Đến chơi với bạn (ảnh chụp tại Trường MN 19-5, Q.10) - Ảnh: H.HG. |
“Nếu bé chưa quen với môi trường mới, với người lạ thì bố mẹ nên là người bạn của bé nơi môi trường này”; “Bé nhút nhát khi đến trường mầm non? Hãy cho bé đến đây để bé có thể thấy được không khí sinh hoạt của trường mầm non”.
Lời mời gọi của Trường mầm non Măng Non 1 (Q.10, TP.HCM) được treo phía trước Mái nhà xanh (MNX) khiến nhiều phụ huynh chú ý.
Ngay cổng ra vào MNX của trường còn có hàng chữ: “Chào mừng bé Lê Trọng Khải đến MNX”, “Chào mừng bé Vũ Kim Phúc đến MNX”. Cô Đặng Thị Ánh Mai - hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non 1 - cho biết: “Mỗi lần có bé nào đến chơi ở MNX, nhà trường đều làm bảng ghi như thế để phụ huynh đọc cho bé nghe, cho bé thấy là bé được trân trọng và hãy xem MNX như ngôi nhà thứ hai của bé”.
Hạnh phúc của mẹ và bố
“Nhà banh nho nhỏ, chú gấu nằm trên chiếc xe, những con số vui nhộn, rất nhiều hình ảnh rực rỡ và dễ thương bày ra trước mắt bé. Tôi chủ động giới thiệu và hướng dẫn bé tham gia nhà banh. Một niềm hạnh phúc nhẹ nhàng len vào lòng khi tôi thấy con mình chơi say mê cho đến lúc… cầm luôn cái muỗng đồ chơi mà ngủ…” - chị Huỳnh Minh Ngọc kể về lần đầu tiên đưa con đến chơi ở MNX Trường MN 19-5, Q.10.
MNX của Trường MN 19-5 được tận dụng từ một phần khuôn viên hành lang các lớp. Căn phòng rộng hơn 30m2 với nhiều góc chơi, đồ chơi dành cho học sinh lứa tuổi nhà trẻ. Ở đây còn có cả sách, báo hướng dẫn chăm sóc - giáo dục trẻ dành cho phụ huynh. Anh Nguyễn Văn Thắng vừa hướng dẫn cậu con trai gắn, xếp đồ chơi, vừa tâm sự: “Hồi trước tôi lãnh nhiệm vụ đưa đón mấy đứa cháu đi học. Kinh khủng lắm, ngày nào cháu cũng khóc. Mỗi sáng cứ phải nói dối với cháu “về bà nội chơi” thì cháu mới chịu ngồi yên trên xe. Sau này khi có con, tôi đã nói với bà xã: nếu con mình cũng khóc la như vậy thì không cho đi học nữa”.
Rồi nghe bạn bè giới thiệu, anh Thắng cho con trai đến chơi ở MNX Trường 19-5, bé chơi chán anh lại dẫn con đi la cà các lớp học gần đó: “Thấy bạn đồng trang lứa múa, hát, Đức Anh nhà tôi thích lắm. Trái lại với sự lo lắng của bố, ngày đầu tiên đi học chính thức, Đức Anh chỉ ọ ẹ chút xíu rồi hòa nhập ngay với lớp. Bây giờ, mỗi sáng thức dậy là cu cậu giục bố cho đi học đấy”.
Phụ huynh Bùi Thị Vân Anh (Trường MN 19-5) còn phát hiện: “Khi được vào chơi trong MNX, tôi thấy con mình mạnh dạn, hoạt bát và năng động hơn. Cháu học được nhiều thứ, nhận biết được nhiều màu sắc, nói được nhiều câu khiến mẹ phải ngạc nhiên. Những ngày nghỉ học (thứ bảy và chủ nhật) bé vẫn đòi đến trường, đòi vào chơi “nhà của bé”.
