“Em biết nhiều bạn khác khó khăn hơn, học giỏi hơn, cần học bổng này hơn em…” là câu mà chúng tôi bắt gặp nhiều nhất trong thư đề nghị cấp học bổng Tiếp sức đến trường 2008 của các tân sinh viên TP.HCM và đông nam bộ. Bên cạnh lòng hiếu học và ý chí vượt khó, lời bộc bạch dễ thương mang theo sự sẻ chia thật lớn ghi thêm một điểm son cho những gương mặt nhận học bổng hôm nay…
![]() |
Sáng nay (11-10), 121 suất học bổng Tiếp sức đến trường 2008 khu vực TP.HCM và miền Đông Nam bộ đã được trao tại tòa sọan báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm |
Giảng đường xa ngái
Cơ duyên đầu tiên của học bổng Tiếp sức đến trường là câu chuyện hai lần đỗ đại học vẫn không được đến giảng đường của Nguyễn Thanh Lập năm 2003. Năm nay, lá thư cuối cùng gửi đến để kịp xét suất học bổng thứ 1400 là của Vũ Văn Dương, chàng trai 23 tuổi đã 3 lần thi đỗ đại học nhưng vẫn chưa được đến trường. Đường đến giảng đường tưởng là thênh thang từ khi nhận giấy báo nhập học, không ngờ lại vẫn còn xa đến thế.
Tiếp sức 120 tân SV miền Đông Nam bộ Sáng nay (11-10), lúc 8g30, lễ tuyên dương và trao 120 học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực miền Đông Nam bộ (mỗi học bổng 4 triệu đồng) và bốn phần thưởng dành cho thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30 (5 triệu đồng/phần thưởng, do Công ty Acer VN tài trợ) được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức; kinh phí do Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức (50 suất), Công ty CP Kinh Đô (25 suất), giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (15 suất), Công ty võng xếp Duy Lợi (10 suất), chị Nguyễn Thị Thu Hương dành toàn bộ nhuận bút tác phẩm Hành trình xương thủy tinh ủng hộ chương trình (bốn suất) và nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp. Công ty TNHH Asama (Bình Dương) tặng 30 chiếc xe đạp. Trước đó, được sự ủng hộ của Giải golf FAV gây Quỹ “Tiếp sức đến trường”, CLB “Nghĩa tình Quảng Trị”, CLB “Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng”, nhóm thân hữu Quảng Ngãi, báo Giáo Dục TP.HCM, báo Phú Yên, ông bà Tú (Q.3, TP.HCM), Công ty CP Hoàn Vũ, Công ty CP kinh doanh nhà Phát Đạt, Công ty trục vớt cứu hộ và kinh doanh nhà Đoàn Ánh Dương…, chương trình đã trao 1.200 suất cho tân sinh viên ở 30 tỉnh thành trên toàn quốc. PHAN ĐẮC |
2005, Dương lại cùng em trai khăn gói đi thi đại học. Em trai đỗ vào ĐH Nông Lâm thì Dương đỗ ĐH Bách khoa TP.HCM. Niềm vui nhân đôi vẫn chưa mang lại được sức khỏe cho mẹ. Bệnh mẹ em tái phát còn nặng nề hơn, số tiền dành dụm cả năm của Dương lại trôi dần theo tiền thuốc, kéo theo đó là giấc mơ đại học. Để các em yên tâm đến trường, Dương lại cặm cụi đi làm, những vết chai trên bàn tay cứng lại. Năm nay, em trai đã vào năm cuối, em gái út học lớp 12, Dương vẫn nuôi ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng, lại âm thầm ôn luyện, khăn gói đi thi. Một lần nữa, Dương đỗ vào ngành Xây dựng dân dụng & công nghiệp của ĐH Giao thông vận tải với 23 điểm.
Rắn rỏi, tự tin đi nhập học lần thứ 3, tìm việc làm ngay sau buổi học đầu tiên, nhưng nguy cơ buộc phải nghỉ học như hai lần trước trước vẫn ám ảnh bởi mẹ vẫn bệnh, nhà vẫn chưa ra khỏi diện nghèo, Dương viết thư đến quĩ học bổng Tiếp sức đến trường kèm theo lời tâm sự “Các bạn SV khác có lẽ cần hơn em, nhưng em vẫn thử, như để tìm một lời đảm bảo rằng lần này em sẽ được đến trường”.
