Để sinh viên đi bằng chính đôi chân mình
Các Website khác - 16/02/2009

 Bốn sinh viên theo học ở Hà Nội, Huế, TP.HCM đều muốn sống tự lập càng sớm càng tốt để có thể thực hiện ước mơ của mình. Trên con đường đi tới tự lập, họ muốn hoạt động của Hội SV mới hơn, thiết thực hơn nữa.

SV Nguyễn Văn Trường (phải): Hãy giúp SV tự đi bằng chính đôi chân mình - Ảnh: N.Nam

* NGUYỄN TẤN VỸ (SV năm 3 ngành quản trị kinh doanh - Khoa kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM):

.
Tự hoàn thiện bản thân

Gần đây Hội SV Khoa kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình tiếp xúc, thảo luận, chuyên đề kinh tế với các doanh nghiệp để tìm học bổng, chỗ thực tập và việc làm sau tốt nghiệp cho SV. Đó thật sự là những gì SV đang rất cần.


Ảnh: M.Đ

Hiện nay, SV VN mới ra trường ngoài việc cạnh tranh với nhau để có được công việc tốt còn chịu áp lực cạnh tranh từ nguồn lao động nước ngoài nhập vào. Có tình trạng này một phần vì đa số SV chúng ta ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân sự của các doanh nghiệp, một phần vì thế giới bây giờ đã “phẳng” hơn nên đã diễn ra sự trao đổi lao động giữa các quốc gia.

Vấn đề bây giờ là tôi cũng như các bạn SV phải tích cực trang bị cho mình những nhân tố cần thiết như ngoại ngữ, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn... để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng sau khi ra trường. Bởi không có nhà trường nào dạy tất cả cho bạn, mà bạn phải tự mình hoàn thiện bản thân từ những thứ cơ bản học được ở giảng đường.

Mục tiêu của tôi bây giờ là học thật tốt để sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm ngay. Hằng ngày, tôi dành 5-7 giờ để học tiếng Anh. Tôi còn tìm đọc sách viết về những nhân vật thành công để học hỏi con đường lập nghiệp của họ.

Sau khi có việc làm ổn định, từ những kinh nghiệm tích góp được tôi sẽ tiến đến thực hiện hoài bão của mình là làm chủ một doanh nghiệp, từ đó phát triển sự nghiệp của mình. Tôi nghĩ SV chúng ta cần phải có đủ tự tin để đi hết con đường mình đã chọn. Và mọi thứ bắt đầu từ ngay việc học hôm nay...

* NGUYỄN THANH TÙNG (thủ khoa đầu vào ĐH Ngoại thương Hà Nội):

Sang năm sẽ đi làm thêm

Tôi tin không chỉ mình tôi mà rất nhiều anh chị, bạn bè khác đang quan tâm đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với quá nhiều hệ lụy đang diễn ra cụ thể và hiển hiện trước mắt.


Ảnh: Đ.T.

Chuyện mất việc làm, thất nghiệp... đâu chỉ có ở bên Tây, quanh chỗ trọ của tôi diễn ra nhiều lắm. Cũng không xa xôi gì, dù ngoại thương là ngành hấp dẫn nhưng rất nhiều anh chị ra trường mòn mỏi tìm việc, điều đó khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều...

Tôi tin là nếu hỏi những SV năm thứ nhất như tôi điều gì làm họ đau lòng nhất trong bối cảnh đất nước đang cố gắng thoát khỏi những khó khăn của chính mình thì câu trả lời nhận được sẽ là tệ nạn tham nhũng.

Vẫn chỉ là giáo điều khi nói yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội thì phải học thật giỏi. Nhưng nói dễ mà làm lại không dễ như nói. Với riêng mình, tôi dành trọn năm thứ nhất cho việc làm quen với phương thức học của bậc ĐH, tìm hiểu về Hà Nội, học những bài học đơn giản nhưng giàu có về khả năng ứng xử. Năm sau, tôi sẽ tìm một việc làm thêm đỡ gánh nặng cho mẹ và trải nghiệm những kinh nghiệm thực tế.

* NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG (SV năm cuối ĐH Hồng Bàng, TP.HCM):

Làm hoài mấy thứ, chán lắm!

Tôi nghĩ nhiều bạn SV bây giờ đang mang trong mình mối trăn trở vì sao đất nước vẫn còn nghèo, vì sao nhiều người dân vẫn còn sống vất vả. Phải làm sao đây để xã hội VN phát triển nhanh hơn nữa, để cuộc sống tốt đẹp hơn?


SV Nguyễn Thị Liên Hương: Vì sao nhiều người dân vẫn còn sống vất vả? - Ảnh: V.T.B.

Trong những hoài bão chung đó, mỗi người đều đang cố gắng vun đắp những ước mơ cho riêng mình. SV hiện nay nói chung đều mong mỏi có được việc làm tốt, phù hợp khả năng, có cơ hội tiến thân...

Điều tôi mong mỏi là Hội SV VN sẽ đề ra những chương trình hành động mới hơn, thiết thực hơn. Có nhiều trường quanh đi quẩn lại chỉ có mấy thứ cứ làm hoài. Dễ chán lắm.

Theo tôi, Hội SV mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% mong muốn của SV. Vì những hoạt động vẫn chưa mang tính ứng dụng cao, còn nặng lý thuyết hay phong trào. Các hoạt động vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc, chưa thu hút được nhiều SV tham gia vì chưa hấp dẫn, thiết thực.

Những chương trình hành động của Hội đã có tiêu chí là theo sát đời sống học - làm - tình nguyện của SV. Đó là ba mảng mà SV hiện nay quan tâm và cần sự hỗ trợ nhiều nhất của Hội. Điều quan trọng là cần có những hoạt động mang tính thực tế hơn với đa tầng SV.

Tôi thấy nhiều bạn SV nhà nghèo, không biết làm thêm gì để kiếm tiền, mỗi lần cầm biên lai đóng học phí lại muốn khóc! Nếu thật sự gắn bó với đời sống cụ thể của từng SV trong lớp, trong trường, Hội sẽ thấy có những việc mình nên làm ngay và hoạt động Hội sẽ trở nên thiết thực hơn.

* NGUYỄN VĂN TRƯỜNG (K30 ĐH Khoa học Huế):

Nhận ra còn nhiều vùng nghèo khổ

Tôi đã hai lần lãnh đạo nhóm SV xã hội học tham gia tình nguyện hè, tới tận những bản làng dân tộc vùng núi Dakrong ở biên giới Việt - Lào. Những chuyến đi giúp mình nhận ra đất nước còn nhiều vùng nghèo khổ, thanh niên không biết chữ, trẻ em mùa rét còn phải ở trần. Những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với thanh niên Vân Kiều, Pakô giúp mình trưởng thành và hiểu thêm về tâm tư nguyện vọng của thanh niên đồng bào dân tộc. Là thanh niên, không phân biệt dân tộc, học vấn đều mong mỏi đất nước giàu mạnh, cuộc sống quê hương đổi thay.


SV Nguyễn Văn Trường - Ảnh: L.Q.M.

Khi tham gia hoạt động phong trào, SV vừa rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, vừa có thể độc lập thao tác, giúp phá vỡ sức ỳ, thụ động và tâm lý ngại phản biện của SV. Những điều này giúp ích rất nhiều khi các bạn ra trường, vào cơ quan công tác. Sự hòa nhập nhanh chóng, thích ứng với các điều kiện và tinh thần SV tình nguyện luôn sẵn sàng xông pha, dám nghĩ dám làm, những yếu tố được tôi luyện trong các hoạt động Đoàn, Hội đóng vai trò quan trọng giúp SV tự đi bằng chính đôi chân mình khi rời ghế nhà trường, lăn lộn vào cuộc sống.

Hội không phải là ngân hàng

Tôi đã viết đơn xin vào Hội nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa được làm hội viên. Tôi ý thức được rằng Hội không phải là ngân hàng (để chúng tôi vay tiền), không phải là Bộ GD-ĐT (để chúng tôi kiến nghị thay đổi chương trình chất lượng hơn), không phải là công an (để bảo vệ an ninh trật tự cho chỗ chúng tôi sống), không phải là ông địa ốc (để cấp đất cho chúng tôi làm sân bóng, sàn nhảy)...

