Tân SV nhập học |
Phát hiện hàng chục SV bỏ học giữa chừng để nhập học vào ĐH Khoa học tự nhiên, lãnh đạo Trường CĐ Sư phạm Bắc Giang đã làm công văn gửi thẳng cho trường này, yêu cầu không được nhận những SV trên!
Trên cả nước có hàng trăm trường hợp tương tự: đang học dở một trường, bỏ sang thi trường khác! Đây là vấn đề nhức nhối mà chưa có cách giải quyết...
Có hàng trăm trường hợp tương tự
Đồng thời với công văn kể trên, Trường CĐ Sư phạm Bắc Giang đã có quyết định đình chỉ việc học của các SV trên tại trường mình, với lý do vi phạm quy chế tuyển sinh. Thế là việc "đứng núi này, trông núi nọ" của nhiều SV đã hứng lấy hậu quả là không được học ở trường nào.
Đại diện Trường CĐ Sư phạm Bắc Giang cho biết: Năm nào cũng có những trường hợp tương tự, có những năm có đến hàng chục SV năm thứ hai bỏ học vì lý do đó.
Đó không phải là chuyện riêng của Trường CĐ Sư phạm Bắc Giang nữa. Trong khoảng ba năm trở lại đây, mỗi năm vẫn có hàng trăm SV bỏ học giữa chừng vì thi đỗ vào trường ĐH khác. Có những trường đã trở thành "ga chờ" của những thí sinh có kỳ vọng thi đậu vào các trường có uy tín. Nhiều trường công lập, như ĐH Thương mại, ĐH Công đoàn, ĐH Thủy lợi, ĐH Sư phạm... cũng từng trở thành các "ga chờ" như thế, phải chấp nhận việc hàng chục SV/khóa "chuyển trường".
Nhiều "ga chờ" còn lớn hơn ở các trường cao đẳng, hoặc dân lập. Ví dụ hệ CĐ, Trường Bách khoa Hà Nội năm nào đến kỳ thi ĐH, các lớp SV năm thứ nhất cũng vắng hoe. Để rồi sau đó, nhiều SV đột ngột bỏ học. Còn Trường ĐHDL Phương Đông thì có năm có cả trăm SV "dứt áo ra đi" như thế.
Ra đi bằng mọi cách
P, một SV Trường CĐ Mẫu giáo T.Ư 1, cho biết: "Em thi đậu vào ĐH Đà Nẵng và muốn xin bảo lưu kết quả thi để tốt nghiệp trường này. Nhưng trường ĐH Đà Nẵng không cho phép bảo lưu kết quả thi. Có nghĩa nếu không nhập học trong vòng một tuần tới, coi như kết quả thi của em bị hủy. Vì vậy em chỉ còn cách là bỏ học trường CĐ để vào học ĐH bằng bất cứ giá nào".
Nhiều năm nay, SV các trường sư phạm được hưởng chế độ miễn học phí, nếu cam kết khi ra trường sẽ gắn bó với ngành giáo dục. Việc miễn học phí đã thực hiện từ lâu, nhưng việc yêu cầu những SV không giữ đúng cam kết phải bồi hoàn tiền... lại chưa làm được.
Ông Nguyễn Văn Bính, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: "Trường chỉ biết đào tạo, còn việc giám sát SV có thực hiện "cam kết" hay không, xử lý SV vi phạm thế nào lại nằm ngoài tầm tay của trường".
Hiện tượng vi phạm "cam kết" gặp nhiều ở các trường CĐ Sư phạm địa phương. Ngay trong thời điểm này, có những SV đã học sang năm thứ ba, nhưng song song với việc học, vẫn âm thầm ôn thi và dự thi nhiều lần vào các trường ĐH khác. Bất chấp việc chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp, có SV bỏ trường CĐ Sư phạm để nhập học vào trường vừa thi đậu.
Mỗi trường xử lý một kiểu
Trường CĐ Mẫu giáo T.Ư 1 năm nay thông báo công khai với toàn thể SV: Những trường hợp xin rút hồ sơ để nghỉ học, sẽ phải nộp ba triệu đồng bồi thường kinh phí đào tạo mà các SV đã được hưởng.
Thông báo này đã làm một số SV có hoàn cảnh khó khăn "chùn bước", nhưng cũng có SV chấp nhận nộp tiền để rút hồ sơ bằng tốt nghiệp THPT để nộp vào trường vừa thi đỗ. Đại diện phòng đào tạo của trường này cho biết: Mức tiền đó chưa phải đã bù đủ vào khoản kinh phí đã chi đối với những SV đã học năm thứ hai, thứ ba ở trường này. Bởi khi thực hiện chủ trương miễn học phí đối với SV sư phạm, các trường sư phạm nói chung đều gặp ít nhiều khó khăn về kinh phí, dù đã được Nhà nước hỗ trợ một phần.
Một SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên bỏ học để nhập học vào Học viện Kỹ thuật quân sự kể: "Em phải "đền" tiền để rút hồ sơ ra". Ban giám hiệu trường này cho biết: "Với những SV như vậy, nhà trường hết sức thông cảm mới cho đi, chỉ yêu cầu bồi thường tiền ở mức độ vừa phải. Chứ nếu làm nghiêm đúng quy chế thì SV không thể đi được".
Hậu quả tất yếu: tìm cách chuyển..."chui"
Tuy nhiên các giải pháp ngăn chặn việc SV "chuyển trường" hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các trường mà vẫn tùy trường nào trường nấy làm, kể cả các trường sư phạm, nơi đang thực hiện chế độ miễn học phí 100% cho SV.
Một số SV các trường CĐ tại Hà Nội khi được hỏi đã cho biết: "Chúng em được các anh chị "thế hệ trước" mách nước: Cứ bỏ học, đến nhập trường mới bằng bản sao bằng tốt nghiệp THPT có dấu công chứng Nhà nước. Một thời gian sau, khi trường cũ đã gạch tên chúng em vì lý do "nghỉ học dài ngày không lý do", chúng em sẽ xin rút bằng tốt nghiệp gốc để "về xin việc làm", sau đó nộp vào trường đang học".
Mục tiêu vào ĐH đã khiến nhiều người phải đi một quãng đường vòng. Việc này chỉ chấm dứt khi cổng trường ĐH không phải "cái nút cổ chai thắt lại" và việc định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ được làm tốt hơn.
Theo Thể thao & Văn hóa
▪ 40 suất học bổng cho chương trình ACP, ĐH La Trobe - Úc (11/09/2005)
▪ Na Uy giúp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật Vĩnh Long (11/09/2005)
▪ Tự sự của du học sinh từ ngôi trường "sập tiệm" (11/09/2005)
▪ Nhân tài hay lá mùa thu? (10/09/2005)
▪ Cẩn thận với các công ty môi giới du học (11/09/2005)
▪ Nơi mong ngóng, chỗ dư thừa! (10/09/2005)
▪ Đông đảo du học sinh VN đang “chết đứng” ở Singapore (09/09/2005)
▪ Học bổng tại ĐH Nottingham, Anh (09/09/2005)
▪ Cơ hội học bổng tại ĐH Kỹ Thuật Kaiserslautern, Đức (09/09/2005)
▪ Học bổng sinh học tại Universiteit Maastricht, Hà Lan (09/09/2005)