về đây là một sự kiện "chấn động" toàn bệnh viện. "Làm sao mà không sợ cho được khi bệnh không có thuốc chữa trên toàn thế giới, nhưng học nghề y mà sợ bệnh nhân thì sao gọi là thầy thuốc" - Huy nghĩ vậy và anh làm ở đây đã 16 năm.
"Có ca bệnh mới đấy!", hộ lý Diệp Thị Lệ Thu nhanh tay đẩy chiếc xe ra đón người bệnh, đưa về phòng chăm sóc từ vết thương đã lên mùi, rồi đổ bô xú uế, bón thức ăn, thuốc điều trị cho bệnh nhân... Công việc của chị Thu cứ đều đặn quay như vậy đã 10 năm rồi.
Chị Thu cho biết: một lần chị rút kim truyền cho bệnh nhân chẳng may kim đâm trúng tay. Lo sợ và cả tuyệt vọng nữa, chị khóc mấy ngày liền, lúc đó chị mới đám cưới chưa được hai tháng. Uống đúng 100 viên thuốc trong ba tháng, kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng chẳng hiểu sao đi đến đâu chị cũng đều nghe tiếng xì xầm "sida, sida...".
Thời đó, sự kỳ thị bệnh nhân HIV còn là một vấn đề đầy nhức nhối. May nhờ BS trưởng khoa tuyên bố tình hình của chị trong cuộc họp toàn cơ quan, mọi người mới hết xa lánh chị. Sau cú sốc đó, chị hiểu và chia sẻ với bệnh nhân của mình hơn.
Đồng hồ đã chỉ 1 giờ chiều, nhưng nhiều hộ lý, điều dưỡng vẫn chưa ngừng tay để ăn uống. "Em đi ăn trước đi, tụi chị xong việc lúc nào ăn lúc đó à" - hộ lý Trần Minh Thảo nhắc nhở. Tôi vẫn ráng chờ. Bữa cơm được bày ra nơi góc bàn gần khu vườn chuối, chỉ lèo tèo hai con cá hường chiên khô khốc và tô canh rau nước nhiều hơn cái.
Chị Thảo dừng ăn vì một thân nhân báo con họ đang lên cơn sốt, chị chạy đi... 23 năm nay chị Thảo gắn với nghề hộ lý ở bệnh viện này. Vậy mà tiền phụ cấp độc hại từ 5, 5 triệu đồng/quí đã giảm chỉ còn 1,2 triệu đồng/quí...
Đêm đêm, bà ngoại cầu kinh mong cho đứa cháu mới 19 tuổi "qua khỏi lần này". Tình cảm trìu mến của bà ngoại già nua, tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ có khi có sức mạnh còn hơn cả thuốc đặc trị AIDS…
ĐẶNG TƯƠI - HỒNG VÂN
▪ Nhà thờ ở Burundi không tổ chức đám cưới cho người nhiễm HIV/AIDS (27/03/2006)
▪ Cần ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS trên đảo Zanzibar (24/03/2006)
▪ Quỹ toàn cầu tài trợ 15 triệu đô la Mỹ cho Jamaica (23/03/2006)
▪ Gay Games ở Chicago và những vướng mắc về luật (20/03/2006)
▪ Mỹ tài trợ thêm tiền chống HIV/AIDS (21/03/2006)
▪ Những bài học từ cú sốc HIV (14/03/2006)
▪ Hoạ sĩ nhiễm HIV Nguyễn Trọng Kiên: ... Đứng lên từ nước mắt (15/03/2006)
▪ Dư luận phản đối lệnh cấm gay bán máu ở Scotland (13/03/2006)
▪ Ngày quốc tế phụ nữ với gái mại dâm Ấn Độ (11/03/2006)
▪ Tình yêu - Liều thuốc tinh thần với người nhiễm HIV (09/03/2006)