Tình nguyện viên của vị trí 121
Cũng đã từng phải xa giảng đường như Dương là Bùi Thị Tuyết Nhung (Bình Dương). Năm ngoái, Nhung đỗ vào khoa Công nghệ thực phẩm ĐH Công nghiệp TP.HCM. Vui sướng được đến trường đại học hơn 1 tuần, Nhung gặp thông báo hết hạn đóng học phí. Mẹ chưa xoay xở được, nhà trường không chấp nhận đơn xin gia hạn đóng tiền học, Nhung ngậm ngùi quay về nhà. Hai mẹ con lên TP.HCM chia ra hai ngả tìm việc. Mẹ đi giúp việc nhà, còn Nhung xin vào bán hàng ở một siêu thị, lương 800.000đ/tháng. Giấc mơ đèn sách không tắt, năm nay Nhung lại đi thi và đỗ vào khoa Kế toán – Kiểm toán ĐH Công nghiệp. Lần thứ hai nhập học, Nhung đã cố dành dụm, vay mượn nhưng vẫn chưa đóng được hết những khoản thu đến trường với những bài toán tiền trọ, tiền cơm xoay như chong chóng.
Gửi thư đến đăng ký xét học bổng, Nhung phân tích thật rõ ràng “Nếu không được xét, em sẽ chỉ buồn một chút thôi, và em biết rằng mình còn có may mắn hơn 120 bạn sẽ được nhận học bổng”.
Những khoảnh khắc xúc động trong buổi giao lưu, ở trên khóc, ở dưới khóc.. và các em nhận ra "mình còn may mắn hơn các bạn"... - Ảnh: Thanh Đạm |
“Có lẽ em còn may mắn hơn các bạn khác”, “có lẽ em sẽ là người thứ 121”… điểm son ấy được ghi nhận ngay khi câu chuyện mà các em kể nghe thật nghẹn lòng. Như bài toán tập vở của Nguyễn Thị Bích Phú (ĐH Luật TP.HCM): ba mẹ đi bán vé số đủ nuôi gia đình 6 người chứ không đủ lo chuyện học. 3 chị em đi học mỗi năm cần 40-50 cuốn tập, mỗi cuốn 2.000đ, người bán hàng thương tình cho trả góp, mỗi ngày 1.000đ. Mấy chị em thay nhau đi bán vé số, trả góp 3 tháng hè thì đủ tiền mua tập. Như khi Trương Tuyết Lan (ĐH Bình Dương) kể về những buổi đạp xe 17km đến trường, bụng đói, tay chân run lẩy bẩy. Có lần ngất xỉu, cô giáo phải đưa về. Có lần hai chị em dại dột ra chợ ‘ăn mót” sau buổi học, về ba biết được, phải nhận một trận đòn…
GS Phan Lương Cầm trao học bổng cho các tân sinh viên với lời nhắn nhủ "hãy học giỏi, và hãy tiếp tục hành trình tiếp sức"... - Ảnh: Thanh Đạm |
Như tên gọi của chương trình “vì ngày mai phát triển”, các nhà tài trợ, ban tổ chức, các bạn đọc tham gia vào các chương trình học bổng chỉ đau đáu mong ước một điều: các em sẽ học tốt, sẽ thành tài, giúp đỡ cho gia đình, đóng góp cho xã hội, và tiếp tục tiếp sức cho các lớp đàn em sau này. Học bổng “Tiếp sức đến trường” là một sự giúp đỡ, một phần thưởng, cũng là một nghĩa vụ cho tuổi 18. Và với tuổi 18, các em đã mang đến cho đời những câu chuyện thật đẹp về sức mạnh của ước mơ, sự hiếu học, quyết tâm vượt khó, lòng hiếu thảo. Điểm son của sự sẵn lòng chia sẻ, quên mình vì người khác ghi nhận được từ các em hôm nay lại một lần nữa mát lòng những người thực hiện chương trình.
Hành trình tiếp sức chắc chắn sẽ được các em tiếp tục từ những điểm son như thế.
PHẠM VŨ
...........................................
Vượt “sốc” tuổi học trò
TT - Trong 120 tân sinh viên khu vực miền Đông Nam bộ được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”từ tấm lòng bạn đọc báo Tuổi Trẻ, nhiều bạn từng trải qua những cú “sốc” tưởng chừng gục ngã. Nhưng chính các bạn đã vượt “sốc” bằng sự nỗ lực của tuổi học trò…
Nguyễn Hoàng Nam Phi mót gỗ cũ đóng tủ đựng đồ nơi trọ - Ảnh: T.huỳnh |
Nhớ lời dặn của ba
Hơn bốn năm qua, tưởng chừng tôi phải bỏ hẳn việc học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Ba bệnh nặng nhiều năm và mất cách đây hai năm. Ba mất, ruộng rẫy trong nhà cũng hết. Mẹ bệnh nhưng vẫn buôn bán đắp đổi, dù tiền kiếm được không đủ lo thuốc men. Tôi cắn răng nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ mẹ, lo cho các em ăn học.
Bây giờ là cơ hội để tôi thực hiện ước mơ giảng đường ĐH dù bao nhiêu câu hỏi tôi đang phải trả lời. “Nếu học, tiền đâu? Không học, sẽ chia tay với ước mơ”. Anh hai tôi học xong cấp III đã phải vào đời mưu sinh dù anh học rất giỏi. Tôi không muốn bỏ cuộc mà sẵn sàng làm nhiều việc: phụ hồ, sơn nước, thợ mộc, công nhân... để nuôi ước mơ. Lúc nào tôi cũng nhớ lời ba dặn trước lúc ra đi: “Chỉ có học mới hết nghèo! Làm anh chị phải học giỏi để mấy em noi gương”.
