| |||
Trường THCS bán trú cụm xã Trà Don, cách thị trấn Tắc Pỏ, trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chừng 9 km, từ cuối tháng 11 đến nay, mưa lũ lớn đã làm đường sá bị chia cắt. Giá lương thực thực phẩm ở trung tâm xã đội lên rất cao. Giá gạo khoảng 10 nghìn đồng/kg, nhưng chất lượng gạo chỉ tương đương với loại gạo 5.000 đồng/kg dưới đồng bằng. Hơn nửa tháng bị cô lập do mưa lũ, cả thầy cô và các em học sinh ở đây đều phải cố sức tiết kiệm lương thực, tránh để các em phải đứt bữa. Học sinh đến trường mỗi ngày chỉ một nắm cơm. Hôm nào vào rừng được thì cải thiện bữa ăn với rau rừng và củ khoai, củ sắn. Chứng kiến bữa ăn chiều của các em tại trường, chúng tôi chỉ thấy cơm và canh (gồm mì tôm nấu với bí đao), tuy nhiên cơm bị nhão và khét. Cô phụ trách cho hay do mùa mưa, củi bị ẩm ướt nên nhen lửa mãi không cháy, đến khi củi cháy thì gạo đã nở. Thầy hiệu phó trường THCS bán trú cụm xã Trà Don Nguyễn Phước Tỉnh cho biết, hiện gạo ở trường có thể nấu cho các em ăn đến cuối tháng 12, mì tôm thì đang mua tạm ở nhà dân, rau cải đã đứt từ vài ngày nay, các loại thực phẩm khác cũng đang sử dụng cầm chừng chờ trời nắng ráo ra huyện chở về. Nếu thời tiết tiếp tục bất lợi, gây chia cắt giao thông, hàng trăm em học sinh sẽ không còn gạo ăn trong vòng nửa tháng tới. “Toàn trường có 193 học sinh, trong đó có 100 em ở nội trú tại chỗ để học. Mỗi tháng các em học sinh ở bán trú được cấp 100.000 đồng từ ngân sách tỉnh. Với mức hỗ trợ này, thực lòng, nhà trường chỉ có thể lo được cho các em có gạo ăn. 1kg gạo hiện nay rẻ cũng đã 10 nghìn đồng, có đợt lên đến 17-18 nghìn đồng. Còn lại các em tự túc thức ăn với rau rừng, khoai củ. Ở cái vùng hơn 70% hộ dân thuộc diện nghèo, học trò cũng như nhà dân đã quen với những bữa ăn thiếu trước hụt sau”, thầy Võ Đăng Chín, hiệu trưởng trường THCS bán trú cụm xã Trà Don nói. Đường đến trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân, cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng chừng 12km, vừa chạy xe vừa dắt bộ gần 2 giờ đồng hồ thì đến nơi. Hơn nửa tháng nay, 20 cán bộ, giáo viên và 110 em học sinh bán trú tại đây cầm hơi bằng cơm và rau rừng. Bữa cơm giáo viên vùng cao, sang lắm là có món trứng luộc dầm mắm hoặc… trứng chiên. Còn các em học sinh, tận mắt chứng kiến bữa cơm chiều của các em, không ai trong chúng tôi có thể không chạnh lòng. Cứ mười em học sinh được độc một mâm cơm trắng. Nhưng thương nhất là trong mùa đông giá rét, các em đến trường học chỉ với một manh áo mỏng. Các thầy cô mỗi khi về xuôi thăm gia đình vẫn tranh thủ xin áo ấm cũ mang về cho các em ở trường, nhưng cũng chỉ lo được một phần. Có trải qua đêm miền núi mùa đông mới thấu cái lạnh cắt da, cắt thịt. Vậy mà các em đến trường học, không có áo ấm, đêm ngủ không chiếu, không chăn. Chuyện nửa đêm học trò vào trường báo thầy cô biết có bạn đang bị nhiễm lạnh, sốt cao là chuyện thường. Hỏi các em “đêm ngủ có được không”, em Hồ Văn Nhơn, học sinh lớp 6 trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân hồn nhiên: “Không có chăn lạnh lắm. Bọn em ba bạn nằm chung một giường quàng vào nhau cho đỡ lạnh mà không hết lạnh. Trời mưa, củi trong rừng ướt hết, không nhen lửa sưởi ấm được”. Trong khu nhà bán trú vào loại sang nhất ở các xã vùng cao huyện Nam Trà My, hầu hết các em ngủ trên những chiếc giường tầng chỉ trơ những dát gỗ, không chiếu không chăn, lác đác vương vãi sách vở. Chỉ một số hiếm hoi có chăn ở nhà mang vào trường san sẻ với bạn. Lòng chúng tôi như se thắt lại khi nghĩ tới mùa đông còn kéo dài trong vài tháng nữa rồi cả những mùa đông sau, các em sẽ chịu đựng sao đây.
Tuyến giao thông về các xã Trà Vân và Trà Don hiện nay vẫn còn nhiều đoạn sạt lở, lầy lội, cánh xe ôm chạy loại xe chuyên trị đường núi cũng chưa chở được hàng hoá về.
Khánh Hiền - Công Bính |
▪ Khi teen bị "khóa" bởi những quy định vô lý ở trường? (12/12/2008)
▪ Hạn chế đào tạo tiến sĩ “tại chức” (12/12/2008)
▪ Thi tốt nghiệp THPT: Không nên lệ thuộc cấu trúc đề thi (12/12/2008)
▪ Thí điểm gắn camera phòng thi tốt nghiệp 2009 (12/12/2008)
▪ Hà Nội tuyển dụng gần 1.000 giáo viên (11/12/2008)
▪ Hà Nội tuyển dụng gần 1.000 giáo viên (11/12/2008)
▪ Những con số “cứng” của Chiến lược phát triển giáo dục (11/12/2008)
▪ Bi hài bé học tiếng Anh khi chưa rành tiếng Việt (11/12/2008)
▪ Giáo dục trong lo sợ (10/12/2008)
▪ Các trường ĐH loay hoay tiêu tiền tỷ (10/12/2008)