(VietNamNet) - 5/9 sẽ là ngày học sinh cả nước đồng lọat đến trường, tuy nhiên sáng nay một số trường đã tiến hành khai giảng chào đón năm học mới.
Tại trường THCS chuẩn Quốc gia Nguyễn Du (Gò Vấp, TP.HCM) mặc dù trời mưa to nhưng 1.360 học sinh vẫn ngồi dưới mái hiên tránh mưa để làm lễ khai giảng năm học mới.
Nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiệm vụ năm học mới này thầy và trò phải giữ được thành tích năm học 2004-2005: năm thứ 13 tiếp tục thắng lợi toàn diện và xuất sắc được hội đồng thi đua ngành giáo dục quận xếp hạng A1 với kết quả tốt nghiệp THCs 100% trong đó tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi 91,44% cao nhất thành phố, 127/135 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia và quốc tế… và phát huy cao độ hơn nữa danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua” toàn quốc.
Đặc biệt năm nay, nhà trường đặc biệt chú trọng giáo dục học trò kỹ năng sống. Học sinh sẽ được đi học, tham quan dã ngoại nhiều ở những môi trường thiên nhiên và các đơn vị kinh tế thực tế… để “giáo dục học trò là những học trò thực sự với xã hội với cộng đồng”.
Gần 900 học sinh cùng thầy cô của trường THPT Đa Phước (A3/99 QL 50 Xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng tổ chức lễ khai giảng năm học mới đồng thời dự khánh thành trường mới sáng nay.
Đến dự buổi lễ có ông Huỳnh Thành Lập, phó chủ tịch UBNDTP; ông Nguyễn Thành Rum, Trưởng ban Văn hoá Xã hội - HĐND TP; ông Nguyễn Văn Ngai, Phó GĐ Sở GD-ĐT; ông Trương Song Đức, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM. Ngoài ra còn có lãnh đạo các ban ngành huyện Bình Chánh, Xã Đa Phước...
Trường Đa Phước được xây dựng mới hoàn toàn trên diện tích đất 22.000m2. Gồm 36 phòng học, mỗi phòng có diện tích 64m2 và 15 phòng chức năng. Phòng lab, phòng vi tính, phòng giáo viên, phòng truyền thống, hội trường... được thiết kế khá chất lượng và đạt chuẩn. Với sân chơi rộng trên 6.000m2, giúp học sinh có được không gian để vui chơi, giải lao sau giờ học. Trường được khởi công xây dựng cách đây đúng 1 năm.
Có mặt tại trường từ sáng sớm, chúng tôi cũng phải vui lây cùng các em học sinh và thầy cô giáo của trường. Các em học sinh nữ lớp 10, trên ngực áo chưa kịp thêu tên trường, tên lớp xúng xính trong bộ áo dài mới. Em Xuân Đào, lớp 10A7 khen: "Trường đẹp thiệt". Nói về cảm giác trong ngày khai giảng và khánh thành trường, Đào cho biết: "Vui lắm! Thấy mình lớn hẳn lên. Bước qua một cấp học mới, lại được học trường mới nữa. Chưa hôm nào em thấy một lễ khai giảng mà long trọng và có nhiều khách mời thế này!"
![]() |
Niềm vui hân hoan của học trò trường THPT Đa Phước vừa đón năm học mới vừa học trường mới. |
Em Huyền Trang, học lớp 12A7 nói torng niềm háo hức: "Hai năm trước, học ở trường cũ, tụi em rất cực. Trường thấp, mùa nóng chịu không nổi. Đèn chiếu sáng cũng thiếu. Mỗi lần trời mưa, có bạn phải ngồi chỗ ướt. Năm nay, nhìn trường mới thích quá. Cách đây mấy bữa, tụi em đã đến trường để dọn vệ sinh. Bước chân vô trường, thấy ngỡ ngàng luôn. Em lau từng cửa kiếng mà thấy vui vui, vì mình cũng đóng góp một chút công vào trường!"
Cũng như nhiều bạn cùng lớp, Trang bảo: "Tiếc chị nhỉ, chỉ còn được học ở đây có 1 năm. Các em lớp 10 năm nay may mắn thiệt!". Trang cùng các bạn trong lớp chưa đi tham quan hết các phòng của trường, nhưng Trang dự định sau khi họp lớp xong, sẽ cùng các bạn đi đến từng phòng học, phòng chức năng của trường để được sờ vào chiếc máy vi tính mới.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Rum đã gửi đến thầy cô cùng học sinh trường Đa Phước lời chúc mừng và nhắn gởi: "Mong thầy cô trường tiếp tục phát huy những thành tích, tháng lợi trong thời gian vừa qua và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm tới. Mong các em học sinh nỗ lực học tập, rèm luyện nhân cách để góp phần nâng cao nguồn nhân lực mới cho đất nước, thành phố". Và ông Trần Văn Sơn, hiệu trưởng trường đã chia sẻ: "Cả thầy cô cùng học sinh sẽ cố gắng để nâng tầm của trường xứng với các trường ở nội thành, và trước mắt, năm sau sẽ có kết quả tốt nghiệp phổ thông trung học cao hơn năm trước".