Con chữ trên những trang vở góp
Nhà không ruộng đất, ba lại bị tật ở chân không làm việc nặng được, đi bán vé số để nuôi cả gia đình. Người chị đầu của tôi phải bỏ học sớm để đi làm nuôi ba đứa em. Các bạn đã từng nghe “mua vở góp” chưa? Mỗi năm ba chị em tôi học hết khoảng 40 quyển vở, tức 80.000 đồng, trả góp 1.000 đồng/ngày trong ba tháng hè mới đủ số vở cho chị em tôi đến trường.
Hè tôi đi bán vé số để kiếm thêm tiền đóng học phí. Đậu ĐH là niềm vui quá lớn vì trong cả họ, tôi là người đầu tiên vào ĐH nhưng sau đó là gánh nặng đè lên vai gầy của ba má. Mấy hôm nay tóc ba má hình như bạc thêm đôi phần, mắt thâm quầng những nỗi lo. Gia đình nghèo nhưng từ mái ấm nghèo khó mà hạnh phúc ấy, tôi nghĩ mình học được rất nhiều cách để lớn lên thành người.
Tôi là Trang “vé số”
Nhà nghèo, ba làm mướn, mẹ bán vé số không nuôi nổi phải gửi tôi cho ông bà ngoại từ nhỏ. Ông bà nay cũng già yếu, trở bệnh mỗi khi trở trời. Cũng vì nghèo nên tôi học trễ hơn các bạn một năm.
Sau tôi còn ba đứa em đang đi học. Lớp 4, buổi đi học, buổi còn lại tôi đạp xe đi bán vé số. Bạn bè ghẹo đùa là Trang “vé số”. Còn tôi chỉ biết chứng minh bằng cách suốt 12 năm đều là học sinh giỏi. Thầy cô chủ nhiệm nhận xét “giỏi, chăm, ngoan, có tinh thần vượt khó đáng khen…” là động lực để tôi cố gắng học giỏi hơn.
Hè lớp 11, tôi xin làm công nhân đóng gói thời vụ cho một công ty ở KCN Tây Bắc - Củ Chi phụ giúp mẹ. Làm một tháng được trả lương hơn 1 triệu đồng. Có người bảo: “Làm có lương rồi, học chi cho cực!”. Nghe vậy tôi cũng do dự vì thấy nhà khó khăn quá, nhưng còn ước mơ được học của tuổi học trò...
Mỹ Nhung tìm việc tại Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM - Ảnh: T.Huỳnh |
Lẻ loi vẫn cứ ước mơ
Tôi không cha. Mẹ trong trí nhớ của tôi là người phụ nữ nằm trên võng trong một chiều mưa đã ói ra máu và ra đi mãi mãi. Khi đó tôi hơn 2 tuổi, về với bà ngoại bị mù. Đến năm lớp 4, ngoại cũng bỏ tôi ra đi. Tôi được một người bà nuôi cưu mang, đến lớp 8 bà cũng mất, bỏ lại mình tôi bơ vơ giữa đời. Trước khi bà nuôi tôi mất, bà dặn “con ráng học để bớt khổ”. Từ đó tôi phụ bán tạp hóa để tiếp tục đến trường.
Cầm giấy báo trúng tuyển hai trường ĐH trên tay, mừng một nhưng trong tôi là 100 thứ lo toan làm sao có thể tự lập trên mảnh đất Sài Gòn như ở Gia Lai không. Tôi vào TP.HCM với số tiền hơn 1 triệu đồng làm lộ phí, đấy là suất học bổng “vượt khó học giỏi” mà trường cấp III đã trao cho tôi năm cuối cấp và một quyết tâm đi đến cùng với ước mơ.
KIM ANH - TRẦN HUỲNH ghi
▪ Cho phép “thần đồng” 5 tuổi học vượt cấp (11/10/2008)
▪ Viện Đại học mở đào tạo cử nhân trực tuyến (11/10/2008)
▪ Mái ấm của trẻ mồ côi Thủy Xuân (11/10/2008)
▪ 2009 - sẽ là năm của thi trắc nghiệm (10/10/2008)
▪ "Liên kết đào tạo ĐH với nước ngoài”: Bùng nổ và “cởi mở” (10/10/2008)
▪ Người quản lý phải là người đứng đầu trong cơ sở giáo dục (10/10/2008)
▪ Tuyển sinh quản trị mạng và bảo mật hệ thống quốc tế (10/10/2008)
▪ Ước mơ của Vũ “mồ côi” (10/10/2008)
▪ Du học gần hay du học xa? (09/10/2008)
▪ Học trên vùng đất thép (09/10/2008)