Người mẹ mua ve chai với giấc mơ cho con cái chữ
Các Website khác - 21/06/2008
Tại lễ trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Hội khuyến học TPHCM (lần 3, năm 2008), chúng tôi thấy ấn tượng với một học sinh nữ đến từ trường Lý Thường Kiệt bởi gương mặt sáng và phần lý lịch trích ngang khá đặc biệt “cha mất, mẹ mua ve chai”. Em chính là Nguyễn Thị Mai Hoa, SN 1990, ngụ ấp Mỹ Hoà, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn.  
Nụ cười hạnh phúc của chị Rấm khi kể về con

Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ gọn, sạch sẽ, Hoa nói khá nhiều về ước mơ và hoài bão muốn trở thành cô giáo tiểu học của mình với chất giọng đầy tự sự: “Tuổi trẻ ai cũng có những khát vọng bay bổng, em cũng vậy nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên chỉ dám mơ ước những điều gần với thực tế. Việc em chọn thi Đại học Sư phạm ngành Tiểu học, ngoài ý thích và nguyện vọng cá nhân, còn vì muốn giảm bớt gánh nặng lo toan đang đè nặng trên vai mẹ...”. Nhắc về mẹ, Hoa tự hào khoe: “Em có một người mẹ tuyệt vời lắm! Mặc dù phải một thân bươn chải mua ve chai kiếm sống và nuôi các con ăn học trong nhiều năm ròng nhưng mẹ vẫn luôn động viên, khích lệ và tạo điều kiện tốt nhất để chúng em yên tâm học tập. Nhiều lần, em biết trong nhà không có tiền nhưng mẹ vẫn lặng lẽ vay mượn lo cho chúng em, không nửa lời càu nhàu hay than vãn mà cặm cụi làm để trả nợ. Hàng ngày, thấy mẹ dậy từ sáng sớm, đẩy xe ba gác đến từng ngõ hẻm mua ve chai, em rất thương nên chỉ biết quyết tâm học thật tốt. Những năm học trước em luôn đạt học sinh giỏi, nhưng ba năm học THPT lực học chỉ đạt loại khá thôi. Mơ ước lớn nhất của em hiện nay là thi đậu Đại học Sư phạm TPHCM ngay năm đầu để thoả mãn nguyện vọng và bù đắp lại một phần công sức mẹ đã hy sinh cho chúng em...”.

Mẹ dành tất cả thời gian để Hoa được học

Những tình cảm Hoa dành cho mẹ còn đang dâng trào, thì ngoài cổng một phụ nữ cắm cúi đẩy chiếc xe ba gác tay vào sân, chị vơ vội chiếc khăn đưa lên mặt lau nhanh những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán rồi bước vào nhà. Đồng hồ điểm 18 giờ. Đôi mắt lấp lánh, Hoa nói như reo: “Hôm nay mẹ em về sớm hơn mọi ngày”. Biết chúng tôi tìm đến nhà vì tin con gái nhận được học bổng, nở nụ cười chân chất chị Huỳnh Thị Rấm lý giải: “Tôi có bốn đứa con, do kinh tế khó khăn nên không lo cho chúng được đầy đủ. Nhìn hai đứa con lớn phải bươn chải kiếm sống bằng lao động chân tay, tôi khổ tâm lắm, nguyện tạo mọi điều kiện tốt nhất để hai đứa sau được học đến nơi đến chốn. Thấy gia cảnh nhà tôi khó khăn nhưng hai cháu đều được đến trường, mỗi lần họp tổ dân phố, bà con thường quan tâm, động viên nên tôi thấy như được tiếp sức, cố gắng vươn đến mục tiêu đã định”. Mọi hành trình vươn đến khát vọng bao giờ cũng khó khăn, nhất là với một phụ nữ mua ve chai dạo để kiếm sống. Để vượt qua quãng đường dài đầy gian nan, thử thách, chị Rấm đã phải nỗ lực rất nhiều. Chị tâm sự: “Ngày lội bộ vài chục cây số với tôi đã là chuyện bình thường, miễn là kiếm được thêm ít tiền nuôi các con ăn học. Mười mấy năm qua, cứ nghĩ đến tương lai con cái tôi quên mệt mỏi, cố gắng lao động, âm thầm chịu đựng miễn là thấy các con vui khi được đến trường. Những lúc mua bán được, ngoài việc trang trải tiền ăn học hàng ngày cho các cháu, tôi dành dụm chút ít tiền chơi hụi để khi có việc cần hoặc đóng học phí cho các cháu thì có mà dùng. Con người ai cũng bằng xương thịt cả, vì vậy không tránh khỏi có ngày tôi cũng mệt, đau bệnh, nhưng nếu không cố gắng thì biết cậy nhờ vào ai vì chồng tôi đã qua đời rồi, cha mẹ thì ngày càng già yếu. Bởi vậy, cân đối chi tiêu sao cho hợp lý từng ngày là việc tôi luôn phải nghĩ đến. Có ngày cuốc bộ hàng chục cây số, lại liên tục cất tiếng rao mời nên cổ họng khô khốc, khát cháy, ấy vậy nhưng tôi không dám mua nước uống... Thấy tôi chịu thương chịu khó nên nhiều bà con thương, cứ để dành hàng bán cho mình nên có ngày tôi cũng kiếm được 40-50.000 đồng.  

Mỏi mòn rồi thời gian cũng qua, đến nay Hoa chuẩn bị thi đại học, còn cậu con trai út Nguyễn Văn Tùng đã vào lớp 11. Nhìn sức học của các con, chị tin tương lai chúng sẽ thay đổi nên lại tiếp tục nỗ lực gấp năm, gấp bảy so với trước. Chị cười tự tin cho biết: “Đời tôi nghèo khổ, ít học rồi nên nếu các cháu có sức học, có hoài bão tôi sẽ nỗ lực hết mình để lo cho chúng, dù có cực khổ thêm”. Với sức học của hai đứa con chị Rấm hôm nay, chúng tôi tin tưởng chúng sẽ không làm mẹ thất vọng.
HUỆ TRINH