Cần làm rõ việc “bung” ra nhiều trường CĐ, ĐH
Các Website khác - 19/12/2008

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết -Ảnh: VIỆT DŨNG
TT - Sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Trường CĐ, ĐH mọc như nấm sau mưa” (ngày 16 và 17-12), tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết:

- Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, từ năm 2005 đến tháng 8-2008 cả nước đã mở và nâng cấp 232 trường ĐH, CĐ, trong đó có 78 trường CĐ nghề. Tốc độ đó là quá lớn!

* Thưa GS, theo Bộ GD-ĐT, việc các trường ĐH, CĐ mới ra đời là nằm trong quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ đã được phê duyệt. Quy hoạch này có tính đến quy mô đào tạo, số lượng trường cần phải có để đạt tỉ lệ cần thiết bình quân SV/vạn dân vào các mốc 2015, 2020…

- Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ không được công bố rộng rãi. Đến bây giờ tôi mới được biết. Nhưng dù có công bố rộng rãi hay không, quy hoạch cũng phải có cơ sở khoa học, thực tiễn, khả thi. Theo tôi, những lý do đưa ra trong quy hoạch nhằm khẳng định nước ta phải có 600 trường ĐH, CĐ là không thuyết phục. Phải xem lại tỉ lệ SV/vạn dân. Tỉ lệ này bình quân của thế giới là 100.

Các nước khi tính tỉ lệ SV/vạn dân có khác với cách tính của ta: họ thống kê tất cả số người học tất cả chương trình, kể cả ngắn hạn, ở các trường ĐH. Cách học ĐH ở các nước cũng khác ở VN, người học ghi danh, có thể chỉ học một vài môn, một vài tín chỉ… Còn ta chỉ tính số SV chính thức. Theo tôi, không nên đặt quá cao mục tiêu số lượng mà phải tính đào tạo ra số lượng SV đó để làm gì.

* Nhưng theo Bộ GD-ĐT, phát triển hệ thống giáo dục ĐH còn nhằm để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Hàng trăm sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn phải sử dụng sảnh đãi tiệc cưới của một nhà hàng gần trường làm nơi học - Ảnh: NHƯ HÙNG
- Lý do thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân cũng chưa thuyết phục. Để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tốt hơn, ta phải chú ý hơn đến hệ thống giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, học suốt đời, học theo những phương thức phù hợp nhất với điều kiện, nguyện vọng của người dân, để người dân có thể học lên ĐH bằng nhiều con đường, ở bất cứ thời điểm nào.

Trên thực tế, việc phát triển ồ ạt các trường ngoài công lập, nhất là các trường ĐH, CĐ hiện nay đang trái với định hướng phân luồng của chúng ta. Có mấy mốc quan trọng để phân luồng.

Thứ nhất là sau THCS có thể phân luồng một bộ phận vào đào tạo nghề nghiệp để tham gia ngay vào thị trường lao động ở trình độ trung cấp, thì gần đây nhiều địa phương lại cho mở rất nhiều trường THPT dân lập. Các trường này đón hết số HS không vào được hệ thống trường THPT công lập. Vậy còn ai đi học trường nghề, trường trung cấp? Sau đó, đến hết THPT lại mở hàng trăm trường ĐH, CĐ ngoài công lập, tiếp tục đón số HS tốt nghiệp THPT và tương đương, kể cả bộ phận đáng ra phải học nghề hoặc ra đời làm việc…

* Thưa GS, có lẽ vấn đề không chỉ ở chỗ cho phép mở nhiều hay mở ít hơn số trường mà quan trọng ở chỗ nhiều trường ĐH, CĐ được ra đời, được phép mở ngành, được tuyển sinh khi không đủ điều kiện tối thiểu để đào tạo?

- Trước hết phải nhìn nhận việc cho mở các trường ĐH, CĐ quá thoải mái là một hạn chế. Cho mở nhiều trường trong khi không có đủ điều kiện tối thiểu về nguồn lực. Hiện diện tích đất bình quân cho một SV mới đạt 1,4m2 trong khi tiêu chuẩn do chính chúng ta đề ra là 6-10m2/SV. Trang thiết bị lấy đâu ra để đáp ứng sự bùng nổ về số lượng trường? Chính vì thế càng nhiều trường mới càng thiếu thốn về tài liệu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy.

Đội ngũ giảng viên có thể nói ngắn gọn là “không có đủ và có cũng không đảm bảo yêu cầu đào tạo chất lượng”. Tỉ lệ giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ hiện mới được trên 10,5%, chủ yếu tập trung ở trường lớn, trường công lập, các trường ngoài công lập mới thành lập hầu như không có. Với những điều kiện như hiện nay, cứ đào tạo sẽ cho ra lò sản phẩm chất lượng thấp, thị trường lao động không chấp nhận, không sử dụng và đó sẽ là một sự lãng phí lớn cho người dân, cho xã hội.

"Tôi cho rằng việc cần nhất bây giờ là phải xem xét lại những trường đã mở. Trường nào không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu cho hoạt động đào tạo, không thực hiện đúng các cam kết khi xin thành lập thì phải tạm dừng không cho tuyển sinh hoặc rút lại quyết định thành lập".

Cũng phải thừa nhận thời gian qua có một số trường ngoài công lập đã bước đầu chú ý đến tái đầu tư, xây dựng trường sở, đội ngũ giảng viên... nhưng những trường như thế hiếm lắm, đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Còn phần lớn các trường, phải nói thật là hoạt động theo phương thức kinh doanh.

