Thùng “Tầm Thư” và cuộc giải cứu trẻ lạc ở biên giới
Các Website khác - 16/06/2008

Ngay sát bậc cầu thang tầng 1 trường THPT thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn có một thùng thư khá đặc biệt, được gửi tới chủ yếu bày tỏ những suy nghĩ, khúc mắc tuổi “teen”.

Nhóm bạn lớp 12A6 trường Đồng Đăng, những người đã giải cứu cho bé Tùng Lâm

Sáng thứ Hai hàng tuần, những tâm sự đó được cô giáo hiệu trưởng chọn lọc và giải đáp.

Nhờ đó, các hiện tượng tiêu cực giảm hẳn, thay vào là nhiều hành động tốt, cử chỉ cao đẹp xuất hiện.

Giải cứu cháu trai 9 tuổi lạc ở biên giới

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008 và rời xa ghế nhà trường, nhưng Nguyễn Đình Diệm và nhóm bạn học sinh lớp 12A6 trường THPT thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) không thể quên mái trường thân yêu và kỷ niệm về việc giải cứu một em trai 9 tuổi ở khu vực biên giới.

Gần trưa ngày 30/4 nhóm bạn cùng lớp tổ chức lên nhà Diệm chơi ở khu vực Hang Chui (xóm Tài Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng). Trong lúc cả nhóm đang sôi nổi bàn tán về kỳ thi tốt nghiệp thì Diệm chợt thấy một cháu bé đang ngúng nguẩy trước một gã xe ôm bên đường quốc lộ 4B dẫn đến cửa khẩu Tân Thanh.

Chợt linh cảm thấy chuyện chẳng lành vì dạo này tại địa bàn biên giới xuất hiện rất nhiều vụ bắt cóc, lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới nên Diệm nháy mắt các bạn rồi cùng nhau tiến đến chỗ cậu bé.

Một bạn nữ trong nhóm nhanh nhảu cất tiếng: “Em ơi, chị đi tìm em mãi”. Gã xe ôm lạ mặt thấy vậy vội phi xe máy biến mất về hướng Hang Dơi. Cậu bé lúc này mới òa khóc lên.

Cả nhóm đưa cậu ta về nhà Diệm pha sữa cho uống rồi được biết, cậu ta tên là Hoàng Tùng Lâm (học sinh lớp 3A trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Lạng Sơn).

Thùng “Tầm Thư” ở trường THPT Đồng Đăng

Sáng nay, do nhớ mẹ đang buôn bán tại chợ cửa khẩu Tân Thanh nên cậu đã lén đi bộ từ nhà riêng ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn dọc theo quốc lộ 1A rồi quốc lộ 4B lên cửa khẩu.

Qua gần 4 tiếng đồng hồ thì cậu đến khu vực Hang Chui, người đã mệt mỏi đồng thời xuất hiện một kẻ lạ mặt đến làm quen...

Sau khi ăn cơm và được các anh chị bày một số trò chơi, Tùng Lâm đã bớt hoảng hốt, nhớ lại được số điện thoại nhà mình. Khi gặp được con, mẹ Tùng Lâm không khỏi nghẹn ngào, ứa nước mắt.

Cô giáo Hoàng Thị Tuyên, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lạng Sơn) là bà của Tùng Lâm xúc động nói: Khi phát hiện ra Tùng Lâm “mất tích”, cả nhà tá hỏa đi tìm.

Ai cũng nghĩ cậu bé đã bị bắt cóc nên cứ nghe tiếng máy điện thoại là hoảng hồn. Đúng là, các anh chị đoàn viên của trường Đồng Đăng đã có một hành động rất cao đẹp.

Khi biết các ân nhân chuẩn bị ra trường, cô giáo Tuyên gửi một chút tiền để cả nhóm liên hoan, nhưng Diệm và các bạn trong lớp đều không nhận.

Các bạn bảo: “Tùng Lâm an toàn trở về với các bác là chúng cháu vui lắm rồi. Hôm nay, đã có bánh kẹo đầy đủ và bọn cháu hứa sẽ thi tốt nghiệp thật tốt để xứng đáng với sự tin yêu của thầy cô”.

