Giáo dục vùng cao đang "chạy đua"
Các Website khác - 03/09/2008

 
Khó xoay xở kịp phòng học cho rất đông học sinh tăng đột ngột ở xã Cư Kbang - Ảnh: T.N.Q

Hanoinet - Hàng trăm căn lều dựng tạm bằng cây rừng và bạt nhựa san sát nhau, người người chen chúc lo chuyện ăn ở, sinh hoạt giữa những cơn mưa rừng tầm tã.

Hàng ngàn học sinh tăng đột ngột ở một điểm dân di cư tự do đang tạo áp lực cho huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk) trước thềm năm học mới.

Hai tháng, dân tăng gấp đôi

Liên tục những tháng qua, ở các thôn 13, 14, 15 và 16 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp), cảnh "đổ bộ" dân di cư tự do diễn ra sôi động, ồn ã. Hàng trăm căn lều dựng tạm bằng cây rừng và bạt nhựa san sát nhau, người người chen chúc lo chuyện ăn ở, sinh hoạt giữa những cơn mưa rừng tầm tã.

Ông Thào Seo Vần, trưởng thôn 13, lo lắng: "Mỗi ngày có hàng chục hộ vào thôn này theo bà con, dòng họ, đồng hương. Họ ở tạm vài chục ngày rồi mới được sắp xếp đến các thôn mới thành lập ở tiểu khu 240. Thế nhưng lo chuyện sinh hoạt cho chừng này hộ cũng không dễ, nhất là giữa mùa mưa mà người thì đông, ăn ở tạm bợ, khâu vệ sinh lại kém, làm ô nhiễm nguồn nước, có thể gây bệnh tật".

Ông Ma Văn Thuyên, Chủ tịch UBND xã Cư Kbang, cho biết: từ cuối tháng 6, hàng trăm hộ dân, chủ yếu là dân tộc H'Mông ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc, bắt đầu lục tục kéo về xã này với ý định lập nghiệp, định cư lâu dài.

Tính đến giữa tháng 8, đã có 882 hộ với 4.682 người di cư tự do đến địa bàn, đưa số dân toàn xã lên 9.187 người. Như vậy, trong gần 2 tháng, dân số xã Cư Kbang tăng gấp đôi. Số người đến ngoài kế hoạch quá lớn đã làm địa phương thực sự lúng túng trong việc bố trí nơi ăn ở tạm cư ban đầu, sau đó là đất định canh định cư, chuyện học hành, chăm sóc sức khỏe... Xã phải "cầu cứu" huyện, huyện báo lên tỉnh, và sau đó một cuộc sắp xếp khẩn cấp diễn ra. Toàn bộ tiểu khu rừng 204 được chuyển đổi nằm trong dự án đón 400 hộ dân đi kinh tế mới Nam Định giai đoạn đến năm 2015 đã nhanh chóng chuyển thành 3 thôn mới: 14, 15, 16 để tiếp nhận và ổn định đời sống của số hộ di cư tự do này.  

Giáo dục "chạy đua"

Năm học mới đã cận kề càng làm cho lãnh đạo xã Cư Kbang đứng ngồi không yên trước tình trạng "bùng nổ" hàng ngàn học sinh nhưng chưa có trường lớp. Ông Thuyên cho biết, xã chưa điều tra chính xác đến từng hộ, nhưng theo tính toán, bình quân 4 người dân có 1 người đi học thì có khoảng 1.200 học sinh ở độ tuổi đến trường trong số dân vừa di cư đến địa bàn. Nếu ước tính theo tỷ lệ học sinh từng cấp học thì có khoảng 100 cháu mẫu giáo từ 4-5 tuổi, tương ứng 4 lớp; 560 học sinh tiểu học, tương ứng 16 lớp; 460 học sinh THCS, tương ứng 11 lớp. Như vậy, phải có ngay 16 phòng học cho năm học mới. "Xã chỉ trông chờ vào cấp trên chứ biết lấy đâu ra mấy tỉ đồng xây chừng đó phòng học" - ông Thuyên nói.  

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Văn Đức, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Ea Súp, tỏ ra băn khoăn:  “Địa phương vẫn đang trong thế "rượt đuổi" để lo chuyện học hành cho dân vì số hộ di cư tự do tiếp tục đổ vào, chưa có dấu hiệu chấm dứt". Ông Đức cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa cấp ngân sách xây cấp tốc 4 phòng học ở các thôn mới thành lập của xã Cư Kbang, nhưng phải một tháng nữa mới hoàn thành. Huyện thì có thể lo được 4 phòng học, còn thiếu 8 phòng với kinh phí xây dựng khoảng 2,4 tỉ đồng. 

Chưa hết, theo ông Đức, một nỗi lo khác là thiếu giáo viên cho các điểm trường này. Với số lượng lớp học trên thì xã Cư Kbang cần ít nhất 20 giáo viên mới kèm theo khoảng 150m2 nhà ở. Huyện đang xin thêm biên chế giáo viên, nhưng điều lo lắng nhất là hầu hết các cháu ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học đều không biết tiếng phổ thông, còn giáo viên thì không biết tiếng H'Mông nên sẽ gặp khó khăn trong giảng dạy. Sau nhiều lần bàn thảo, UBND huyện vừa có văn bản đề xuất lên tỉnh cho hợp đồng trả lương một số người dân có trình độ tốt nghiệp THCS trở lên để làm "phiên dịch" hỗ trợ cho giáo viên. 

Theo Trần Ngọc Quyền/TN