Nhọc nhằn "cõng" chữ lên non
Các Website khác - 03/09/2005

Vượt qua trăm nghìn khó khăn và thiếu thốn của cuộc sống hàng ngày, hành trình cõng chữ lên vùng cao Quế Phong, Nghệ An của những thầy, cô giáo nơi đây thật nhọc nhằn.

Soạn: AM 536646 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhiều giáo viên vẫn nỗ lực đem chữ về bản

Từ phố lên rừng

Cách trung tâm thành phố Vinh 200 cây số, bản làng vùng núi Quế Phong (Nghệ An) ngày đêm đìu hiu, yên ắng, thưa thớt người qua lại.

Nơi âm u này cư dân nghèo, thưa thớt, học trò không thể nhóm lại như ở miền xuôi mà dạy học một lúc, giáo viên từ miền xuôi lên dạy học phải ở trọ trong những căn phòng kí túc xá tranh tre, nứa lá.

Đêm đến, ngọn đèn dầu leo lét, tiếng người thì ít, tiếng thú rừng thì nhiều… có khi nghe rợn cả tóc gáy! Giáo viên nữ còn phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm và niềm khát khao hạnh phúc gia đình đến nhường nào…

Cô Nguyễn Thị H. người thành phố Vinh tâm sự: “Không biết đến bao giờ bọn tôi mới hết cảnh đèn dầu, còn chuyện chồng con thì… đã đành phận rồi, xếp vào đội tuyển quá lứa rồi”.

Tuy nụ cười vẫn cứ tươi trên môi các cô giáo nhưng ai cũng biết trong lòng họ còn chứa đựng bao nỗi lo âu. Thầy giáo Nguyễn Văn Ngũ, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quế Phong, cũng là một giáo viên từ thành phố Vinh lên đây làm công tác giáo dục gần 20 năm trời mà chưa được chuyển về xuôi. Dù là trưởng phòng nhưng thầy Ngũ cũng chung cảnh ngộ “một chốn bốn quê” như bao giáo viên khác ở vùng núi này.

Khó khăn còn đeo đuổi…

Soạn: AM 536658 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Học sinh vùng cao lúc nào cũng khát chữ

Mới rồi, nơi đây khởi công mở một con đường từ thị trấn Kim Sơn đi lên cửa khẩu Tri Lễ, sau khi hoàn thành thì việc đi lại mới dễ dàng hơn. Hiện nay có những giáo viên đi dạy chữ đi từ cơ sở chính đến cơ sở phụ của trường phải mất cả ngày đường. Có nơi, một người phải dạy từ 2 đến 4 cơ sở như Đồng Văn, Quang Phong, Tri Lễ…

Từ Tri Lễ muốn về thị trấn Kim Sơn, nếu ai không có phương tiện thì phải bắt xe ôm, mỗi chuyến 180.000 đồng, cả lên và về mất gần tháng lương. Đó là chưa kể mùa mưa lũ, muốn đi ngược hay về xuôi, phải cuốc bộ trên 30 cây số đường rừng mới ra tới trung tâm huyện.

Điều mà thầy Ngũ trăn trở là hiện nay còn tồn tại một đội ngũ giáo viên cũ quá đông. Trong đó, hầu hết chỉ mới học hết lớp 10, 12 rồi được cử đi học cấp tốc mấy tháng hoặc 1 năm rồi về đứng lớp, trình độ nghiệp vụ cần bổ cập thêm.

Thời gian qua, huyện có chuẩn hóa một số giáo viên nhưng số giáo viên cũ tồn lại quá đông, các vị trí trung tâm đều do con số này định đoạt nên số người đi vào vùng sâu, vùng xa đã hết thời hạn có muốn chuyển ra cũng không biết bố trí vào đâu.

Điều này đã gây tâm lý chán chường cho một số người vì phải sống trong vùng sâu, vùng xa quá lâu. Đây cũng là vấn đề nan giải không riêng gì huyện Quế Phong mà hầu khắp các vùng núi thuộc tỉnh Nghệ An.

Khó khăn là vậy nhưng đến nay ở vùng biên cương này đã xây dựng được gần 20 trường mầm non với số lượng trên 150 cháu; tiểu học 28 trường, trên 100 học sinh; trung học cơ sở 10 trường với gần 600 học sinh; trung học phổ thông 1 trường với 1500 học sinh.

Ngoài ra, huyện còn mở thêm một số lớp xóa mù chữ cho đồng bào nơi đây. Vào dịp hè này, một số giáo viên kết hợp với đội ngũ thanh niên, sinh viên tình nguyện và bộ đội biên phòng còn về đây dạy học xóa mù.

Được biết, năm nào đồng bào cũng theo học rất đông, vì đội quân tình nguyện vào tận từng bản làng dạy chữ cho mọi người. Có gia đình cả nhà đều thắp đèn dầu đến lớp để học cái chữ.

Nơi đây năm nào cũng có giáo viên, học sinh đạt giỏi cấp tỉnh. Có được như vậy, nhiều giáo viên đã phải đổ không biết bao sức lực và sự cống hiến, hy sinh lớn lao của họ thật đáng khâm phục. 

(Theo Tiền phong)