Thùng “Tầm Thư” nơi biên ải

Đã bốn năm nay, chiếc thùng thư treo cạnh lối lên cầu thang trường THPT thị trấn Đồng Đăng đã trở nên quen thuộc với thầy trò nhà trường. Đều đặn cuối tuần, cô hiệu trưởng Nguyễn Thúy Phương lại mở thùng, trong đó có những lời nhắn nhủ, tâm sự, thắc mắc và kiến nghị.

Cô Phương nhớ lại, có lá thư đã làm cô mất ngủ vài đêm.

Một học sinh viết: “Cô ơi, người dân miền biên ải chúng em tự hào vì câu ca dao cổ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh. Thế nhưng bây giờ quê em lại trở thành “rốn ma túy”. Nhiều vụ ma túy lớn xảy ra, nhiều người chết trẻ. Làm thế nào xóa được vết nhơ ấy hả cô?”.

Hay một lá thư của một học sinh nam lớp 11 người dân tộc Tày bày tỏ: “Cô ơi, em viết cho “người ấy” một bức thư, nhưng khi em nhận được hồi âm chỉ vẻn vẹn có dòng chữ “chúng mình mãi là bạn tốt nhé”. Thế là nghĩa làm sao?”.

Nhiều hơn cả, là những thắc mắc với nhà trường sao không tổ chức những trò chơi ngoại khóa na ná như trên truyền hình: “Chiếc nón kỳ diệu”, “Đường lên đỉnh Olympia”.

Rồi những khúc mắc làm thế nào để nhớ được bài học, làm được thơ? Đặc biệt, muốn trở thành “người hùng”, người có ấn tượng được nhiều người chú ý thì phải làm gì?.v.v.

Cô hiệu trưởng trầm ngâm nhớ lại, những năm trước khi cầm quyết định chuyển từ trường THPT Việt Bắc, một ngôi trường có tiếng giữa thành phố Lạng Sơn lên nhận công tác nơi biên ải này, cô không khỏi ái ngại.

Nhất là mỗi lần ra trước cửa phòng, những cột bê tông nhọn hoắt của pháo đài Đồng Đăng lại hiện ra trước mặt. Người ta bảo, mảnh đất này rất dữ.

Nhất là Đồng Đăng là một thị trấn nằm sát đường biên, nhiều gia đình mải buôn bán hàng Trung Quốc ít quan tâm đến việc học hành, tâm sinh lý của con cái nên các em dễ sinh ra tiêu cực và hành động mù quáng, dại dột. Năm kia, chỉ trong vòng một tuần có tới 2 nữ học sinh ngoan, hiền liên tiếp tự tử không rõ nguyên nhân làm dư luận xôn xao.

Cô giáo hiệu trưởng suy nghĩ rất nhiều và cô đã bàn với Ban giám hiệu, Hội phụ huynh học sinh tìm cách vực các phong trào của nhà trường đi lên. Vốn là một cán bộ Đoàn hoạt động nhiều năm liền ở tỉnh Lạng Sơn nên cô Phương cùng bàn bạc với tổ chức Đoàn thanh niên tổ chức đối thoại với các bạn trẻ trong trường.

Và “thùng Tầm Thư” được ra đời ngay sau đó. Cô giáo Phương cho hay, chính từ những suy nghĩ, tâm sự, chất vấn của học sinh mà nhà trường dành hẳn một nửa thời gian trong tiết chào cờ buổi sáng thứ 2 hàng tuần để giải đáp những câu hỏi hay.

Tâm sự với chúng tôi, các bạn trong lớp 12A6 ít nói về cuộc giải cứu bé Tùng Lâm ở biên giới mà kể nhiều về những ngày tháng đầu khi bước chân vào ghế nhà trường THPT thị trấn Đồng Đăng đã không khỏi bỡ ngỡ. Đã có nhiều học sinh chưa được ngoan, bỏ học, đánh nhau, làm những điều dại dột.

Nguyễn Đình Diệm xúc động nói: Kỷ niệm về thùng “Tầm Thư” sẽ là một kỷ niệm đẹp nhớ mãi trong đời. Nó thân thiết, gắn bó như những người bạn chân tình và nhờ đó mà em có những tháng ngày thật đẹp ngồi trên ghế nhà trường.

Nguyễn Duy Chiến