Hầu hết các em học sinh trường Đa Phước phải đứng trong hành lang, vừa trú mưa, vừa che gió nhưng vẫn nghiêm trang dự hết buổi lễ khai giảng.
Mặc dù là trường mới nhưng 2 năm nay trường chưa xây dựng mà mượn cơ sở của trường THCS Nguyễn Hồng Đào. Theo thông báo của Huyện Hóc Môn thì năm học 2006-2007 trường mới có trường mới.
Tại TP.HCM hơn 1 triệu học sinh sẽ bước vào vào năm học mới. Ông Huỳnh Công Minh, GĐ Sở GD-ĐT cho biết thành phố đã sẵn sàng cho năm học mới. 1 số trường khai giảng từ hôm nay, còn lại đồng lọat tổ chức ngày 5/9.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa yêu cầu các trường mầm non không tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2005-2006 vì ngành học này có đặc thù riêng: HS quá nhỏ không phù hợp với lễ hội rình rang, náo động và có nhiều người lạ. Các trường chỉ nên tổ chức lễ đón trẻ vào lớp, có cờ hoa nhưng không ồn ào mà tạo không khí nhẹ nhàng và vui tươi.
Những năm học qua, thực tế cho thấy ở nhiều lễ khai giảng, giáo viên được huy động ra tiếp quan khách, phục vụ biểu diễn văn nghệ... trong khi học sinh mầm ngày đầu tiên đến trường thì chỉ có một số ít giáo viên được phân công tiếp đón. Rất nhiều trường bên ngoài phòng học đang đọc diễn văn khai giảng, múa, hát, kèn trống linh đình, còn bên trong phòng học thì học sinh thi nhau khóc.
Ông Nguyễn Văn Rua, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết năm nay tỉnh có 195.000 học sinh bước vào năm học mới (tăng hơn năm ngóai 9.000). Sở chủ trương các trường đồng lọat khai giảng ngày 5/9, không có trường nào khai giảng trưởng. Trong năm học mới này, Sở cũng thực hiện chủ trương cả nước bỏ thi tốt nghiệp THCS nhưng có phương án đánh giá xét tuyển. Tổ chức đánh giá kiểm tra học kỳ 2 bình thường và căn cứ vào kết quả học kỳ
2+ kết quả tòan cấp để xét lớp 10.
Ông Nguyễn Hoàng Nhi, GĐ Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết, năm nay tỉnh có 370.000 học sinh học bước vào năm học mới. Những học sinh nghèo và khó khăn Sở kết hợp với Hội khuyến học đã vận động các nhà tài trợ được 700 triệu đồng trao cho 3.500 suất học sinh có hoàn cảnh khó khăn (từ lớp 1-lớp 12).
Đặc biệt việc đi học trong mùa lũ: Sở GD-ĐT và Hội Khuyến học ký liên tịch thực hiện xã hội hóa bằng cách mua xuồng ghe đưa các em đi học trong mùa lũ, nơi nào ngập nặng từ lộ trình ngòai đường vào trường thì bắc cầu. Nếu lũ lên cao hơn năm 2004, Sở GD-ĐT và Ủy ban sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và có thể cho ngưng họat động trong lúc lũ lên cao (những trường đó Sở có biện pháp chỉ đạo hiệu trưởng các trường có kế hoạch dạy bù để kịp lộ trình.
▪ Viết lại sách giáo khoa vì sai quá nhiều (02/09/2005)
▪ Ban hành chuẩn để "sàng lọc" giáo viên (02/09/2005)
▪ Ngưng mô hình trường "công lập tự hoạch toán" (01/09/2005)
▪ 27 tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục THCS (02/09/2005)
▪ 300 chỉ tiêu liên thông với nước ngoài tại ĐHQG Hà Nội (03/09/2005)
▪ Hà Nội vẫn thi tốt nghiệp THCS (02/09/2005)
▪ Nhọc nhằn "cõng" chữ lên non (03/09/2005)
▪ "Vượt biên"... bàn chuyện đại sự (03/09/2005)
▪ Cả nước có gần 22,5 triệu HSSV tựu trường (03/09/2005)
▪ Học bổng ngành Nhật Bản học tại ĐH MacQuarie, Úc (31/08/2005)