Hiệu quả không ngờ
“Một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với trẻ em và trường mầm non là thời kỳ tiếp nhận trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi tới trường. Lần đầu tiên phải xa mẹ, xa người thân, nhiều bé sợ hãi, rơi vào khủng hoảng tâm lý, bỏ ăn, không ngủ, gào khóc dữ dội. Sau đó có thể bé rút vào im lặng, từ chối mọi giao tiếp. Sự phản ứng của trẻ làm các giáo viên bị áp lực lớn về tinh thần cũng như thể xác. Suốt cả tháng đầu năm học, sinh hoạt của lớp bị ảnh hưởng nặng nề, kể cả các trẻ cũ cũng bị ảnh hưởng do tiếng khóc của các trẻ mới. MNX là giải pháp hiệu quả cho tình trạng trên. Sang học kỳ 2 năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có chỉ đạo cụ thể để triển khai mô hình này ra các trường toàn thành phố”. Th.s NGUYỄN THỊ KIM THANH |
Theo Th.S Nguyễn Thị Kim Thanh - trưởng Phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM: “MNX hiện đang được thực hiện thí điểm tại một số trường mầm non công lập trên địa bàn TP.HCM. Nó được cải tiến từ mô hình “Nhà xanh” của Pháp, là nơi vui chơi của trẻ em dưới 36 tháng tuổi để trẻ làm quen với trường mầm non trước khi đi học chính thức. Tại đây trẻ sẽ được chơi cùng bố, mẹ hoặc ông, bà, người giúp việc trong nhiều ngày”.
Thời gian đầu bé sẽ chơi trò chơi cùng người nhà, dần dần bé sẽ tự chơi một mình rồi chuyển sang chơi cùng các bạn đồng trang lứa trong MNX. Thời gian tiếp theo, bé có thể vào lớp để làm quen với giáo viên, bạn bè, môi trường lớp học. Nhiều ngày liên tục như thế, bé sẽ có cảm giác nhà trường là nơi thân thiết, an toàn như gia đình của mình.
Cũng theo Th.S Kim Thanh: “Quá trình này rất quan trọng cho sự hình thành tính cách ở mỗi đứa trẻ, nó giúp trẻ tách ra khỏi người mẹ và cảm thấy mình là một cá thể độc lập. Khi phải ở lại trường một mình, xa mẹ bé sẽ không bị sốc và dễ thích nghi hơn”.
Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy - hiệu trưởng Trường MN 19-5, Q.10 - phân tích: “Thật ra khi làm MNX, trường không tốn nhiều kinh phí lắm. Đồ chơi được gom góp từ các lớp, rồi phụ huynh ủng hộ, mỗi người tặng thêm vài món”. Khi trẻ chơi ở MNX, các trường sẽ cử một giáo viên hoặc hiệu phó chuyên môn (người phụ trách MNX) đến quan sát cháu để đoán biết tâm lý vì có cháu dễ hòa nhập nhưng có cháu ít được ra ngoài, chỉ tiếp xúc với bố mẹ, rất khó thích nghi với môi trường mới. Ngoài việc tư vấn cho phụ huynh cần chuẩn bị những gì trước khi cho bé đi học, giáo viên này sẽ bàn giao hồ sơ tâm lý trẻ cho cô giáo phụ trách lớp (khi bé đi học) để cô giáo dễ dàng làm quen với cháu.
Cô Thủy kết luận: “Hiệu quả của MNX chính bản thân tôi cũng không ngờ. Chỉ sau một năm thực hiện số trẻ khóc giảm hẳn, các bé hòa nhập tốt hơn, tâm lý ổn định nên chịu ăn, chịu chơi, tăng cân đều, phụ huynh an tâm đi làm. Giáo viên chúng tôi cũng được giải phóng sức lao động, đỡ vất vả vào đầu năm học. Bởi ai cũng biết khi sợ hãi cháu sẽ khóc, rồi ói, không chịu ăn, cô giáo vừa phải dỗ dành vừa phải vệ sinh lớp rất cực”.
Theo Tuoi Tre Online
▪ Chương trình THPT năng khiếu danh dự tại Taylors College (Úc) tuyển sinh thế nào? (24/12/2008)
▪ Đừng làm khổ con vì mốt du học (24/12/2008)
▪ Đảm bảo quyền lợi sinh viên (23/12/2008)
▪ Góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 (23/12/2008)
▪ Cận thị học đường gia tăng: Dễ gây mù nếu bị nặng (22/12/2008)
▪ Hội chứng “ngoại tình” và đem con bỏ chợ (20/12/2008)
▪ Cần thuyết minh căn cứ khoa học khi đặt ra các mục tiêu (20/12/2008)
▪ Các 'đại thụ' lên tiếng về đổi mới giáo dục (20/12/2008)
▪ Nhiều băn khoăn về kỳ thi “hai trong một” (20/12/2008)
▪ Học sinh trước nguy cơ mù lòa (19/12/2008)