Ngày đi làm quần quật, tối đến ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX), những thanh niên xa quê lập thân đang cố học để thực hiện mơ ước đổi đời. Để tìm được một lối vào giảng đường đại học đối với những thanh niên đang cố tìm tương lai mới của mình trong các phân xưởng, quả là gập ghềnh khi họ phải vừa học vừa kiếm tiền để “nuôi sự học” của mình.
Học hết lớp 9, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, cậu nông dân Vũ Ngọc Thanh (Nam Định) đã quyết… nghỉ học để kiếm sống, phụ giúp gia đình. Vượt cả ngàn cây số, Thanh vào Sài Gòn, vùng đất mà biết bao thanh niên quê như cậu đã tìm được lối thoát cho cảnh nghèo khó. May mắn cho Thanh là được ở nhờ nhà người bác. Lê Văn Vũ (Đồng Nai) được cha mẹ nuôi ăn học nhưng do ham chơi, nên khi các bạn đi thi tú tài, Vũ mới học hết lớp 9. Mặc cảm, cậu bỏ học lên Sài Gòn đi làm. Để kiếm sống, Vũ không từ việc gì: làm thợ hàn sắt, làm inox rồi cậu làm nhân viên tạp vụ của Trường Mầm non Thanh Lịch (Long Bình, Q9). Đến bây giờ, vừa đi làm nuôi sống mình vừa đi học thêm, Vũ mới thấm thía những lời dạy dỗ của mẹ cha ngày xưa, khi cậu ham chơi, biếng học. Vũ quyết tâm đi học lại, dù cậu biết là rất khó khăn. “Đi làm thuê mãi không thể thay đổi được cuộc sống, vì tương lai gia đình mình sau này chỉ còn cách đi học” - Vũ nói thế khi đi đăng ký học lớp 10 của TT GDTX quận 9.
Trở về nhà sau một ngày lao động cật lực, đôi tay như muốn rã ra vì phải xách hàng trăm sô xi măng hay đánh đu trên cao để quét vôi, toàn thân người ê ẩm và Thanh chỉ muốn ngủ một giấc cho lại sức. Nhưng Vũ Ngọc Thanh (năm nay đã học đến lớp 12 C1) vẫn cố thắng chính mình. Cậu vội vàng tắm rửa, lót dạ bằng tô mì gói rồi đạp xe thẳng đến TT GDTX Q9 cho kịp giờ học. Còn bạn Lê Văn Vũ thì lúc nào trong cặp đi làm cũng thủ sẵn cuốn tập và vài cuốn sách giáo khoa. Những lúc rảnh việc cậu lại đem tập ra làm bài. Hết giờ làm, Vũ đạp xe đi hơn 5km đến trường. Cậu chấm dứt một ngày vừa làm vừa học lúc 22 giờ. Hồ Như Phát và Huỳnh Văn Tam, cả hai là CN Công ty GMC (Bình Lợi - Bình Thạnh) với mức lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, nếu nhận tăng ca thì được gần 2 triệu đồng/tháng nhưng như thế, họ không còn giờ đi học. Và họ chấp nhận khó khăn hôm nay và quyết tâm học để sau này không phải cắm đầu làm như cái máy mới đủ ăn. Hồng Thị Thoa (21 tuổi, quê Hải Dương) – công nhân giày da (KCX Linh Trung – Thủ Đức) đang là học viên của TT GDTX Thủ Đức (lớp 11 C2) thường xuyên phải mượn vở bạn chép lại vì cô luôn đến lớp trễ 10 phút. 17 giờ 30 mới tan ca, Thoa mặc đồng phục chạy trối chết đến lớp vẫn trễ giờ vì chuyện kẹt xe ở cầu vượt Linh Xuân (Thủ Đức) là chuyện thường xuyên. Khó khăn là thế, nhưng cô gái quê Hải Dương hiểu rằng, chỉ có việc học mới giúp cô hoàn thành được ước nguyện của gia đình cô là có cái bằng phổ thông và hơn hết thoát cái cảnh phải làm quần quật, tăng ca liên tục cũng không đủ tiền trang trải cho cuộc sống. Trần Nhì Múi (lớp 11C, TT GDTX Thủ Đức) hoàn cảnh tốt hơn nhiều bạn khác. Là người Hoa nên bạn được nhận vào làm thông dịch tiếng Hoa cho Công ty Hương Khang (KCN Sóng Thần, Bình Dương) với số lương kha khá. Đến với lớp học đêm này, Múi không chỉ cố gắng học hết phổ thông mà cô gái người Hoa nhỏ nhắn còn quyết tâm sẽ trở thành cô sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh hằng mơ ước. Múi học rất giỏi, được nhận học bổng của trường hai năm học liền và hiện cô đang là ủy viên BCH Đoàn trường. Thầy Lê Quang Vui, Phó giám đốc TT GDTX quận 9, đã rất vui khi nói về những học sinh đặc biệt của mình - Những công nhân quyết tâm vượt qua vất vả để học đến tốt nghiệp THPT đã là những người có ý chí mạnh mẽ, nhất là những học sinh bỏ học kiếm sống lâu năm. Họ học chăm chỉ, thái độ nghiêm túc và nhiều em có thành tích tốt. Thầy Vui còn kể chúng tôi nghe nhiều thầy cô trong trường cũng rất quý các học viên công nhân của mình. Các học sinh yếu, kém hoặc thiếu tiết được thầy cô phụ đạo miễn phí vào ngày chủ nhật. Trong lớp học sáng đèn ở các TT GDTX, những công nhân nghèo đang cố đi tìm tương lai mới cho mình trên những trang sách và chúng tôi tin họ sẽ thay đổi cuộc đời họ bằng những tri thức đã thu nhận sau những ngày vất vả mưu sinh… Thái Khuê |
▪ Thương cho roi cho vọt? (29/11/2008)
▪ Chủ trương bỏ thi cao đẳng năm 2009: Hẹp cửa thi, thêm cơ hội xét tuyển (29/11/2008)
▪ Giáo dục ngoài công lập giải quyết 3 vấn đề: Để khai thông nguồn lực đầu tư (29/11/2008)
▪ Thầy giáo thiếu thực tế, sinh viên ra trường lớ ngớ! (28/11/2008)
▪ Dạy trẻ kiểu bạt tai, nhéo bụng, văng tục (28/11/2008)
▪ Bộ chỉ đạo mâu thuẫn, giáo viên lúng túng (28/11/2008)
▪ Thầy Đỗ Việt Khoa “khẩu chiến” với lãnh đạo trường Vân Tảo (28/11/2008)
▪ Đến trường để được… ăn (27/11/2008)
▪ "N" cách trị...bệnh lười học (27/11/2008)
▪ Xót con thì phải "phong bì" cho cô giáo? (27/11/2008)