![]() |
Phim King Kong khiến rạp đông nghẹt khán giả trẻ con. Cậu bé ngồi hàng ghế phía trước tôi chừng năm tuổi, suốt thời gian xem phim cứ bám chặt lấy cha. Lúc thì tay cậu bíu chặt cánh tay cha, lúc thì cả người cậu dụi sâu vào lòng cha, như tìm sự che chở, nhất là ở những đoạn bầy khủng long rượt săn lũ người tí hon khốn khổ, như chúng ta vẫn đuổi vịt. Người lớn còn phải hét lên vì sợ, huống chi con trẻ!
Thế nhưng phim vừa ngưng, cái giọng thỏ thẻ đã khẩn thiết vang lên: “Ba ơi, tại sao King Kong cao nhất, mạnh nhất, con gì dữ mấy King Kong cũng đánh thắng, vậy mà người ta lại bắn chết nó hả ba?”. Tôi không nghe được câu trả lời của người cha, nhưng rõ ràng anh không thể giải đáp chỉ trong vài câu đơn giản. Cậu bé đã hiểu được đúng thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm: Vì sao King Kong lại phải chết? Cậu đã đi thẳng từ trái tim “nhân chi sơ tính bản thiện” của mình đến trái tim của những người làm phim, bất chấp tuổi tác, địa giới, trình độ.
Cậu bé Tin hàng xóm tôi thì khác. Cậu lên bốn và mới bị thất sủng khi mẹ cậu vừa sinh cho cậu không phải một mà tới hai em trai. Từ địa vị “cục vàng của má, cục cưng của ba”, cậu bị bỏ quên, phải chạy sang chơi với hàng xóm vì cả má lẫn ba đều bận rộn với hai đứa lau nhau ồn ào đó.
Chỉ sau ba tháng làm anh, trông cậu đã có vẻ nghiền ngẫm ra phết! Cậu hay thơ thẩn một mình ngoài hành lang, thỉnh thoảng chạy sang nhà hàng xóm kể chuyện nhà mình, trong đó đối tượng miêu tả là hai sinh vật mới nhập tịch kia.
Cậu quan sát chúng, quan sát cha mẹ mình và phát kiến nhiều điều không ngờ. Một hôm, cậu thở than: “Mẹ Tin kỳ cục, thằng Lô khóc nhè suốt ngày mà cứ bồng cho bú hoài, còn thằng Rin không khóc thì chẳng được bồng gì hết!”. Tôi phải suy nghĩ hồi lâu mới hiểu được điều cậu định nói. Thằng Lô hay khóc nên mẹ cậu phải thường xuyên bồng lên dỗ dành, còn thằng Rin ít khóc thì lại phải nằm yên ở giường, không được bồng ẵm.
Theo cậu, đó là sự bất công: đứa không quậy lẽ ra phải được thưởng, còn đứa hay quậy lẽ ra phải bị phạt. Không hề xuất phát từ quyền lợi cá nhân, cậu đang đặt vấn đề về sự đối xử công bằng dành cho hai kẻ chiếm đoạt địa vị của mình. Cậu đang trở thành một công dân có cái nhìn phê phán đối với xã hội nhỏ bé mà cậu tham gia.
Ai bảo rằng hai cậu bé trong câu chuyện vừa kể ít hiểu biết, không đủ trình độ, và thiếu chất trí thức? Chẳng phải sự nghĩ ngợi, mối quan tâm của các cậu là đúng mực, trúng vấn đề, nếu không nói là hơn hẳn rất nhiều người lớn chẳng bao giờ quan tâm đến những việc chung quanh, hoặc nếu quan tâm thì lại theo kiểu “có gì lợi cho tôi không?”.
Ai dám bảo rằng tuổi mẫu giáo là thiếu trí thức?
Camera (Thanh Niên)
▪ Học bổng 1500 EURO tại ĐH Saxion Hà Lan (15/03/2006)
▪ Các thủ đoạn gian lận có thể 'đe dọa' mùa thi 2006 (16/03/2006)
▪ ĐH Oxford và Cambridge "bắt tay" với 10 trường ĐH (15/03/2006)
▪ Chấn chỉnh việc đào tạo "dính" tới nước ngoài (16/03/2006)
▪ Nghề "ngày đi làm, đêm xuống đường" (16/03/2006)
▪ Học bổng thạc sĩ văn chương tại Thái Lan (15/03/2006)
▪ Các trang web hữu ích về du học tại Hoa Kỳ (15/03/2006)
▪ Đại học Huế: Tuyển sinh khóa đào tạo kỹ sư công nghệ của INSA de Rouen (15/03/2006)
▪ "Lãng phí kép" (14/03/2006)
▪ Cần Thơ: dịch vụ ký túc xá (15/03/2006)