Cận thị học đường gia tăng: Dễ gây mù nếu bị nặng
Các Website khác - 22/12/2008
 
 Theo nhiều chuyên gia về mắt, việc quá tải trong các hoạt động của thị giác như ngồi quá gần, hoạt động quá lâu trong điều kiện ánh sáng không đủ sẽ khiến cận thị gia tăng. Bác sĩ Trần Thế Hưng (Trưởng Trung tâm khúc xạ, Bệnh viện Mắt Sài Gòn) cho biết, cận thị là một trong những tật có thể gây mù mắt.
Tỉ lệ cận thị đang tăng

Ngày 19/12, trong giờ tập viết của một lớp học tại Trường tiểu học CL (Hà Nội), nhiều em đeo kính vì cận nặng đang bò ra trên bàn tập viết. Nhiều em bị cận quá nặng. Trong những bức ảnh tư liệu của TS Nguyễn Văn Khải (GĐ Trung tâm đèn chiếu sáng và tiết kiệm điện năng) công bố mới đây, một góc lớp có 12 em nhưng có đến 8 em phải đeo kính cận.

Theo một nghiên cứu của ĐH Y Thái Nguyên từ hàng trăm học sinh 6-7 tuổi ở thành phố và nông thôn của Thái Nguyên, có 8,5% số học sinh thành phố và 5,2% số học sinh ở nông thôn bị cận thị.

Công bố của Trung tâm mắt Hà Tĩnh, trong số hơn 51.000 học sinh được khám mắt vừa qua, có gần 2.000 học sinh bị cận thị dưới 1 diop và hơn 1.000 học sinh bị cận từ 3- 6 diop. Trong đó, cận thị chủ yếu tập trung ở trường chuyên (hơn 16%).
 

Một lớp học thiếu ánh sáng. Ảnh Nguyễn Văn Khải.

Riêng Đà Nẵng, hiện có gần 9% số học sinh trung học bị cận thị. Nguyên nhân một phần cũng do thiếu ánh sáng học đường. Báo cáo của Sở GD&ĐT Đà Nẵng chỉ ra, nhiều trường học ở đây theo quy định phải có 6- 8 đèn tuýp nhưng thực tế phòng học có dưới 6 đèn. Một số trường gần khu công nghiệp, làng nghề, các cơ sở sản xuất... không đủ nguồn điện chiếu sáng mặc dù đã chuyển nguồn điện về đây. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tỉ lệ cận thị cao nhất nước. Công bố của Bệnh viện mắt TP Hồ Chí Minh, năm học 2007- 2008, tỉ lệ cận thị chiếm hơn 38%. Còn theo Hội Nhãn khoa VN, TP. Hà Nội đang có khoảng trên 20% số trẻ bị cận thị.

Theo BS Thế Hưng, cận thị học đường ở nước ta đang tăng cao (khoảng 40- 50%), đặc biệt là các trường nội thành, trường chuyên lớp chọn, do các em chưa biết vệ sinh mắt cũng như khoảng cách ngồi và chế độ ánh sáng trong lớp học.

Có thể gây mù loà

PGS- TS Võ Thị Minh Chí (Viện nghiên cứu sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, các tật của mắt không trực tiếp gây ra tổn thương cấp tính nhưng để lại hậu quả lâu dài, khó lường.

Nguyên nhân của tình trạng này, PGS- TS Minh Chí giải thích, nếu một học sinh phải ngồi trên ghế nhà trường từ lớp 1- 12 liên tục trong 15.000 giờ nhưng điều kiện vệ sinh, ánh sáng không đủ tiêu chuẩn, việc phát sinh tật cận thị hoặc cong vẹo cột sống là tất yếu.

Theo điều tra ở 12 trường từ tiểu học đến THPT thuộc ngoại thành Hà Nội của Hội đồng y khoa Hà Nội, nếu mở hết cửa sổ và cửa ra vào, lớp học đạt chuẩn ánh sáng theo Bộ Y tế quy định (từ 100 lux trở lên). Nhưng khi đóng toàn bộ cửa và bật đèn, ánh sáng chỉ đạt 54 lux. Nhiều trường ở nông thôn thường tiết kiệm và không bật đèn, chỉ khi có đoàn kiểm tra đến mới bật đèn trong lớp học.

Theo TS Nguyễn Chí Dũng (BV Mắt T.Ư), nếu để trẻ cận thị nặng có thể gây biến chứng bong võng mạc dẫn đến mù loà. Nếu phát hiện sớm để điều chỉnh ánh sáng, khoảng cách trong học tập và cấp kính, điều trị cho các em thì có thể tăng thị lực. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường học vẫn chưa quan tâm đến ánh sáng học đường. Nhiều gia đình chưa quan tâm đến vệ sinh và bảo vệ mắt cho trẻ, vì vậy nguy cơ không thể hồi phục mắt sẽ rất cao - nhất là trẻ từ 15 tuổi trở lên.

Hạnh Nguyên