Các ngày hội tư vấn tuyển sinh vốn do báo chí khởi xướng, thay ngành giáo dục thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh. Nay có nhiều doanh nghiệp cũng tham gia tổ chức hoạt động này
Các hoạt động tư vấn tuyển sinh luôn thu hút nhiều học sinh đến tìm hiểu về các trường học và ngành học. Ảnh: Lê Hồng Thái
Những hoạt động này một hai năm gần đây trở thành dịch vụ sinh lãi, và thu hút các doanh nghiệp.
Dịch vụ hướng nghiệp
Hai chương trình tư vấn đầu tiên mà công ty TNHH tư vấn – truyền thông giáo dục Hồn Châu Á thực hiện là ở Vũng Tàu và Bình Dương. Sắp tới, công ty này sẽ lên tận Kon Tum tổ chức chương trình tương tự. Theo ông Ngô Hữu Mới, giám đốc điều hành công ty, dịch vụ còn mới mẻ nên chưa đặt vấn đề lợi nhuận, nhưng thời gian tới tổ chức hoạt động tư vấn tuyển sinh sẽ trở thành thị trường đầy tiềm năng, vì ngoài việc thu phí tổ chức từ các trường có nhu cầu tư vấn, hoạt động này có thể thu hút các doanh nghiệp, trường học muốn quảng bá thương hiệu, và các dịch vụ kèm theo như phát hành cẩm nang, tổ chức tour du lịch, quảng cáo…
Chưa chính thức, còn khá manh mún, nhưng một số công ty du lịch cũng đang mời chào các chương trình du lịch thành phố kết hợp tham quan – tư vấn hướng nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trước mùa tuyển sinh… Đại học Nông lâm TP.HCM trong hai tháng đầu năm nay đã tiếp tám đoàn học sinh từ các địa phương đến, trong đó có bốn đoàn do các công ty du lịch tổ chức có lúc quy mô lên đến 400 học sinh. Theo ông Tạ Thái Phát, thuộc bộ phận kinh doanh của công ty du lịch Tre Xanh, chỉ riêng tỉnh Tây Ninh công ty đã tổ chức được trên mười chuyến cho hơn 600 học sinh với chi phí trọn gói 100.000 đồng/học sinh. Tuy lãi chưa nhiều, nhưng sắp tới công ty này sẽ mở rộng địa bàn sang các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương.
Lợi cả ba đường
Theo ông Võ Thành Danh, hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (Bình Dương), việc ngày càng có nhiều tổ chức tham gia hướng nghiệp sẽ có lợi cho thí sinh, không quan trọng đơn vị tổ chức là báo chí hay doanh nghiệp, miễn là có hiệu quả. Ông Trần Đình Lý, trưởng phòng trung tâm Hỗ hrợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của đại học Nông lâm TP.HCM, cũng nhận xét đây là cách làm “đôi bên cùng có lợi”.
Tuy vậy, nhiều trường đang băn khoăn về tính pháp lý của các đơn vị tổ chức tư vấn. Đã từng xảy ra vụ một công ty ở quận Tân Bình mạo nhận là đơn vị phối hợp với đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) để hợp đồng tổ chức chương trình tham quan hướng nghiệp và thu tiền của các trường THPT. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, mặc dù có ba doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, ĐHQG đã từ chối, dù có doanh nghiệp còn đặt vấn đề chia lợi nhuận. Đại học Nông lâm TP.HCM thì chỉ tiếp đoàn học sinh với điều kiện các trường THPT tham gia phải có công văn đề nghị trực tiếp, không thông qua doanh nghiệp.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG, đã đến lúc cần có các quy định cụ thể cho dịch vụ này. Theo ông Nghĩa, cần xem đây là hoạt động không vụ lợi, các trường cao đẳng, đại học khi tham gia tư vấn phải tương trợ lẫn nhau, không cạnh tranh làm lệch nội dung tuyển sinh, đơn vị tổ chức nên có sự phối hợp phân bố địa bàn hợp lý… Tại các chương trình tư vấn tuyển sinh đã có tình trạng ban tổ chức dành khá nhiều thời gian cho một vài trường, và có khá nhiều câu hỏi “mồi” cho những trường này khiến nhu cầu số đông chưa được đáp ứng đúng mức.
Theo SGTT
▪ Muôn nẻo chuyện học “chui” (24/02/2009)
▪ Nguy cơ “vỡ” trường vì vắng học sinh (24/02/2009)
▪ Việt Nam cử 500 giảng viên sang Đài Loan theo học Tiến sĩ (24/02/2009)
▪ Thi tốt nghiệp THPT 2009: Ngổn ngang với những dự kiến (24/02/2009)
▪ Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Không đăng kí xét tuyển qua mạng (23/02/2009)
▪ Bộ Giáo dục 'giải trình' cơ sở xây dựng chiến lược 2020 (23/02/2009)
▪ Người trong cuộc:“Nhất định mày phải thi đỗ vào đại học!” (23/02/2009)
▪ Loay hoay việc dạy, học thêm (21/02/2009)
▪ Tư vấn hướng nghiệp:Tìm hiểu sâu về ngành Công nghệ sinh học (21/02/2009)
▪ Hà Nội: Sẽ không dạy, học thêm cho HS tiểu học (20/02/2009)