"Bắt mạch" 3 trở ngại dạy nghề
Các Website khác - 16/03/2006

(VieNamNet) - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Ban điều hành Dự án Hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp tổ chức hội nghị chuyên gia về dự án Luật Dạy nghề tại TP.HCM (16-18/3). Tại hội nghị, các đại biểu đã "bắt mạch" 3 trở ngại lớn khiến dạy nghề còn vấp trì trệ.

Giáo viên dạy nghề: Thiếu trầm trọng

Soạn: AM 728137 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quang cảnh hội thảo

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, đến tháng 12/2005, cả nước có 236 trường dạy nghề, 104 trung tâm dạy nghề, 212 trường CĐ,THCN có chức năng và nhiệm vụ dạy nghề.

Bổ sung vào đó, còn có khoảng 800 trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm, trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và nhiều lớp dạy nghề ở các doanh nghiệp, các làng nghề….dạy nghề ngắn hạn.

Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên, học sinh trong các trường dạy nghề là 1/28, chỉ mới đạt 1/2 chuẩn quy định.

Như vậy hiện tại các trường dạy nghề đang thiếu khoảng 7.000 giáo viên dạy nghề để có thể chuẩn hoá.

Với chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2010, các trường dạy nghề sẽ phải cần đến khoảng 20.000 giáo viên, nếu kể các các cơ sở đào tạo nghề ngắn hạn thì số giáo viên dạy nghề cần có là khoảng 90.000.

Giáo viên trong các trường dạy nghề phân theo khối ngành, nghề đào tạo: khối công nghiệp 44%, khối nông lâm-ngư nghiệp 10%, khối xây dựng 14%, khối giao thông vận tải - bưu chính viễn thông 20%, khối dịch vụ 10%, khối văn hoá thông tin 2%

Như vậy về số lượng, giáo viên dạy nghề đang thiếu nghiêm trọng và sẽ là thách thức lớn để phát triển dạy nghề trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Minh Đường, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục cho rằng, giáo viên dạy nghề có nhiều đặc thù: vừa phải có tay nghề của công nhân kỹ thuật lành nghề, vừa phải là nhà giáo để có thể dạy thực hành nghề, vừa là nhà kỹ thuật và đồng thời là nhà quản lý để có thể dạy lý thuyết nghề và quản lý dạy học.
Như vậy, với mô hình đào tạo giáo dục dạy nghề hiện hành: tuyển sinh HS mới tốt nghiệp THPT, đào tạo trong 3 năm để trở thành giáo viên dạy nghề trình độ CĐ và 5 năm để thành giáo viên dạy nghề trình độ ĐH là điều không tưởng và không thể đảm bảo chất lượng.

Điều đáng quan tâm hơn cả là cơ cấu ngành nghề đào tạo giáo viên. Hàng chục năm nay, các trường ĐH và CĐ SPKT của cả nước chỉ mới có khả năng đào tạo được giáo viên cho 21 nghề, trong khi đó các trường dạy nghề đang cần giáo viên để đào tạo gần 300 nghề khác nhau. Như vậy, giáo viên của hầu hết các ngành, nghề còn lại chưa có nơi đào tạo.

Chuẩn đâu?

Soạn: AM 728139 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Giờ học nghề tại trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng TP.HCM

Một nguyên nhân khá quan trọng khiến việc đào tạo nghề vẫn còn nhiều trì trệ là thiếu hệ thống chuẩn các trình độ đào tạo nghề.

GS.TS Nguyễn Minh Đường cho rằng, do chưa xây dựng chuẩn các trình độ đào tạo nên hệ thống đào tạo đang gặp phải những khó khăn như: Không có sở để xác định mục tiêu đào tạo và thiết kế nội dung các chương trình hợp lý. Do đó, những việc này được làm khá tuỳ tiện; việc đánh giá chất lượng đào tạo cũng tuỳ tiện, chất lượng thả nổi.

Một ví dụ: Danh mục đào tạo - cơ sở quan trọng để xây dựng các chương trình đào tạo cũng như để đánh giá chất lượng và quản lý đào tạo - đến giờ cũng chưa "bắt kịp thời đại".

Danh mục nghề đào tạo cần phát triển theo sự phát triển của sản xuất và sự thay đổi công nghệ. Trong những năm qua, kinh tế phát triển; cùng với tác động của khoa học và công nghệ, một số nghề mới xuất hiện, một số nghề cũ mất đi, nhiều trường đang dạy những nghề chưa có trong danh mục nghề. Do vậy cần điều chỉnh và ban hành danh mục nghề đào tạo (đã có từ năm 1992) cho phù hợp với yêu cầu về nhân lực trong giai đoạn mới.

Vấn đề, như PGS.TS Đỗ Quốc Dũng (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) băn khoăn: Chuẩn mà liên tục "update" vậy thì ai sẽ làm chuẩn? Nên chăng, để các địa phương tự xây dựng chuẩn đó?

TS Lê Vinh Danh cho rằng, việc để cho các cơ sở dạy nghề toàn quyền quyết định cần đào tạo ngành gì, nghề gì, cách đào tạo như thế nào xuất phát từ... cả một triết lý.
Sự đòi hỏi của cuộc sống là rất lớn, do đó càng ôm việc, cơ quan trung ương càng trì trệ, quan liêu và xơ cứng. Phải phân quyền về cho các nơi, các cơ sở trong hoạt động dạy nghề nói riêng, mọi hoạt động dịch vụ công khác nói chung. Càng phân quyền rộng và chi tiết, việc chuyên môn hoá mới đạt hiệu quả.

Liên thông: Kém!

Khảo sát với 1.115 phụ huynh HS ở một số trường THCS, THPT, THCN , CNKT tại TP.HCM năm 2005: Có đến 29,24% làm công nhân, làm thợ; 16,59% thời gian học dài nhưng chỉ biết học nghề; 44,84% không có cơ hội lên cao, 9,33% lý do khác.
Lý do không có cơ hội học lên cao chiếm tỷ lệ 44,84% là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều gia đình không muốn con em mình vào các trường chuyên nghiệp và dạy nghề.

Lý do tâm lý không muốn làm công nhân là nguyên nhân thứ 2. Bởi theo khảo sát, xấp xỉ 95% học sinh TP.HCM sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT để có thể có cơ hội học tiếp lên CĐ, ĐH.

Theo ông TS Nguyễn Trần Nghĩa, Trường Công nhân Kỹ thuật TP.HCM "nếu sớm thực hiện liên thông giữa các chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân thì chắc chắn sức hút vào các trường chuyên nghiệp day nghề sẽ tăng lên".

Bài, ảnh: Cam Lu