Rất nhiều chuyên gia giáo dục và kinh tế nhận định: đào tạo đại học (ĐH) ở Việt Nam nói thừa cũng được mà thiếu cũng chẳng sai. Thật vậy, nếu dựa trên thống kê về chỉ số sinh viên (SV) trên một vạn dân thì Việt Nam thuộc loại không cao trong khu vực, thậm chí chưa đủ để chúng ta cất cánh thành rồng như Hàn Quốc, Singapore, lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc).
Hiện chúng ta chỉ có hơn 15% thanh niên trong độ tuổi (từ 18 đến 22) đang học tại các trường ĐH-CĐ, đạt chỉ số SV trên một vạn dân là 188. Để làm nền tảng và chuyển đổi sang nền kinh tế công nghiệp thực sự và kinh tế tri thức, cần có ít nhất 15%, trung bình khoảng 25%-30% và cao hơn là 50% thanh niên trong độ tuổi học ĐH. Chính vì vậy, một cách tổng quát, cụm từ “xã hội hóa giáo dục” dùng để chỉ chung việc huy động những nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục không đến từ nguồn ngân sách nhà nước. Và cũng chính vì vậy, dù còn nhiều ý kiến chưa đồng tình với khái niệm kinh doanh trong giáo dục, nhưng nhiều thuật ngữ mang “hơi hướng” kinh tế như thị trường giáo dục, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục, xuất khẩu giáo dục… ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng do chỉ mới phát triển trong những năm gần đây nên ở một số trường ĐH NCL còn nhiều bất cập trong vận hành, và đáng tiếc là hầu hết các bất cập đó đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề quản lý tài chính của trường và các sai phạm trong quản lý đào tạo. Các bất cập này thể hiện qua xung đột về quan điểm điều hành và quản lý chi thu tài chính giữa hội đồng quản trị và ban giám hiệu, thậm chí giữa các thành viên hội đồng quản trị với nhau.
Theo chúng tôi, có 3 vấn đề cần giải quyết để khai thông nguồn lực đầu tư một cách toàn diện: 1) Việc thành lập lúc đầu và hoạt động tiếp theo của một trường ĐH, CĐ NCL cần phải mang tính chất dài hơi theo từng chiến lược trung hạn và dài hạn. So với một doanh nghiệp làm ăn lỗ lã phải phá sản thì việc đóng cửa một trường ĐH, CĐ có tác động xấu và rộng lớn hơn nhiều, vì sản phẩm của nhà trường là con người. Như vậy việc thành lập và hoạt động của một trường ĐH NCL cần các nhà đầu tư có tiềm năng và những nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm. 2) Quá trình hoạt động của nhà trường phải công khai và minh bạch trong tài chính. Đây là điều mà các trường ĐH phải học tập ở các doanh nghiệp. Hàng năm các doanh nghiệp đều có báo cáo thường niên, trong đó phần chi thu tài chính được trình bày rất rõ để thấy được tính đúng đắn và hiệu quả việc sử dụng tài chính của đơn vị, từ đó cũng hạn chế được sai phạm, tiêu cực, dù là vô tình hay cố ý. Đây cũng chính là điều kiện giúp nhà đầu tư và nhà quản lý hiểu và tin được nhau, nói trắng ra là kiểm soát được nhau khi cùng hoạt động. 3) Bộ GD-ĐT trong cương vị quản lý vĩ mô cần tập trung nhiều hơn cho khâu thẩm định năng lực đầu tư khi chuẩn bị thành lập trường và khâu đánh giá – kiểm định khi trường đi vào hoạt động. Việc đánh giá – kiểm định cần dựa theo các tiêu chuẩn thống nhất từ đầu vào tuyển sinh cho đến đầu ra tốt nghiệp. Giải quyết được các vấn đề trên, thiết nghĩ sẽ giảm bớt được những lo lắng cho một sự bùng nổ “ảo” của thị trường giáo dục khi doanh nghiệp và tư nhân “ồ ạt” tham gia đầu tư thành lập trường như hiện nay; mà ngược lại, chúng ta hy vọng sẽ huy động được nguồn lực xã hội để đạt được mục tiêu 600 trường (225 trường ĐH và 375 trường CĐ) vào năm 2020 với 4,5 triệu SV. PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa |
▪ Thương cho roi cho vọt? (29/11/2008)
▪ Chủ trương bỏ thi cao đẳng năm 2009: Hẹp cửa thi, thêm cơ hội xét tuyển (29/11/2008)
▪ “Nuôi chữ” đổi đời (29/11/2008)
▪ Thầy giáo thiếu thực tế, sinh viên ra trường lớ ngớ! (28/11/2008)
▪ Dạy trẻ kiểu bạt tai, nhéo bụng, văng tục (28/11/2008)
▪ Bộ chỉ đạo mâu thuẫn, giáo viên lúng túng (28/11/2008)
▪ Thầy Đỗ Việt Khoa “khẩu chiến” với lãnh đạo trường Vân Tảo (28/11/2008)
▪ Đến trường để được… ăn (27/11/2008)
▪ "N" cách trị...bệnh lười học (27/11/2008)
▪ Xót con thì phải "phong bì" cho cô giáo? (27/11/2008)