Trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2008, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tăng chỉ tiêu 10% so với 2007. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến một số trường ĐH-CĐ tại TPHCM có số lượng TS đăng ký dự thi tăng đột biến.
![]() |
Thí sinh dự thi vào ĐH Y Dược phải ngồi làm bài trên những bộ bàn ghế dành cho học sinh tiểu học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Q1. Ảnh: Mai Hải - SGGP |
TS đăng ký dự thi tăng, giá cả leo thang đã gây nhiều khó khăn cho các trường ĐH-CĐ trong công tác tìm thuê phòng thi, giáo viên coi thi.
Áp lực từ chỉ tiêu
Cùng với thông tin các trường được phép tăng 10% chỉ tiêu, một số trường ĐH, CĐ tại TPHCM mới được thành lập cũng đã giúp cho TS có nhiều lựa chọn hơn trong kỳ thi năm nay.
Điển hình nhất là Trường ĐH Mở TPHCM, những năm trước chưa đầy 20.000 TS thì năm nay tăng lên 44.000 TS; ĐH Khoa học Tự nhiên tăng hơn gấp đôi (29.104 TS); ĐH Ngân hàng TPHCM gần 22.000 TS (tăng 9.000 TS).
Một số trường tại các quận 1, 3, 5 và Gò Vấp như ĐH Y Dược, Công nghệ Thực phẩm, Ngân hàng, Kinh tế cũng có số lượng TS tăng mạnh… Tất thảy đều làm tăng nhu cầu thuê mướn địa điểm thi tại những khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết, do số lượng TS đăng ký tăng hơn gấp đôi nên công việc thuê mướn phòng thi của trường gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước.
Ngoài những địa điểm nhiều năm "gắn bó với trường", chúng tôi cũng phải cố gắng tìm thêm một số địa điểm mới. Đó là chưa nói một số trường phải "nhảy cóc" đến vài ba quận mới thuê được địa điểm thi như: ĐH Y Dược, ĐH Hoa Sen, ĐH Kinh tế…
Cùng với các trường trong trung tâm thành phố, tại Thủ Đức và quận 9, số lượng TS của các trường: ĐH Nông Lâm TPHCM, Sư phạm Kỹ thuật, Giao thông Vận tải, Cảnh sát Nhân dân cũng đã vượt xa con số 150.000 TS. Trong đó, ĐH Nông Lâm có gần 75.000 TS (tăng gần 20.000) chiếm tới 70% TS của khu vực này.
Đáng nói hơn, cùng với ĐH Nông Lâm, các trường ĐH Giao thông Vận tải – Cơ sở II, Sư phạm Kỹ thuật có đến gần 100.000 TS cùng tập trung thi đợt 1, khối A.
"Vì vậy, những trường có số lượng TS tăng đột biến tại khu vực này buộc phải lấn sang tận phường Long Bình, quận 9 giáp với huyện Dĩ An (Bình Dương) thuê điểm thi.
Với việc tăng thêm hơn 10 địa điểm thi mới thì việc tìm kiếm và thuê phòng thi tại quận Thủ Đức và quận 9 sẽ gây nhiều khó khăn cho trường, nhất là về công tác tổ chức bố trí, điều hành, vận chuyển tài liệu thi" - ông Trần Thanh Phong, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông lâm TPHCM, tâm sự.
Phòng thi thời "sốt giá"
Ghi nhận từ một số trường cho thấy, giá thuê phòng thi năm nay tăng 50.000 - 100.000 đồng/phòng. Nếu như năm ngoái phòng thi có giá 100.000 - 150.000 đồng/phòng thì năm nay phải đến 150.000 – 200.000 đồng/phòng.
Thêm vào đó, tiền thuê giáo viên coi thi cũng tăng, khoảng 250.000 - 300.000 đồng/người. Do vậy, một số trường do quá cả tin vào mối thân quen nên cứ ậm ừ và khi đến nơi thuê phòng thì đã bị trường khác "phỗng tay trên".
"Với mức giá thuê phòng như năm nay, cộng với việc lệ phí thi không được phép tăng, mùa tuyển sinh 2008 tính sơ sơ trường cũng phải bỏ ra ít nhất 1 tỷ đồng để lo công tác tuyển sinh", lãnh đạo một trường ĐH phân tích.
Đáng nói hơn, tháng 4-2008, Bộ Y tế ra thông báo quy định Trường ĐH Y Dược TPHCM không được thuê những trường tiểu học làm điểm thi do cơ sở vật chất, kích thước bàn ghế, phòng học... không đảm bảo yêu cầu.
Tuy nhiên do bị dồn vào thế bí, trường đã nhắm mắt thuê gần 10 điểm thi là trường tiểu học. Nhận định về quyết định này, nhiều trường cho rằng quy định như vậy là quá khó cho ĐH Y Dược.
Thực tế cho thấy, không chỉ có ĐH Y Dược mà rất nhiều trường đã thuê trường tiểu học vì nếu chỉ chọn trường THPT và THCS thì chắc chắn sẽ không đủ cho kỳ thi tuyển sinh.
Vấn đề ở đây là nếu một số trường tiểu học có cơ sở vật chất tốt thì hoàn toàn có thể bố trí cho TS ngồi thi, mỗi bàn một học sinh, mặc dù như thế không thoải mái lắm cho các TS nhưng có vẫn còn hơn không
Theo Thanh Hùng
SGGP
▪ Lớp học của những học sinh nghèo (23/06/2008)
▪ Nghị lực phi thường của cô thủ khoa mồ côi cha (23/06/2008)
▪ Người mẹ mua ve chai với giấc mơ cho con cái chữ (21/06/2008)
▪ 'Bắt mạch' nền giáo dục Việt Nam (20/06/2008)
▪ Cô bé làm thuê 9 năm liền học giỏi (17/06/2008)
▪ Thùng “Tầm Thư” và cuộc giải cứu trẻ lạc ở biên giới (16/06/2008)
▪ "Trường 0 %" đã có 5 thí sinh tốt nghiệp THPT (16/06/2008)
▪ Gặp 3 thủ khoa của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (14/06/2008)
▪ 7 năm đi học trên lưng cha (14/06/2008)
▪ 12.000 vận động viên tham gia Hội khoẻ phù đổng (14/06/2008)