Chủ trương bỏ thi cao đẳng năm 2009: Hẹp cửa thi, thêm cơ hội xét tuyển
Các Website khác - 29/11/2008
 
 Dự kiến đến năm 2009, tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển, mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi đại học (ĐH) của thí sinh theo đề thi chung của Bộ và có cùng khối thi.

Ngày 27/11, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các trường cao đẳng (CĐ) yêu cầu đóng góp ý kiến việc thực hiện chủ trương năm 2009 tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển, mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi đại học (ĐH) của thí sinh theo đề thi chung của Bộ, có cùng khối thi. Các trường phải gửi ý kiến về Bộ GD&ĐT trước ngày 5/12.

Bỏ thi vì không hiệu quả

Theo ông Khôi, việc không tổ chức thi CĐ nhằm giảm thiểu 3 vấn đề: Giảm tỉ lệ thí sinh “ảo”, giảm chi phí cho gia đình phụ huynh học sinh và giúp phân luồng rõ ràng ngay từ đầu trong hướng nghiệp.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2008 đã có gần 100 trường CĐ không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển kết quả thi ĐH-CĐ theo đề thi chung của Bộ. Việc tổ chức thi CĐ trong mấy năm gần đây không mấy hiệu quả. Số lượng thí sinh (TS) “ảo” khi đăng ký dự thi CĐ rất lớn, trong khi lượng dự thi ít, do nhiều em đã đỗ ĐH khiến nhiều trường khó khăn trong xét tuyển. Nếu ngay từ đầu, TS nào thấy sức học không đủ, sẽ phải xét vào trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề, điều đó vừa giúp phân luồng đào tạo vừa giúp giảm chi phí thi cử.
 
Các trường Cao đẳng có thể sẽ không tổ chức thi tuyển sinh bắt đầu từ năm 2009. Ảnh: Chí Cường
 
Như vậy, theo chủ trương này, kì thi tuyển sinh năm 2009 sẽ chỉ còn hai đợt thi: đợt 1 vào ngày 4 - 5/7, thi khối A, V; đợt 2 vào ngày 9 -10/7 thi khối B, C, D và các khối năng khiếu.
 
Tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh, mà chỉ xét tuyển. Riêng các trường CĐ thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật và các trường CĐ có đào tạo năng khiếu nghệ thuật, được sử dụng kết quả thi ĐH cùng khối thi để xét tuyển (các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT và các môn năng khiếu, nghệ thuật theo đề thi riêng của các trường ĐH) hoặc chỉ sử dụng kết quả thi ĐH các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT và chỉ thi tuyển các môn năng khiếu.

Rộng cửa xét tuyển

Về vấn đề quyền lợi của thí sinh, ông Khôi cho rằng sẽ rất thuận lợi cho các em. Hiện, các địa phương đều đã có trường ĐH. Theo tinh thần “3 chung”, TS chỉ cần dự thi ở trường ĐH địa phương mà không phải đi đến thành phố.

Theo ông Lê Duy Phát, hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam, bỏ thi CĐ đồng nghĩa với việc bắt buộc thí sinh phải thi ĐH. Năm 2009, nếu tham dự cả hai đợt thi mà không trúng tuyển nguyện vọng 1, TS sẽ được cấp mỗi đợt 2 giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển đợt 2, 3 vào các trường ĐH - CĐ.

Nếu tham dự một đợt thi mà không trúng tuyển, TS chỉ còn 2 cơ hội xét tuyển đợt 2, 3 vào các trường ĐH, CĐ khác. Như vậy, bỏ thi CĐ, TS sẽ chỉ còn 6 cơ hội lựa chọn thay vì thêm 2 cơ hội vào CĐ như năm 2008. Tuy nhiên, bỏ thi CĐ lại mở rộng cơ hội xét tuyển cho TS vì tất cả các trường CĐ đều tổ chức xét tuyển.

Về phía các trường, bỏ kì thi CĐ cũng có những mặt hạn chế. Theo ông Phát, việc xét tuyển của trường CĐ thường phải phụ thuộc vào thời gian công bố kết quả của các trường ĐH. Vì thế, nhiều trường khó chủ động được kế hoạch tuyển sinh. Ông Phát kiến nghị, nên chăng Bộ GD&ĐT cần “đẩy” thời gian xét tuyển CĐ lên sớm hơn để các trường không bị muộn tiến độ.
 
Điều này cũng được ông Nguyễn Việt Bắc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, đồng tình. Theo ông Bắc, bỏ thi CĐ cần phải có những cách thức hợp lý trong tuyển sinh để tránh thiệt thòi cho TS.

Hạnh Nguyên
Theo Giadinh.net