Lớp học của những học sinh nghèo
Các Website khác - 23/06/2008

 

Ông bà Tư trên giờ lên lớp
Năm nay, cả hai vợ chồng ông bà đều đã 68 tuổi. Người dân trong vùng thường gọi là ông bà Tư. Từ năm 1994 đến nay, người dân ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An- tỉnh Bình Dương biết đến ông bà với tấm lòng yêu trẻ.

Thất học vì nghèo

Tôi tới lớp học tình thương của ông bà Tư vào một buổi sáng, lớp học rôm rả bởi tiếng phát âm của các em nhỏ. Nhìn những cặp mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em khó ai có thể nghĩ sau buổi học các em lại tiếp tục lao vào công việc lượm ve chai, bán vé số quen thuộc của mình để mưu sinh.

Ông bà Tư quê gốc miền Tây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông bà chuyển tới ấp Tân Lập lập nghiệp sau năm 1975. Bản thân bà Tư trước đây cũng từng là cô giáo. Còn ông Tư vốn là nhân viên bảo vệ cho Công ty TNHH Đại Dương ở địa phương này.

Nguồn thu nhập chính của gia đình ông bà Tư chỉ dựa vào quán hủ tiếu và buôn bán nhỏ không đáng là bao. Mấy chục năm chuyên tâm làm ăn, cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo thường trực của gia đình nữa. Tuy không hơn so với những gia đình khác, nhưng cái nghiệp dạy học vẫn còn đeo đẳng bà Tư khi phải chứng kiến rất nhiều trẻ em nghèo thất học. Vùng đất ấp Tân Lập có đông dân nhập cư, cuộc sống của người dân ở đây hết sức khó khăn và tạm bợ. Nhà cửa lụp xụp hoặc phải thuê, mướn. Trong khi đó, thu nhập hằng ngày của họ hết sức bấp bênh chỉ dựa vào khoản tiền ít ỏi từ các công việc như: phụ hồ, lượm ve chai, bán hàng rong... Việc lo hai bữa ăn hằng ngày đã khó thì lấy đâu ra tiền cho con đi học.

Sự tiếp sức của cộng đồng

Năm 1994, ông bà Tư mở lớp học tình thương miễn phí. Ông bà Tư chạy vạy xin hỗ trợ bàn ghế cũ ở các trường học đồng thời đi vận động các gia đình cho con đi học. Lớp học ngày càng đông, đến nay lớp học tình thương duy trì ở mức 80 em, có khi lên tới 100 em.

Rồi niềm vui cũng đến với ông bà Tư và các em ở đây, tháng 12-2001, được sự quan tâm và hỗ trợ của UBND xã, huyện, phòng giáo dục và từ các tấm lòng hảo tâm, hai phòng học khang trang đã được khánh thành. Ước mơ có một lớp học rộng rãi, đầy đủ bàn ghế, không còn dột lúc trời mưa của ông bà Tư đã trở thành hiện thực.

Anh Nguyễn Văn Uốt, quê ở An Giang, hiện đang làm công ở bãi sắt phế liệu 621 (ấp Tân Lập). Anh có 4 con theo học ở lớp tình thương của ông bà Tư. Anh Uốt tâm sự: “Tôi mang ơn ông bà Tư nhiều lắm, không có lớp học tình thương của ông bà thì 4 đứa con của tôi đều dốt cả, bây giờ chúng biết tính toán thành thạo”.

Trước kia, ông bà Tư dạy suốt cả tuần nhưng thời gian gần đây do tuổi cao sức yếu, ông Tư lại mang trong mình căn bệnh hen suyễn mãn tính nên một tuần ông bà Tư chỉ dạy vào các sáng thứ hai, tư, sáu và chia làm hai ca. Gần đây lớp học này được tiếp sức bởi các nhóm sinh viên tình nguyện của các trường: ĐH An ninh Nhân dân, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Nông Lâm, ĐH KHXH&NV. Hiện nay, ông bà Tư được gia đình các em học sinh đóng góp mỗi tháng 15.000 đồng/em để lo tiền điện, nước và đồ dùng cho việc giảng dạy.

Suốt 15 năm, với tất cả tâm huyết, năm 2004, ông bà Tư được tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và nhiều bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước ngành GD - ĐT.

Bài và ảnh: HOÀNG LỘC (TPHCM)