Đường học dở dang
“Bên đó chất lượng đào tạo hơn đứt mình, bằng cấp cũng có giá hơn. Bây giờ người ta toàn du học từ cấp 3, vì con sẽ sớm làm quen với lối sống độc lập, năng động của họ, sau này mới dễ thành đạt”, bà Hoa nói với con. Phương lo lắng, e ngại nhưng trước sự động viên hết mình của bố mẹ, cô đồng ý đi tây.
Quen được bố mẹ chăm sóc từ A đến Z, Phương bị sốc khi bỗng nhiên phải tự lo cho mình giữa một khung cảnh xa lạ. Hồi ở nhà được coi là giỏi tiếng Anh nhưng sang đây, cô phải rất chật vật để hiểu lời thầy giảng.
Dù tối nào cũng miệt mài học để bù lại “chỗ hổng” trên lớp, Phương vẫn không theo kịp bạn bè. Mặc cảm thua kém, sự tự ti về vóc dáng nhỏ bé, cộng thêm nỗi nhớ nhà và cảm giác bơ vơ, thiếu chỗ dựa khiến cô dần suy sụp.
|
Không chỉ tìm hiểu kỹ về chương trình học, những du học sinh cần được chuẩn bị tốt kỹ năng sống độc lập (Ảnh minh họa). |
Phương kém ăn, kém ngủ, luôn lo âu, hoảng hốt, hay khóc và dần dần lâm vào trạng thái trầm uất, đến mức bố mẹ đành cho về Việt Nam để điều trị tâm lý. Thế là trong khi bạn bè sắp thi đại học, Phương vẫn đang còn học chương trình phổ thông.
Còn Trần Hoài Sơn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, sang Anh du học tự túc theo nguyện vọng của bố mẹ khi đã tốt nghiệp cấp 3. Khác với Phương, cậu rất hăm hở bởi nghĩ rằng ở Việt Nam mình học không nổi, nếu có bằng nước ngoài thì sẽ “oách” hơn.
Thời gian đầu, Sơn đi chơi nhiều cho biết đó biết đây nên khi để tâm vào việc học, cậu phát ngợp vì trước mắt là cả núi bài vở. Trường có nhiều sinh viên Việt Nam và họ đều học giỏi, trong đó có bạn gái Sơn, nên cậu ngày càng có mặc cảm thua kém.
Vùi đầu học cấp tập một thời gian không đuổi kịp, cậu đâm nản nên lại bỏ lơ, và sinh ra cáu gắt, gây sự với người yêu lúc cô khuyên giải. Và khi bị chia tay, Sơn tuyệt vọng. Biết mình ở lại chắc chắn không ổn, nhưng về thì phải làm lại từ đầu, mất mặt vì thua bạn bè đến mấy năm nên cậu cứ dùng dằng. Nửa năm sau, nghe người quen thông báo tình hình của con, bố mẹ Sơn mới biết để tra hỏi, và cậu ấm xin được về nước.
Nên biết lượng sức con
Phòng khám tâm lý TuNa (phố Vọng, Hà Nội) tiếp nhận khá nhiều thanh thiếu niên rối loạn tâm lý do đi học ở nước ngoài. Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám, cho biết các trường hợp này phần lớn chưa được chuẩn bị kỹ về tâm lý và kiến thức cho cuộc sống tự lập ở xứ người, như ngoại ngữ kém, học lực chỉ trung bình, không quen tự lập…nên không thích ứng với môi trường mới.
Có những em vốn học rất giỏi nhưng khi ra nước ngoài vẫn bị sốc và không chịu đựng nổi, trong đó có Hạnh, từng là du học sinh Pháp. Là một thiếu nữ sống nội tâm, tình cảm, cô thấy quá cô đơn lạc lõng khi sống giữa những người khác chủng tộc và văn hóa.
Hạnh nhớ nhà, nhớ bạn nên luôn buồn bã, lại stress thường xuyên vì mâu thuẫn với gia đình mà cô sống cùng. Hạnh bị trầm cảm, học kém dần, phải về nước trị liệu. Chuyên gia tâm lý nói những người ít thích ứng với nền văn hóa lạ như cô không nên đi học nước ngoài.
“Chỉ vì cái mác du học mà làm khổ con. Được khen giỏi vì lo đủ tiền cho con đi, vợ chồng tôi rất mát mặt, ai ngờ con đang héo hắt ở xứ người”, ông Thịnh, bố Hạnh, tâm sự. Giờ cô gái này học ở Việt Nam, là một sinh viên giỏi. Chuyện của Hạnh không làm ông Thịnh từ bỏ ý định cho cậu út du học, bởi muốn con được hưởng chất lượng giáo dục ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ông nói sẽ rút kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ cho con.
“Còn 4 năm nữa thằng út mới hết cấp 3. Từ giờ đến đó, tôi sẽ giúp nó không chỉ có cái nền vững về kiến thức và ngoại ngữ, mà còn biết tự lập, biết giao tiếp xã hội, làm quen với văn hóa, cách sống của nơi nó đến để thích ứng nhanh với môi trường mới”, ông Thịnh nói. Đây cũng là điều mà các chuyên gia tâm lý khuyên phụ huynh nên làm khi có ý định cho con đi học ở trời tây.
Theo Giađinhnet