Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khẳng định, sẽ “mạnh tay” với những trường không cam kết đúng điều kiện đào tạo.
Cam kết một đằng, thực hiện một nẻo
Đánh giá của Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng 154 trường ĐH, CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp từ năm 2005 đến nay. Trong số những tiêu chí về thành lập trường, số lượng giảng viên, cơ sở vật chất... nhiều trường chưa đáp ứng đúng. Kết quả giám sát cho thấy, hiện tồn tại mâu thuẫn giữa quy mô phát triển, khối lượng giảng dạy lớn nhưng giảng viên thiếu nghiêm trọng. Đặc biệt một số trường ngoài công lập, đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu.
Về cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng như quy trình, thủ tục mở trường, nhiều cơ sở mặc dù đảm bảo quy trình nhưng không đáp ứng đủ ngành nghề đào tạo. Khi mới mở, các trường cam kết rất nhiều nhưng khi thực hiện lại không đúng về mọi mặt. Phần lớn các trường ĐH, CĐ chỉ đào tạo những ngành liên quan đến kinh tế và ngoại ngữ, ít những ngành nghề liên quan đến giao thông, cơ khí, nông nghiệp...
|
Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất của các trường ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo. Ảnh: Mạnh Dũng. |
Điều này cũng được bà Trần Thị Hà thừa nhận: Các trường này tồn tại không ít hạn chế, không chỉ về giáo viên mà còn về cả cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm. Ở nhiều trường công lập mới được nâng cấp xảy ra tình trạng mất cân đối về đội ngũ giảng viên, những người có trình độ cao, có năng lực chuyên môn kỹ thuật công nghệ còn quá ít. Trong khi đó ở các trường ngoài công lập, giảng viên cơ hữu không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Bộ máy tổ chức quản lý của một số trường ngoài công lập còn quá sơ sài, không có bộ phận thanh tra nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những sai sót, tồn tại trong hoạt động của trường. Chính điều này cộng với việc thiếu thốn giảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo.
Theo đó, một trong những kiến nghị mà bản báo cáo giám sát của Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội đưa ra lần này là phải kiên quyết không cho tăng chỉ tiêu tuyển sinh hoặc tạm dừng tuyển sinh với một số trường chưa đảm bảo điều kiện. Bộ GD&ĐT cũng nên có quy định cụ thể về cơ cấu chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy (tỉ lệ tiến sĩ, thạc sĩ...) với từng chuyên ngành bắt buộc.
Tạm dừng tuyển sinh một thời gian
Sau khi Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ công bố đánh giá và nêu một số kiến nghị trên, bà Trần Thị Hà cho biết, những tồn tại trên là có thật và Bộ GD&ĐT đang cố gắng khắc phục.
Về việc một số trường không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí sẽ tạm dừng tuyển sinh nếu không đủ điều kiện, theo bà Hà, đó cũng là phương án được đưa ra hồi đầu năm học này. Quan điểm phía Bộ kiên quyết chấm dứt tình trạng chạy theo kinh tế trước mắt, coi nhẹ đầu tư khiến chất lượng đào tạo giảm sút. Đối với những trường đã được giao chỉ tiêu tuyển sinh, nếu ngành nghề nào chưa đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cần điều chỉnh theo hướng giảm hoặc tạm dừng tuyển sinh để củng cố. Chỉ sau khi đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất thì mới được phép tuyển sinh, đào tạo ngành nghề đó.
Như vậy, có thể trong năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ không cho một số trường tiếp tục tuyển sinh. Nếu không đủ điều kiện, các trường sẽ phải tạm dừng một thời gian để củng cố, còn nếu vẫn tiếp tục không đủ điều kiện thì sẽ xem xét trách nhiệm của các chủ đầu tư. Để thực hiện nghiêm quy định này, theo bà Hà, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải báo cáo quá trình thực hiện cam kết của mình và lộ trình thực hiện những cam kết đó. Từ nay đến hết tháng 11/2008, các trường phải báo cáo về Bộ và sau đó đưa lên mạng để cả xã hội cùng tham gia giám sát.
Công khai kết quả kiểm định 20 trường ĐH “Hiện Việt Nam đang được một tổ chức Hà Lan giúp đỡ kiểm định, đánh giá chất lượng 20 trường ĐH trong nước. Tổ chức này sẽ có trách nhiệm công bố công khai cho chúng ta kết quả kiểm định. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thống kê những điểm yếu, điểm mạnh của các trường này tập trung ở mặt nào, đạt ở mức 1 hay mức 2 do việc đánh giá ngoài (đoàn kiểm định gồm những người ngoài ngành giáo dục) vẫn chưa kết thúc”. Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Sẽ đổi mới quy trình thẩm định và phê duyệt mở ngành đào tạo “Để khắc phục tình trạng các trường báo cáo không đúng thực tế về giảng viên, cơ sở vật chất, chúng tôi sẽ đổi mới quy trình thẩm định và phê duyệt mở ngành đào tạo. Từ nay, hồ sơ xin mở ngành sẽ phải có danh sách giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đúng ngành đã chính thức làm việc và đã được trả lương hàng tháng tại trường. Bộ GD&ĐT cũng sẽ đổi mới cơ chế xem xét, xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm theo hướng ưu tiên cho các trường có đội ngũ giảng viên mạnh, cơ sở vật chất tốt, khuyến khích các trường thực hiện tốt cam kết về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình tài liệu. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của các trường để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, thiếu sót”. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) |
Lương Mỹ