ĐH ngoài công lập: Chóng mặt với học phí
Các Website khác - 03/09/2008

 

Phụ huynh và sinh viên đóng học phí nhập học tại Trường ĐH dân lập Hồng Bàng (ảnh chụp chiều 1-9-2008) - Ảnh: Như Hùng

TT - 9 triệu, 12 triệu, 14 triệu đồng/năm học! Các trường ĐH ngoài công lập năm học này đều đua nhau tăng học phí. Các trường nêu lý do cần đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động giảng dạy, giá cả tăng cao… nhưng tăng như thế thì sinh viên đến... chóng mặt!

Chuyện học phí trong những ngày này đang được hầu hết sinh viên (SV) các trường ĐH ngoài công lập đặc biệt quan tâm. Sau mỗi năm học, học phí tăng là chuyện... bình thường, thế nhưng năm nay, mức học phí ở nhiều trường tăng đến mức khiến SV lo ngại.

Chiều 27-8, chen chúc cùng cả trăm thí sinh đang làm hồ sơ xét tuyển NV2 vào Trường ĐH dân lập Hồng Bàng, chúng tôi thắc mắc với một cán bộ nhận hồ sơ: “Sao năm ngoái học phí có 6 triệu mà năm nay 7 triệu?”, vị này đáp: “Tăng 1 triệu một năm đâu có bao nhiêu...”.

Học kỳ sau cao hơn học kỳ trước

Theo “thông báo học phí học kỳ I năm học 2008-2009” của Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, những ngành học có học phí thấp nhất cũng từ 4 triệu đồng/học kỳ trở lên. Các ngành như thiết kế nội thất, thiết kế thời trang... hai năm trước có học phí 3,25 triệu đồng/học kỳ, nay tăng lên 4,25 triệu đồng/học kỳ.

Tăng học phí để tăng chất lượng?

“Với một trường đào tạo về kỹ thuật, công nghệ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiếu trang thiết bị cho SV thực hành. Nếu học phí cứ giữ như những năm trước, trường sẽ không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho việc học của sinh viên. Tăng học phí, chúng tôi sẽ đầu tư thêm nhiều trang thiết bị phục vụ việc dạy và học trong nhà trường”.

PGS.TS TRỊNH PHÔI
(hiệu trưởng Trường ĐH dân lập
Kỹ thuật công nghệ TP.HCM)

Các ngành khác của trường so với năm trước cũng “tăng đều” 1 triệu đồng/năm. Một SV năm cuối ngành công nghệ thông tin, ngành có học phí “thường thường bậc trung”, cho biết khi nhập học bạn đóng học phí 1,9 triệu đồng/kỳ, học phí cứ “leo thang” như vậy đến năm học này bạn sẽ phải đóng 4,1 triệu đồng/kỳ, hơn gấp đôi so với mức học phí ban đầu.

Phòng thu học phí của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng (tại lầu 1, số 3 Hoàng Việt, Q.Tân Bình), từ ngày 22-8 đã dán bảng niêm yết học phí với hai mức “cũ” và “mới”. SV trúng tuyển vào trường sẽ phải đóng học phí “mới” cao hơn 1 triệu đồng so với năm trước.

Nhìn vào bảng này có thể thấy những ngành có mức thấp nhất cũng 6,98 triệu đồng như các nhóm ngành công nghệ, điện-điện tử... Những ngành như truyền thông quốc tế đa phương tiện tăng lên 8,98 triệu đồng/năm, ngành công nghệ spa và y học thể dục thể thao lên 9,98 triệu đồng/năm...

Mức học phí cao nhất ở trường này thuộc về hai ngành mới mà trường tuyển sinh trong năm nay: ngành điều dưỡng 11,98 triệu đồng/năm; ngành kỹ thuật y học 13,98 triệu đồng/năm. Các ngành thuộc hệ CĐ của trường này cũng có mức học phí “mới” là 6,98 triệu đồng/năm, tăng 1,1 triệu đồng so với năm trước.

Các trường ĐH dân lập Hùng Vương, ĐH dân lập Văn Hiến, ĐH Tôn Đức Thắng... học phí các ngành đều tăng so với năm trước.

Không thể... không tăng?

Một nhóm SV làm thêm ở một cửa hàng điện máy. Tìm việc làm thêm là mối quan tâm của các bạn lúc này khi học phí tăng - Ảnh: TR.H.

Giải thích về mức học phí tới... 10 triệu đồng/năm học, bà Đặng Kim Nhung, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, cho biết: khi xác định mức học phí cho năm học mới, trường có quan điểm rất rõ ràng: đối với những khóa đang đào tạo chỉ tăng rất ít theo tỉ lệ trượt giá và cũng chia thành hai đợt tăng, có báo trước để SV có sự chuẩn bị.

Đối với khóa mới tuyển sinh 2008, trường áp dụng mức học phí 10 triệu đồng vì đó là sự thỏa thuận giữa hai bên, các em hoàn toàn có cơ hội lựa chọn. Nếu đồng ý với chất lượng đào tạo của trường và mức học phí đó thì các em sẽ đến nhập học, còn nếu không các em có thể có những sự lựa chọn khác.

