Cần tạo sự công bằng trong kỳ thi vào ĐH cho mọi thí sinh |
Sự thật đau lòng
Bức thư của em học sinh ở Vinh cho biết, từ qui định học sinh giỏi toàn diện, thi tốt nghiệp đạt loại giỏi sẽ được cộng 1-2 điểm khi thi vào đại học (ĐH), ở trường của em đã xảy ra nhiều tiêu cực. Đó là hiện tượng chạy điểm để đạt loại giỏi và đã có nhiều trường hợp trúng tuyển nhờ điểm cộng này.
Bức thư nêu khá chi tiết và đầy đủ từng trường hợp tiêu cực. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì những trường hợp tiêu cực đã nêu trong bức thư là hoàn toàn có cơ sở.
Bằng chứng là tại Trường THPT Lê Viết Thuật mà học sinh đó đề cập, có tới 19 trường hợp được cộng điểm thưởng nhưng đi thi ĐH điểm trung bình môn không đạt được 4 (cả 3 môn có tổng điểm dưới hoặc bằng 12) trong khi đề thi năm nay được đánh giá là sát với chương trình phổ thông, không đánh đố, không lắt léo và chỉ cần học lực trung bình là có thể đạt điểm trung bình. Có trường hợp thí sinh được cộng điểm nhưng đi thi ĐH chỉ được tổng điểm cả 3 môn là... 2 điểm!
Sự thật đau lòng này không chỉ diễn ra ở Trường THPT Lê Viết Thuật, nhiều thí sinh ở các nơi khác được cộng điểm thưởng nhưng khi đi thi đại học lại có số điểm rất thấp. Theo một thống kê sơ bộ, trong kỳ tuyển sinh vừa qua có khoảng hơn 28.000 thí sinh được cộng điểm thưởng thì có tới 1.664 thí sinh có tổng điểm thi vào đại học chỉ đạt từ 12 điểm trở xuống; 549 thí sinh có tổng 3 môn thi bằng hoặc dưới 9 điểm, trong đó có 158 thí sinh chỉ đạt được khoảng 6 điểm trở lại. Cá biệt 37 thí sinh có tổng điểm 3 bài thi 3 điểm và thậm chí thấp hơn!
Hiện Trung tâm Tin học Bộ GD-ĐT đã tiến hành thống kê kết quả thi của các thí sinh được thưởng điểm của từng tỉnh, thậm chí của từng trường THPT để đánh giá, so sánh và trình lãnh đạo Bộ.
Bộ GD-ĐT nói gì?
Ông Ngô Kim Khôi - Phó vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học cho biết: Quy chế về cộng điểm thưởng cho học sinh thi vào ĐH, CĐ được thực hiện từ năm 1994 với 3 mục tiêu: khuyến khích học sinh phấn đấu để có kết quả học tập cao; đảm bảo tính kế thừa và kết nối giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; tránh việc học tủ, học lệch của học sinh. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã nảy sinh những vấn đề mới cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Thứ nhất, cách ra đề thi đại học hiện bám sát chương trình phổ thông, không đánh đố, không lắt léo. Vì vậy, nếu học sinh thực sự có kết quả học tập giỏi thì đương nhiên sẽ trúng tuyển mà không cần cộng điểm. Thứ hai, nếu bỏ được quy định cộng điểm thưởng sẽ hạn chế những phát sinh tiêu cực, áp lực về bệnh thành tích, áp lực thi cử ở bậc phổ thông. Thứ ba, là cần tạo sự công bằng cho mọi thí sinh trong cuộc cạnh tranh lành mạnh vào ĐH.
Vì vậy, Vụ Đại học và sau đại học đang cân nhắc và đề xuất bỏ quy định cộng điểm thưởng vào ngay kỳ tuyển sinh năm 2006. Việc này sẽ được đưa ra lấy ý kiến các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ và ý kiến của toàn xã hội.
Một điều đáng lo ngại là những năm trước đây từng có ý kiến đề xuất việc bỏ điểm thưởng nhưng rồi lại không thực hiện được do các sở GD-ĐT không muốn. Năm nay, khi con số những thí sinh được thưởng "nhầm" điểm được phơi ra ánh sáng, không hiểu những người lãnh đạo ngành giáo dục còn lưỡng lự hay không ?
Theo Thanh Niên
▪ 100 SV xuất sắc nhận học bổng Toyota (13/10/2005)
▪ Liên Hợp Quốc quan tâm đến đào tạo nhân lực ở VN (13/10/2005)
▪ Hội chứng "im lặng là yên thân" (13/10/2005)
▪ Hơn 4.000 học sinh giỏi có điểm bài thi dưới trung bình (13/10/2005)
▪ "Không phải ai cũng đòi lương cao, chức trọng" (13/10/2005)
▪ Từ điển Longman 'tái ngộ' Việt Nam (12/10/2005)
▪ World Bank hỗ trợ 50 triệu USD cho giáo dục VN (12/10/2005)
▪ Sẽ chọn ngẫu nhiên 10 trường THPT thi thử trắc nghiệm (13/10/2005)
▪ Sóng ở đáy sông (13/10/2005)
▪ Hội đồng Anh mở cửa Trung tâm Thông tin (12/10/2005)