Tuy nhiên, Hội cũng vẫn phải thở những hơi thở đó, làm cầu nối để chúng tôi tin vào, sống tốt, sống đẹp...

NGUYỄN THANH TÙNG

V.T.B. - ĐÌNH THẮNG - NGUYỄN NAM - LÊ QUANG MINH ghi

---------------------------------------

Thường trực chính phủ và các bộ, ngành đối thoại với đại biểu sinh viên:

Cùng chia sẻ trách nhiệm với đất nước

* Thay đổi, làm mới để khẳng định mình (trang 10&11)

Mở đầu buổi đối thoại với đại biểu Đại hội VIII Hội SV VN tối 15-2, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng trao đổi tất cả những vấn đề gì các anh chị quan tâm bởi chúng tôi cũng từng là SV. Chúng ta ngồi đây đối thoại cùng với nhau để cùng chia sẻ niềm tự hào của 4.000 năm văn hiến, chia sẻ trách nhiệm với đất nước và chia sẻ sáng kiến, chia sẻ sự sáng tạo...”.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chúng tôi sẽ trả lời hết. Câu hỏi gì cũng có thể trả lời được hết”.


Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói Bộ GD - ĐT sẽ bàn cơ chế để tạo thuận lợi cho sinh viên nghiên cứu khoa học - Ảnh: CÙ ZAP

Dường như ông muốn nhắn nhủ với những người trẻ rằng câu trả lời của cuộc sống luôn mở nếu có ý chí và hoài bão.

Thông điệp đó bàng bạc trong từng câu trả lời của ông. Bên cạnh những giải pháp vĩ mô từ phía Chính phủ và cả hệ thống chính trị, ông luôn đòi hỏi SV cùng tham gia trong hệ thống giải pháp.

Khéo léo, linh hoạt

Với câu hỏi của SV Dương Xuân Trà My (Trường cao đẳng Sư phạm trung ương) sắp tốt nghiệp về việc làm sao để có thể tìm được việc làm đúng chuyên môn sau khi ra trường, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hỏi ngược lại: “Câu hỏi ấy phải được đặt ra ở thời điểm nào? Người học tự trả lời câu hỏi đó lúc nào?”. Ông nói dù chưa có một điều tra xã hội học nhưng ông tin có đến vài chục phần trăm SV không trả lời được câu hỏi này, hay nói cách khác là đã thụ động trong việc tự hoạch định hướng đi phù hợp với nhu cầu xã hội.

Khi SV Lê Hoài Vinh (Đại học Bách khoa TP.HCM) đặt vấn đề vì sao SV khó tiếp cận với thực tiễn và công nghệ, rất khó tiếp cận doanh nghiệp và Chính phủ phải làm gì để giúp SV? Phó thủ tướng nói SV nên chủ động, bắt đầu từ năm thứ 2 hãy tự thuyết minh, trình bày và thuyết phục với doanh nghiệp để tìm cách tiếp cận công nghệ và các kỹ năng thực hành từ xã hội. Ông nhấn mạnh vấn đề thực hành là cấp bách. Nhưng cùng với nhà trường và doanh nghiệp, SV phải có trách nhiệm cùng tham gia để giải quyết. Và SV phải cùng lo.

Tương tự, ông đề nghị trong tình trạng thiếu thốn giáo trình và tài liệu, việc tìm tòi từ Internet, xây dựng những hiệu sách cũ của SV và việc SV hiến kế giải pháp là rất đáng quan tâm.

Trả lời thêm về vốn vay cho SV (khi có SV cho rằng khoản vay 800.000 đồng/tháng trong thời buổi trượt giá là không đủ), ông nhấn mạnh đến khía cạnh tiết kiệm như một đức tính cần thiết và ông giải bài toán ngay: nếu khéo léo và tiết kiệm, khoản vay đó vẫn có thể dư dôi để trang cấp thêm máy tính cá nhân!

