Học sinh chọn mua sách cho năm học mới tại một cửa hàng sách ở TPHCM. Ảnh: N.HỮU |
Sau một thời gian rà soát, đánh giá chương trình và sách giáo khoa (SGK), hơn 80 chuyên gia của Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đều có chung nhận định: Quy trình xây dựng chương trình giảng dạy là ngược, đáng lẽ phải có chương trình trước rồi mới viết SGK nhưng Bộ GD-ĐT lại tổ chức viết SGK trước rồi chương trình mới được xây dựng cho phù hợp với sách. Chính vì thế đã dẫn đến chương trình nặng nề, kiến thức sai sót, chồng chéo, không hấp dẫn học sinh.
Nhiều nội dung không cần thiết
Trong chương trình giảng dạy, một số môn còn những nội dung không thật sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức cần thiết và trở nên nặng nề. Hiện tượng trùng lặp nội dung xuất hiện ở chương trình một số môn học như đạo đức và tiếng Việt, sinh học và công nghê. Trong khi đó, nhiều môn quan hệ mật thiết đến nhau nhưng chưa thực sự hỗ trợ cho nhau...
Rải rác trong một số SGK còn xuất hiện những sai sót về kiến thức cơ bản, về khái niệm hoặc thuật ngữ khoa học. Trong một số trường hợp, chuẩn kiến thức và kỹ năng không được thể hiện đầy đủ trong SGK.
Theo đánh giá của các chuyên gia lịch sử, những nội dung không cần thiết, không phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh đã làm chương trình môn này quá nặng. Chương trình lịch sử tập trung quá mức về lịch sử quân sự, lịch sử chiến tranh, xem nhẹ lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội, không cập nhật những đánh giá mới về một số nhân vật lịch sử và sự kiện. Nội dung SGK thể hiện những bất cập như sách lịch sử được viết theo lối mòn, xơ cứng, vẫn chỉ là: “ta thắng, địch thua”, “bên chính nghĩa thì tốt, bên phi nghĩa thì xấu”, thường có sự lặp lại tạo cho học sinh cảm giác không cần học cũng đã biết rồi!
Ở môn vật lý, sự phân biệt rõ giữa mắt viễn thị và mắt lão, việc đi quá sâu vào số bội giác và sự ngắm chừng là rườm rà không cần thiết. Chính việc nhấn mạnh quá mức vật lý học cổ điển đã làm cho chương trình vừa cổ lỗ nặng nề vừa ảnh hưởng đến việc tiếp cận những thành tựu khoa học vật lý hiện đại.
“Nhặt sạn” ở môn ngoại ngữ cho thấy, môn này thiếu sự thống nhất cần thiết về cấu trúc chương trình, về các chủ đề và về yêu cầu cần đạt được sau mỗi lớp, mỗi cấp. Trong môn ngữ văn lớp 10, có nhiều bài thơ Đường luật bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, nhưng trước đó lại không có phần khái quát về thể thơ này. Địa lý đại cương tự nhiên có mặt ở cả lớp 6, lớp 7, địa lý các châu lục có cả ở lớp 7, lớp 8.
Xem lại thời lượng môn học
Sự phân phối thời lượng giữa cấp THCS và THPT cũng cần được xem xét lại, chẳng hạn môn sinh học thời lượng ở THCS là 280 tiết nhưng THPT chỉ có 139 tiết. Một phần sự nặng nề, quá tải nằm trong khâu giảng dạy khi giáo viên lạm dụng các bài tập nâng cao, ly kỳ dành cho học sinh giỏi.
Để có một chương trình – SGK chuẩn, cần phải xây dựng lại hệ thống giáo dục phổ thông, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa yêu cầu bảo đảm trình độ học vấn phổ thông và nghiên cứu xây dựng các môn học tích hợp ở cấp THCS. Theo tôi, trước mắt, tiếp tục sử dụng các tài liệu giáo khoa hiện có với những điều chỉnh cần thiết. Nhưng chúng ta cần sớm tổ chức xây dựng một bộ chương trình giảng dạy mới, biên soạn SGK mới và các tài liệu sư phạm mới khác cho các môn học trong nhà trường phổ thông.
▪ Giáo dục vùng cao đang "chạy đua" (03/09/2008)
▪ Học nghề để đi làm ngay (03/09/2008)
▪ ĐH ngoài công lập: Chóng mặt với học phí (03/09/2008)
▪ Thời gian học đại học có thể còn 3 năm (30/08/2008)
▪ Thiếu giáo viên trầm trọng (29/08/2008)
▪ Hơn 50% học sinh TP HCM trượt tốt nghiệp lần 2 (29/08/2008)
▪ Cặp "siêu nặng": Gây đau lưng, vẹo cột sống (29/08/2008)
▪ Dự kiến bỏ thi đại học từ năm 2010 (28/08/2008)
▪ Công khai chất lượng đào tạo (28/08/2008)
▪ Gập ghềnh đường đến trường (28/08/2008)