Hạn chế đào tạo tiến sĩ “tại chức”
Các Website khác - 12/12/2008

 Đầu vào và quá trình đào tạo tiến sĩ (TS) hiện nay được xem là chưa đi vào thực chất... 200 đại biểu đến từ các trường, khoa thành viên ĐHQG TP.HCM và các đại biểu đến từ các trường ĐH, học viện, viện có đào tạo sau ĐH nhận định như trên tại hội thảo “Cải tiến tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo TS tại ĐHQG TP.HCM” do ĐHQG TP.HCM tổ chức ngày 10-12.

Các tân tiến sĩ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp (31-10-2008) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Lê Hương, phó vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, Bộ GD-ĐT, khi phát biểu thẳng thắn nhìn nhận hiện nay số lượng nghiên cứu sinh (NCS) đầu vào ngày càng giảm, số lượng NCS bỏ dở việc nghiên cứu giữa chừng ngày càng tăng. Chất lượng đào tạo TS chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Tiến sĩ cũng “tại chức”

Các ngôn ngữ khác cũng cần như tiếng Anh

Trong những ngày gần đây, báo chí có nói nhiều về việc thi tiếng Anh trong tuyển NCS và coi đó như là một giải pháp hữu hiệu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Về vấn đề này, theo chúng tôi cần phải thảo luận nghiêm túc. Việc quá chú trọng vào tiếng Anh là tự chúng ta đang phủ nhận sự đa dạng của nguồn đào tạo và rất lãng phí. Tiếng Anh dù là một ngôn ngữ như thế nào cũng không phải là tất cả, bởi xét cho cùng, cũng như các ngôn ngữ khác, tiếng Anh thật sự chỉ là công cụ trong công tác nghiên cứu, học tập. Mà một khi đã là công cụ thì ngôn ngữ nào cũng sẽ có ích khi chúng ta hiểu kỹ ngôn ngữ đó. Một ứng xử văn hóa bình thường là khi chúng ta đã tôn trọng tiếng Anh cũng phải tôn trọng các ngôn ngữ khác.

GS.TS Ngô Văn Lệ (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

Trong báo cáo của mình, Ban đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM đã nhìn nhận những hạn chế trong quá trình đào tạo là “số lượng quá đông NCS theo học hình thức này kéo theo một số bất cập về tiến độ đào tạo, chất lượng nghiên cứu”. Và cũng theo thống kê của ĐHQG TP.HCM, chỉ có 9% số NCS đảm bảo được quy định về thời gian đào tạo, phần lớn NCS không thể hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn.

Vì sao đa số NCS lại chọn con đường không tập trung? Có rất nhiều nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra, đó là đa số NCS theo học hệ này đều là cán bộ vừa học vừa làm, gánh nặng gia đình, kinh phí nghiên cứu làm luận án... nên chưa toàn tâm toàn ý cho học tập, nghiên cứu tại trường.

Bên cạnh đó, theo GS.TSKH Lê Huy Bá (Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM): “Quá trình nghiên cứu đề tài các nơi thường khoán trắng cho NCS, cơ quan quản lý (khoa, bộ môn) không biết và không cần biết vì họ không được giao nhiệm vụ cụ thể, không có trách nhiệm nào cả. Phần lớn NCS tự trang trải nên họ làm sao cứ phó mặc cho “ông trời”. Thường thì hệ đào tạo đã có bằng thạc sĩ đăng ký hai năm học tập trung nhưng hầu như đều kéo dài ba năm, thậm chí năm năm với đủ mọi lý do. Trễ hạn rồi xin gia hạn là chuyện rất bình thường của NCS”.

Trong tham luận của mình, PGS.TS Trần Thọ Đạt (Viện đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân) đã ví von việc đào tạo hệ không tập trung này như “tại chức”: “Một điều mới mẻ rất đáng trân trọng trong dự thảo quy chế đào tạo TS đó là việc bãi bỏ hình thức đào tạo không tập trung, buộc NCS phải học tập trung, ít nhất cũng trong thời gian tham gia các môn học của chương trình TS.

Có thể nói quy định mới này chính là một rào chắn đối với kiểu TS “tại chức”, vốn đang là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong công tác đào tạo TS tại VN. Hiện nay việc học bậc TS quá đơn giản so với nước ngoài. Tại nhiều cơ sở đào tạo, NCS chỉ phải thực hiện ba chuyên đề TS rồi tự làm luận án tại nhà hay tại cơ quan. Có trường hợp NCS trong ba năm đào tạo hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, thậm chí chỉ gặp vài lần cán bộ hướng dẫn... thế nhưng vẫn bảo vệ thành công luận án TS”.

Đầu vào tiến sĩ nên xét tuyển

Ý kiến từ Phòng đào tạo sau ĐH, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) về thay đổi quy trình tuyển chọn NCS theo hướng xét tuyển, ưu tiên tuyển chọn những NCS trẻ, có năng lực nghiên cứu đã được nhiều đại biểu tán đồng. TS Trương Thị Kim Chuyên (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Hầu hết các trường ĐH trên thế giới đều áp dụng việc xét tuyển thay cho thi tuyển. Hồ sơ của thí sinh xét tuyển có thể khác nhau, tùy theo từng trường nhưng chủ yếu thường bao gồm lý lịch khoa học, các bài báo, đề cương nghiên cứu, thư giới thiệu của giáo sư đầu ngành... kèm theo các chứng nhận liên quan đến tiếng Anh hoặc các kỹ năng khác”.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Cành (Khoa kinh tế, ĐHQG TP.HCM): “Nhà nước cần phải có các quy định cụ thể về chuẩn đào tạo bậc TS theo từng lĩnh vực khác nhau. Các chương trình đào tạo cần phải được kiểm định chất lượng. Cần nhanh chóng thực hiện phân loại các chương trình thạc sĩ nghiên cứu và thạc sĩ thực hành để tạo điều kiện chọn lọc tốt đầu vào cho đào tạo TS. Cần có sự hợp tác đào tạo TS giữa các trường VN và các trường nghiên cứu quốc tế”.

Còn theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, để nâng cao chất lượng đào tạo TS thì vấn đề kinh phí đóng vai trò rất quan trọng. TS Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp nên tài trợ cho nhóm nghiên cứu thông qua thầy hướng dẫn hoặc NCS để họ đủ kinh phí thực hiện đề tài mà họ đang theo đuổi. Bản thân các nhóm nghiên cứu, các thầy hướng dẫn phải kết hợp với các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước. Để thông qua những việc đó chẳng những họ phải có đủ kinh phí mà còn phải trực tiếp tham gia và gắn kết các công trình nghiên cứu của mình với thực tế của thành phố và địa phương.

Bàn về thời gian đào tạo, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng thời gian đào tạo ba năm như hiện nay là không phù hợp: “Thời gian để một NCS bảo vệ luận án không những ba năm mà kéo dài đến bốn, năm thậm chí sáu, bảy năm. Thời gian ba năm như hiện nay là không đủ cho một NCS thực hiện xong một luận án. Sắp tới chúng tôi đề xuất các NCS trúng tuyển phải được đào tạo tập trung để họ toàn tâm toàn ý cho luận án của mình”.

N.PHAN - Q.PHƯƠNG