Ông Nguyễn Hải Châu - Ảnh: T.V.H. |
TT - Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2008-2009 đối với giáo dục trung học quy định “bắt buộc kiểm tra học kỳ với hình thức tự luận”, nhiều HS lớp 12 băn khoăn sẽ mất đi một cơ hội được “tập dượt” thi trắc nghiệm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Châu - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết:
- Đến thời điểm này chỉ có một văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2008-2009 đối với giáo dục trung học. Theo đó, các trường vẫn áp dụng hình thức đề tự luận trong kiểm tra học kỳ. Các trường cần chủ động trong việc tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 bằng các hình thức khác nhau, không nhất thiết phải “tập dượt” vào kỳ kiểm tra học kỳ.
Khi trao đổi trực tiếp với một số trường ở các địa phương, chúng tôi cũng nhấn mạnh đến việc hướng dẫn HS ôn tập kiến thức trong phạm vi chương trình. Dù thi theo cấu trúc đề nào, hình thức tự luận hay trắc nghiệm, nội dung đề cũng gói gọn trong chương trình hiện hành.
![]() |
Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2008 tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng |
Trên cơ sở cấu trúc chi tiết từng môn thi tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp bổ túc THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cung cấp, NXB Giáo Dục đã xuất bản các cuốn sách cấu trúc đề thi môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý năm 2009, giới thiệu các đề thi minh họa cho cấu trúc để thí sinh tham khảo.
* Do hướng dẫn của Bộ GD-ĐT yêu cầu “vẫn kiểm tra học kỳ bằng hình thức tự luận” nên các trường mới không dám “chủ động”. Hiện nhiều trường vẫn đang chờ đợi hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT, xin ông cho biết có hướng dẫn mới cho các trường về việc “tập dượt thi qua kỳ kiểm tra học kỳ 1” không?
- Bộ GD-ĐT đang xem xét việc này. Nhưng cá nhân tôi cho rằng các trường, giáo viên và HS không nên quá lệ thuộc vào cấu trúc đề thi, các cuộc “tập dượt” cũng nhằm mục đích để HS biết phần kiến thức nào còn yếu để bổ sung. Nếu nắm chắc kiến thức được học, HS có thể làm bài thi nhanh, chính xác cho dù đề thi ra theo kiểu gì.
* Theo cấu trúc đề thi mới công bố, nhiều trường cho rằng “chương trình phân ban sẽ phá sản” vì HS chỉ cần học ban cơ bản với chương trình chuẩn và nâng cao của ban này là có thể đạt yêu cầu của các kỳ thi. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Thiết kế đề thi sẽ đảm bảo những HS chỉ cần học chương trình chuẩn có thể đạt yêu cầu thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tôi không cho rằng vì điều đó phân ban sẽ “phá sản”. Trên thực tế sẽ vẫn có những HS có nhu cầu học sâu các môn khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, hoặc có năng lực tốt hơn một số môn học nào đó nên sẽ chọn học các ban tự nhiên hoặc xã hội. Hơn nữa, mặc dù ban cơ bản cũng có chương trình nâng cao, nhưng ở mỗi ban cách tiếp cận môn học có những điểm khác nhau.
Vì thế nếu HS có thiên hướng học tự nhiên hay xã hội ở các bậc học cao hơn nên chọn các ban phù hợp từ bậc THPT. Nếu học chỉ để tốt nghiệp THPT thì học ban cơ bản là phù hợp. Cấu trúc đề thi như đã công bố có thể sẽ khiến năm tới có nhiều HS hơn đăng ký ban cơ bản, nhưng tôi chắc chắn các ban khác vẫn có HS đăng ký.
* Theo cấu trúc đề thi, thí sinh chỉ được làm một trong hai phần riêng, phù hợp với chương trình được học. Theo ông, việc này có khả thi không khi trên thực tế các hội đồng thi sẽ không thể kiểm soát được việc này?
- Áp dụng cấu trúc đề này, chắc chắn ban chỉ đạo thi sẽ phải bàn bạc để có phương án kiểm soát được. Nhưng ở khía cạnh quản lý bậc học, tôi nghĩ phần đề chung đã chiếm đến 80%, phần riêng chỉ có 20% nên có thể phần đề riêng sẽ được ra rất sát với từng chương trình (chuẩn hay nâng cao). Vì thế HS học tốt chương trình mình được học thì chọn phần đề phù hợp với chương trình đó sẽ đạt điểm cao hơn.
* Năm 2009, thí sinh tự do sẽ phải bổ sung nhiều kiến thức mới trong quá trình ôn tập mới có thể đạt yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, vậy sắp tới Vụ Giáo dục trung học có hướng dẫn gì với ngành GD-ĐT các địa phương để hỗ trợ số thí sinh này không, thưa ông?
- Độ vênh về kiến thức giữa chương trình lớp 12 mới với chương trình cũ không lớn, có môn học “vênh” ít, nên thí sinh tự do cần tìm hiểu trên cơ sở sách giáo khoa, tài liệu để tự bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị các sở GD-ĐT hướng dẫn các trường THPT tiếp nhận thí sinh tự do vào các lớp ôn thi trước thời điểm thi khoảng 1-2 tháng để thí sinh tự do có cơ hội được củng cố kiến thức.
Môn văn trong chương trình lớp 12 mới có khoảng gần một nửa nội dung mới so với chương trình cũ của môn học này. Ví dụ phần giảng văn của sách giáo khoa lớp 12 tập 1 có chín tác phẩm thì bốn tác phẩm mới. Có những tác phẩm mới hiện chưa có tài liệu tham khảo nên nhiều giáo viên còn lúng túng khi thu thập tài liệu phục vụ thiết kế bài giảng như tác phẩm Tiếng đàn ghita của Lorca (Thanh Thảo), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Vì vậy thí sinh tự do sẽ gặp khó khăn khi phải tự bổ sung kiến thức mới để dự thi năm tới. (Ý kiến của giáo viên Trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng trong diễn đàn về dạy học văn theo chương trình sách giáo khoa mới) |
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
▪ Thắt lòng ở Nam Trà My (12/12/2008)
▪ Khi teen bị "khóa" bởi những quy định vô lý ở trường? (12/12/2008)
▪ Hạn chế đào tạo tiến sĩ “tại chức” (12/12/2008)
▪ Thí điểm gắn camera phòng thi tốt nghiệp 2009 (12/12/2008)
▪ Hà Nội tuyển dụng gần 1.000 giáo viên (11/12/2008)
▪ Hà Nội tuyển dụng gần 1.000 giáo viên (11/12/2008)
▪ Những con số “cứng” của Chiến lược phát triển giáo dục (11/12/2008)
▪ Bi hài bé học tiếng Anh khi chưa rành tiếng Việt (11/12/2008)
▪ Giáo dục trong lo sợ (10/12/2008)
▪ Các trường ĐH loay hoay tiêu tiền tỷ (10/12/2008)