Khi SV Đặng Thị Thúy (Nghệ An) băn khoăn việc thay đổi phương pháp học tập sang tín chỉ có sớm quá không, Phó thủ tướng thuyết phục rằng chính việc học tín chỉ sẽ giúp SV có thể linh hoạt thay đổi chương trình học, chủ động chọn lựa môn học phù hợp với nhu cầu của bản thân và xã hội hơn!

Không sợ thiếu việc

 

Không chỉ kêu gọi ý chí từ giới trẻ học đường, các câu trả lời của Phó thủ tướng và các thứ trưởng, cán bộ đầu ngành đều cho thấy những giải pháp cụ thể.

Các đại biểu sinh viên tham dự cuộc đối thoại với thường trực Chính phủ tối 15-2 - Ảnh: TTXVN

Với việc làm sao dự báo cho được nhu cầu thực tế của thị trường lao động để không lãng phí trong đào tạo, Phó thủ tướng thừa nhận chức năng dự báo của Chính phủ về nguồn nhân lực và việc lượng hóa chưa tốt, nhưng từ hai năm nay đã chuyển sang đào tạo theo nhu cầu, đồng thời thành lập trung tâm dự báo nguồn nhân lực. Phương châm của Bộ GD - ĐT là việc người sử dụng lao động cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo.

Ông thông báo thêm một tin vui: đã có 11 hội thảo quốc gia với hơn 600 hợp đồng đào tạo như thế tính đến thời điểm này. Ông cũng trấn an giới SV bằng con số cụ thể: năm 2005, điều tra trong 2,5 triệu lao động có bằng cấp cao đẳng và đại học, hơn 2,4 triệu có việc làm.

Ngay sau khi ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, trả lời về việc vay tín dụng học tập, Phó thủ tướng nhấn mạnh thêm, tính đến thời điểm này đã có gần 10 tỉ đồng được giải ngân cho tín dụng học tập cho gần 1,2 triệu SV. Con số này, theo ông, là một tỉ lệ mà không phải quốc gia phát triển nào cũng làm được.

Phó thủ tướng cũng thừa nhận vấn đề nhà ở cho SV chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng ông hứa đến tháng 3 năm nay, Bộ GD - ĐT sẽ trình Chính phủ đề án và đẩy mạnh việc xây dựng ký túc xá cho SV. Ông cũng nhấn mạnh việc sẽ phối hợp các địa phương định chuẩn nhà trọ và chỉ những nhà trọ nào đạt chuẩn mới được cấp phép hoạt động.

Về ngân sách và kinh phí cho nghiên cứu khoa học, Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Lê Đình Tiến cho biết dù ngân sách đã tăng (2% trong tổng chi ngân sách) nhưng so với thế giới thì vẫn thấp. Quỹ phát triển nghiên cứu khoa học đã đi vào hoạt động từ năm 2008, quỹ này sẽ không phân biệt thâm niên hay học vị, chỉ căn cứ vào chất lượng của đề tài.

Khai mạc Đại hội 8 Hội SVVN

Hà Nội - Sáng 15-2, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên (SV) VN lần thứ 8 (nhiệm kỳ 2009-2013) đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 647 đại biểu đại diện hơn 1,6 triệu SV toàn quốc và 200 đại biểu khách mời, các đoàn ngoại giao quốc tế.

Tham dự phiên khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Theo báo cáo của Hội SV VN tại đại hội, trong năm năm qua, hằng năm kết nạp được hơn 100.000 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên gần 700.000 vào cuối nhiệm kỳ. Năm năm qua đã có 22.095 SV được kết nạp Đảng (chiếm 2,39% số đảng viên mới kết nạp).

Hôm nay 16-2, đại hội tiếp tục làm việc tập trung tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, nghe phát biểu của lãnh đạo một số bộ, ngành. Các đại biểu sẽ tham luận, đóng góp ý kiến và thông qua báo cáo của Ban chấp hành T.Ư Hội khóa 7 trình tại đại hội; báo cáo sửa đổi điều lệ Hội; báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành T.Ư Hội khóa 7; hiệp thương, bầu ban chấp hành T.Ư Hội khóa 8.

NHÓM PV NHỊP SỐNG TRẺ

Theo Tuoi Tre Online