Các trường đều thu học phí cao, thậm chí rất cao, ngoài phần chi cho việc trả công giảng viên lên lớp, phần còn lại chủ yếu thuộc về những người đầu tư mở trường dưới hình thức lợi nhuận. Ai cũng thấy là cực kỳ vô lý nếu đào tạo chất lượng thấp mà học phí lại cao, làm giàu cho một số người nhưng sản phẩm đào tạo ra xã hội không dùng được, người học tốn tiền và thời gian. Tôi không hiểu sao Bộ GD-ĐT, Chính phủ có thể chấp nhận hình thức kinh doanh này.

* Vậy sau khi giám sát về các điều kiện đảm bảo chất lượng ở hàng trăm trường ĐH, CĐ mới thành lập và trước thực tế hoạt động, chất lượng đào tạo của các trường này, theo GS, cần phải giải quyết như thế nào?

- Trong báo cáo kết quả giám sát, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã kiến nghị Bộ GD-ĐT cần phải kiên quyết không cho tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí tạm dừng tuyển sinh đối với các trường chưa đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Đồng thời kiến nghị Chính phủ rà soát quy hoạch mạng lưới và tiêu chí thành lập ĐH, CĐ để đảm bảo việc thành lập trường đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong một cuộc làm việc với bộ, ủy ban chúng tôi đã đề nghị tạm dừng thành lập các trường mới. Phía Bộ GD-ĐT cam kết sẽ tăng cường khâu hậu kiểm.

Tôi cho rằng việc cần nhất bây giờ là phải xem xét lại những trường đã mở. Trường nào không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu cho hoạt động đào tạo, không thực hiện đúng các cam kết khi xin thành lập thì phải tạm dừng không cho tuyển sinh hoặc rút lại quyết định thành lập.

Đáng lo ngại là hiện nay có những trường ĐH, CĐ không đạt điều kiện vẫn được phép tuyển sinh quá nhiều chỉ tiêu. Ví dụ như một số trường ĐH mới thành lập, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất... chưa có gì, ngay năm đầu đã được phép tuyển tới 700-800 chỉ tiêu. Trong khi những trường ĐH lâu năm, đầu ngành mỗi năm cũng chỉ dám tuyển với quy mô 1.200-1.500 sinh viên. So sánh như thế sẽ thấy việc cấp cho các trường mới, không đủ điều kiện tuyển sinh số chỉ tiêu như vậy là quá lớn, quá mạo hiểm...

* Thưa GS, nhiều ý kiến cho rằng những trường ĐH chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo có thể ra đời dồn dập trong thời gian qua là do quy trình, điều kiện mở trường chưa chặt chẽ, một số tiêu chuẩn còn quá thấp so với yêu cầu của một trường ĐH?

- Quy trình thủ tục, điều kiện để mở trường ĐH, CĐ đã có từ lâu. Theo tôi, quy trình đó không phải là không chặt chẽ. Thậm chí, nếu là người dân bình thường xin mở trường đâu có dễ. Nhiều người vẫn nói đùa rằng không nên gọi là trường “dân lập” mà phải gọi là trường “quan lập”. Vấn đề cần được làm rõ là thực tế xét duyệt cho mở các trường như thế nào, trên cơ sở, điều kiện cụ thể ra sao? Bộ GD-ĐT cần thanh tra làm rõ việc tại sao quy chế đề ra chặt chẽ nhưng khi mở trường lại “bung” ra nhiều trường hoàn toàn không đáp ứng tiêu chuẩn như vậy.

THANH HÀ thực hiện

Thừa cam kết, thiếu thực thi

Thực tế với điều kiện diện tích chật hẹp ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, việc tìm kiếm, lựa chọn mặt bằng để xây dựng trường CĐ, ĐH đạt chuẩn quy định là vấn đề vô cùng nan giải, việc thuê địa điểm giảng dạy vì vậy có thể hiểu được. Tuy nhiên thực trạng các trường chưa hề có bất kỳ cơ sở đào tạo chính thức nào mà vẫn “vượt rào” được cấp phép thành lập, vô tư tuyển sinh và công khai hoạt động nhiều năm trời rõ ràng là chuyện đáng quan tâm.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT và theo các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng, điều kiện để các trường được thành lập là bên cạnh phải đảm bảo các tiêu chí về giảng viên và công tác giảng dạy, các tiêu chí về cơ sở vật chất như diện tích đất đai xây dựng trường, bình quân diện tích đất và diện tích sàn xây dựng đối với sinh viên cho các khu vực chức năng khác nhau phải được bảo đảm.

Tuy nhiên, vấn đề rủi ro ở đây là các tiêu chí này khi được xem xét làm cơ sở để cấp phép thành lập thực chất chỉ là các bản quy hoạch hoành tráng cùng cam kết rất thơm thảo của các trường. Trong khi đó, các cơ quan hữu quan chỉ mải mê cấp phép thành lập dựa trên cơ sở là các bản vẽ quy hoạch xây dựng cùng những cam kết như vậy rồi... thôi!

Thực tế sau khi trường được thành lập, công tác kiểm tra giám sát tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc cơ sở vật chất cùng trang thiết bị của trường để làm cơ sở tuyển sinh các ngành nghề phù hợp khác nhau theo cam kết có vẻ ít được quan tâm, chế tài sai phạm càng rất ít được áp dụng! Vì thế, đúng như những gì Tuổi Trẻ phản ánh trong loạt bài “Trường CĐ, ĐH mọc như nấm sau mưa”, không ít trường đã vô tư tuyển sinh mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn hết sức nghèo nàn và các tiện nghi tối thiểu còn chưa được đáp ứng.

Với thực trạng thừa cam kết thiếu thực thi của các trường đã dẫn đến nhiều hệ lụy bất cập trước tiên cho người học, kế đến là xã hội.

KTS LÊ CÔNG SĨ