Bà Nhung giải thích thêm: đó là mức học phí trung bình, còn do đào tạo theo tín chỉ nên SV sẽ nộp học phí theo số môn học thực tế đăng ký học ở từng học kỳ, tùy khả năng, điều kiện kinh tế, SV có thể đăng ký số môn học phù hợp.

Theo bà Nhung, mức học phí 10 triệu đồng được xác lập trên cơ sở “bắt đầu từ năm học này, trường sẽ thực hiện đào tạo hoàn toàn ở cơ sở mới. SV được học trong ngôi trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất rất tốt: các phòng học đều có điều hòa nhiệt độ, nhà vệ sinh hiện đại hơn cả sân bay quốc tế Nội Bài, trường thuê Công ty Hoàn Mỹ thực hiện toàn bộ việc quét dọn, vệ sinh...”. Với trang bị như vậy, theo bà Nhung, “mức học phí trên không phải là cao”.

Ngoài lý do tăng học phí cho tương xứng với điều kiện đã đầu tư cho hoạt động giảng dạy, giá cả tăng cao, kinh tế khó khăn, thêm nhiều khoản chi phí phát sinh hoặc phải tăng là một nguyên nhân được nhiều trường viện dẫn việc tăng học phí. Ông Nguyễn Khắc Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, cho biết: “Mặc dù có tăng học phí từ 7 triệu lên 8 triệu đồng/năm, nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn của năm nay mức học phí này chưa đủ chi phí cho đào tạo”.

50 triệu đồng/năm

Những mức học phí trên đây xem ra vẫn chưa là gì so với trường mới thành lập năm 2007 là ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM. Nhiều thí sinh đến tìm hiểu để làm đơn xin xét tuyển NV2 vào trường đã “choáng” khi biết học phí bậc ĐH của trường này “trung bình” 2.500 USD/năm đầu tiên, những năm sau cứ mỗi năm tăng thêm 100 USD. Chưa hết, một cán bộ phòng quản lý đào tạo cho biết SV phải đóng thêm 2.000 USD tiền học Anh văn trong bốn năm nữa. Như vậy trung bình một năm, chỉ “sơ sơ tiền học phí” SV phải đóng 3.000 USD, tương đương 50 triệu đồng.

Ông Trần Hữu Nghị (Trường ĐH dân lập Hải Phòng) đánh giá: “Để đào tạo đảm bảo được chất lượng, mức thu học phí cần thiết phải suýt soát 10 triệu đồng/năm học”.

Nhưng ông cũng thừa nhận nếu đồng loạt thu với mức đó có thể gây khó khăn cho người học và chưa thật sự phù hợp với điều kiện, mức sống của đại bộ phận người dân. Vì thế “nhà trường phải tìm những giải pháp khác như hạ giá thành các hạng mục, chi phí đầu tư thấp nhất có thể, tận dụng các nguồn lực khác ngoài học phí, đặc biệt là sự hỗ trợ, tài trợ từ các doanh nghiệp, thực hiện các dự án liên kết với doanh nghiệp để SV có chỗ thực tập, có thêm máy móc, trang thiết bị, đào tạo theo đơn đặt hàng... Trên thực tế, nhờ một số dự án và liên kết đào tạo theo địa chỉ, trường đã có thêm điều kiện đầu tư cho hoạt động giảng dạy, nhờ đó mới... giảm được mức tăng học phí” - ông Nghị nói.

SV kêu trời!

Tan học lúc 5g chiều, bạn Hoàng, SV năm 3 ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, hộc tốc chạy đến quán cà phê gần trường để bưng bê. Bạn đang làm thêm ở đây. Mỗi đêm làm từ 17g - 22g bạn được trả công 50.000 đồng. “Chạy” như vậy để kiếm tiền đóng học phí, khoản tăng 1 triệu đồng mà trường đưa ra. Hoàng nói như nghẹn: “Tình hình có khi tôi phải chuyển qua học một nghề nào đó cho nhanh ra trường có việc làm, tăng ít còn gượng được chứ như vầy khó kham nổi”.

Bạn Bằng, một lớp trưởng (SV Trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) cho hay trước mức học phí “không dám nghĩ đến” như thế, nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp Bằng đã tính đến “phương án hai”: tìm một nơi học nghề để nhanh ra trường đi làm kiếm tiền hay xin chuyển qua trường nào đó có học phí “dễ thở” hơn.

Một bạn quê Tây Ninh tâm sự: “Tôi và một số bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn đều vay vốn với mức 8 triệu đồng/năm để trang trải phần nào việc học, nhưng bây giờ số tiền ấy không đủ đóng học phí chứ chưa nói đến những khoản khác”. Với vẻ mặt rất căng thẳng, bạn tính toán: “Học phí 4 triệu đồng/kỳ thì mỗi tháng riêng học phí đã là 1 triệu đồng, chưa kể tiền trọ, ăn uống, sách vở, giáo trình... làm sao mà học nổi”.

 HÀ BÌNH - TRUNG TÂN - THANH HÀ