SV Trường ĐH dân lập Hồng Bàng (TP.HCM) đóng học phí đầu năm học |
Theo lý giải của đại diện Bộ GD-ĐT: việc tăng học phí, đặc biệt ở bậc học ĐH sẽ giúp tăng chất lượng đào tạo thông qua nâng cao chi phí đào tạo, giảm gánh nặng tài chính cho các trường ĐH.
Vậy thực tế, có phải các trường đang đối mặt với những khó khăn về tài chính một khi muốn nâng cao chất lượng đào tạo hay không, và quan điểm của các trường ĐH về việc điều chỉnh mức học phí như thế nào.
Tại một phòng học đa năng của Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, toàn bộ trang bị máy móc trong phòng đều do một tổ chức quốc tế tài trợ. Ở trường có hàng chục phòng như thế này, tất cả đều trông vào nguồn tài trợ riêng do ĐH Ngoại ngữ tự vận động. Nếu chỉ trông chờ vào học phí và nguồn ngân sách Nhà nước thì sẽ không thể có những phòng học này.
Năm học trước, tổng số học phí nhà trường thu được là 7 tỉ 150 triệu đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo cho trường xấp xỉ 10 tỉ đồng. Trong khi đó, toàn bộ chi phí đào tạo của ĐH Ngoại ngữ năm ngoái lên tới 40 tỉ đồng. Chi phí này bao gồm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chi trả lương cho giáo viên, các hoạt động chuyên môn, hoạt động của các tổ chức đoàn thể và một số khoản khác. Như vậy, tổng số thu, nếu chỉ tính bằng học phí và ngân sách nhà nước, thì hụt so với mức chi tới 23 tỉ đồng.
Ông Đỗ Duy Truyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội phát biểu: "Quyết định số 70 của Chính phủ ban hành năm 1998 đến nay không phản ánh đúng thực tế ở các trường nữa. Mức học phí hiện nay rất thấp, cao nhất mới chỉ là 180.000, trong khi nhu cầu đào tạo một SV thì 180.000 là không thể đủ được".
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, trung bình mỗi năm một SV theo học ngành Khoa học cơ bản phải đóng 1,3 triệu đồng tiền học phí. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 3,8 triệu đồng. Tổng cộng là 5,1 triệu đồng. Nhưng mức đào tạo chuẩn cho một em SV phải đạt 17,5 triệu đồng/năm mới đủ. Như vậy, nguồn kinh phí thiếu hụt so với định mức chuẩn hiện nay lên tới hơn 12 triệu đồng/SV.
GS-TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội phát biểu: "Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài lớp học chung thì cần phải có nhiều lớp học nhỏ. Nhưng thiếu kinh phí nên chúng tôi không chia nhỏ lớp được, cũng không thể bổ sung thêm thiết bị, phòng học đa năng hay trang bị thêm Internet".
Các trường ĐH hiện nay để đảm bảo đủ nguồn thu đang phải tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ giáo dục, như tham gia các hợp đồng, dự án liên kết đào tạo và hợp tác đào tạo quốc tế. Tất nhiên là ở những trường có ưu thế về hợp tác quốc tế như ĐH Ngoại ngữ, ĐH Ngoại thương, khả năng tạo nguồn thu từ những hoạt động như thế này lớn hơn nhiều so với nhiều trường ĐH khác.
Chính vì vậy, theo các trường, tăng học phí sẽ là một biện pháp tích cực giúp nhà trường phần nào giải bài toán thu - chi. Tuy nhiên, tăng như thế nào, ở mức nào thì lại cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng.
Ông Đỗ Duy Truyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội phát biểu: "Việc nới rộng khung học phí là cần thiết. Quan trọng là cần giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Ví dụ như ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, nếu nhà nước nới khung học phí ra từ 50.000 - 900.000 đồng, thì chúng tôi cũng không bao giờ dám thu đến 600.000 - 700.000 đồng. Nếu tăng nhiều thì chính chúng tôi sẽ không có học sinh.
Tuy nhiên, ông Truyền cũng cho rằng, nâng học phí chỉ là góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho các trường chứ không phải là biện pháp quyết định việc nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi chất lượng đào tạo có được cải thiện hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, và cần có sự điều chỉnh từ nhiều phía.
Theo VTV
▪ Trao học bổng cho các đại học xuất sắc châu Á (14/11/2005)
▪ Mua sách tiếng Anh giảm giá (14/11/2005)
▪ Đã chi lương giáo viên hết 85% kinh phí giáo dục? (14/11/2005)
▪ Ưu đãi diện nhập di cư có tay nghề (12/11/2005)
▪ Tranh cãi về phân quyền trong GD (12/11/2005)
▪ Học trò đông thì giáo viên... buồn (13/11/2005)
▪ "Chấm điểm" thầy: Dân lập hăng hái, công lập thờ ơ... (14/11/2005)
▪ Luật Giáo dục 2005: Các khoản đóng góp được gộp chung (14/11/2005)
▪ Tuyên dương học sinh đoạt giải các kỳ Olympic quốc tế (11/11/2005)
▪ "Làm quen với trắc nghiệm" để nhận nhiều giải thưởng hấp dẫn (12/11/2005)