Bỏ học, dưới góc nhìn của một chuyên gia nước ngoài
Các Website khác - 14/05/2008

Tiền phong có cuộc trao đổi với GS TS Donald B. Holsinger (chuyên gia Giáo dục học, trường ĐH Brigham Young, Hoa Kỳ)- chuyên gia tư vấn cho Dự án phát triển GD THCS II (Bộ GD&ĐT), về vấn đề học sinh bỏ học và chất lượng GD ở Việt Nam. 

GS TS Donald B. Holsinger

Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào điều kiện được đi học của người dân Việt Nam?

Tôi làm chuyên gia cho Dự án THCS từ cách đây khoảng 7 – 8 năm, nhưng từ trước đó vài ba năm tôi đã bắt đầu nghiên cứu giáo dục Việt Nam.

Tôi đã dành khá nhiều thời gian xem xét vấn đề liên quan tới tình trạng HS bỏ học và có những tư liệu rất thú vị.

Căn cứ vào những tư liệu tôi có được về lực lượng người lao động ở 61 tỉnh/ thành của VN năm 2004, tôi nhận thấy trung bình số năm học của người lao động trên cả nước tương đối cân bằng. Nơi ít nhất (An Giang) bình quân mỗi người lao động được đi học 5,47 năm. Nơi nhiều nhất (Hà Nội) cũng chỉ là 9,32 năm.

Như vậy, trình độ học vấn bình quân của nơi thấp nhất chí ít cũng đã hết cấp tiểu học (5 năm). Tuy nhiên, cả nước cũng chỉ có một địa phương mà lực lượng lao động đạt trình độ học vấn bình quân trên 9 năm (chỉ mới vượt qua một chút ngưỡng THCS) – nghĩa là không cao.

Những con số khái quát trên rất hữu ích nhưng sẽ là phiến diện nếu chỉ căn cứ vào đó để suy xét. Do đó tôi đã sử dụng một thang đánh giá khác – đó là chỉ số Gini.

Đây là một cách đánh giá mới nhưng mang lại hiệu quả khá chính xác về tình trạng đồng đều hay không của một hệ thống giáo dục. Kết quả cho thấy VN có hệ thống giáo dục tương đối đồng đều (cơ hội đi học được chia đều cho người dân - PV), mức đồng đều tương đương với Nhật Bản.

Tôi xin nhấn mạnh, đây là tôi so sánh về mức độ đồng đều trong giáo dục chứ không phải về chất lượng giáo dục. Nơi có mức đồng đều thấp nhất là Hà Giang – 0,31 (chỉ số bình quân của cả nước là 0,24). Nơi mức đồng đều cao nhất là Hải Dương – 0,16 (chỉ số Gini càng thấp chứng tỏ mức độ đồng đều càng cao).

Mặc dù chỉ số Gini không mô tả được tình trạng HS bỏ học như thế nào nhưng có thể chỉ ra nơi nào người dân ít được đi học nhất và cần được tập trung đầu tư nhất. 

VN là một nước đang phát triển nhưng nhìn vào mức độ đồng đều của hệ thống giáo dục của đất nước này thì khó mà xem VN là một nước nghèo. So với các nước Đông Nam Á, mức độ đồng đều của VN là cao nhất. Trong số những nước đang phát triển thì Việt Nam và Cuba là hai quốc gia đạt được mức độ đồng đều cao.

Theo tôi, có thể vì đây là những nước XHCN (một trong những điều rất tốt mà các nước XHCN thường tập trung là cố gắng thực hiện sự công bằng, sự đồng đều). Trung Quốc cũng là một nước XHCN nhưng vì quá rộng, quá đông dân nên dù rất nỗ lực nhưng họ vẫn không thể nào đạt được sự đồng đều cao trong giáo dục.

Phải chăng trong điều kiện một nước đang phát triển như VN nếu có một tỷ lệ nào đó HS bỏ học thì cũng là điều dễ giải thích?

Tình trạng bỏ học không chỉ xảy ra ở VN mà diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới, do đó không thể chỉ phê phán hay chỉ trích VN. Trong hoàn cảnh cụ thể của VN hiện nay cần quan tâm hơn tới chất lượng giáo dục ảnh hưởng tới tình trạng bỏ học như thế nào.

Nếu HS đến trường mà cảm thấy không học được cái gì thì dần dần các em sẽ chán mà bỏ học. Theo tôi, dù mức độ đồng đều về giáo dục của VN tương đối cao nhưng chất lượng không cao lắm. Điều này chắc chắn sẽ tác động ngược trở lại tới sự bền vững của mức độ đồng đều.

Vấn đề HS bỏ học ở VN chưa được nghiên cứu nhiều nên mối quan hệ giữa chất lượng – quy mô mà tôi đang trao đổi chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, với 35 năm nghiên cứu giáo dục, tôi tin phỏng đoán của tôi là có ích. Tôi đã từng biết đến những GV bỏ việc đi dạy trong trường để dạy thêm vì đơn giản là dạy thêm có thu  nhập cao gấp 10 lần dạy chính thức.

Tôi cũng được biết về tình trạng HS tuy đã được đi học ở trường rồi nhưng vẫn phải đi học thêm vì có như thế các em mới đạt kết quả học tập cao, mới đỗ đại học. Vấn đề đặt ra là phải trả cho GV mức lương xứng đáng để họ đầu tư tâm trí và thời gian vào việc nâng cao chất lượng dạy học.

Mặt khác Bộ GD&ĐT phải có những quy chế buộc các trường học cũng như các GV phải có trách nhiệm giảng dạy cho HS đạt được những mục tiêu chất lượng đã được đặt ra. Chất lượng hoạt động kiểm tra, đánh giá trong nhà trường cũng phải được nâng cao để tránh việc GV cho điểm HS không thực chất.

Dự án THCS II (Bộ GD&ĐT) mà tôi đang tham gia với tư cách chuyên gia cũng đã và đang nỗ lực góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học ở trường THCS.

Với một đất nước có nguồn ngân sách hạn hẹp như Việt Nam, làm sao Chính phủ đủ tiền chi trả mức lương xứng đáng cho GV được ngay  khi mà  lực lượng này hiện nay rất đông (khoảng 1 triệu người)?   

Giáo dục Tiểu học, giáo dục THCS cần được xem là “hàng hóa công”, người dân muốn Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư xứng đáng cho các cấp học này.

Nhưng với cấp THPT hoặc cao hơn tôi nghĩ tình hình có thể khác. Bản thân người học sẽ được hưởng nhiều cái lợi khi tham gia các cấp học, bậc học này (cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn, thu nhập hứa hẹn cao hơn...). Do đó, nhiều nước (trong đó có Phần Lan, Nhật Bản) người ta đòi hỏi người học phải có trách nhiệm đóng góp tài chính, người giàu phải trả nhiều tiền hơn người có mức sống trung bình hoặc người nghèo.

Tuy nhiên, tôi thấy cần phải khẳng định, để giải quyết vấn đề chất lượng học tập thì không chỉ là vấn đề tăng lương. Đây là một bài toán khó giải quyết và nó đang được các nhà quản lý GD, các nhà chuyên môn, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế phải tiếp tục trao đổi để tìm ra lời giải đáp.

Cảm ơn ông!

Quý Hiên