Học “chui” - dễ “chui” lắm!
Tôi cùng đứa bạn vào 1 lớp tại chức tiếng Anh trường ĐHNN, ĐHQG Hà Nội. Nó cũng là dân học “chui” nên tôi cũng đỡ ngại, dù gì cũng có “đồng minh” mà.
Một điều dễ nhận thấy ở các lớp tại chức ngoại ngữ là rất ít người. Một lớp chỉ khoảng 30 là nhiều, không hiểu do sĩ số như vậy hay là do sinh viên “nghỉ phép”. Quan sát tôi thấy sinh viên ở đây đi học rất muộn, 6 giờ tối vào lớp thì 6 giờ kém 5 phút trong lớp chỉ có khoảng dăm người.
Vào lớp, tôi cố chọn bàn gần cuối để ngồi cho khỏi bị “lộ diện”. Ngồi bên cạnh tôi là một chị đang làm nhân viên kế toán, học tại chức tiếng Anh năm thứ 2. Tôi bắt chuyện và dò hỏi: “Ở đây có nhiều người học “chui” không hả chị?” - “Em là dân học “chui” à, thảo nào chị thấy mặt lạ lạ. Không sao đâu. Các thầy cô dễ tính lắm, không điểm danh đâu. Lớp này thỉnh thoảng cũng có người học “chui” mà”. Câu trả lời của chị ấy khiến tôi đỡ run phần nào.
Bạn Nguyễn Vân, sinh viên trường ĐHSPHN, một “chuyên gia” học “chui” ngoại ngữ cho biết: “ Mình có bạn học ở đây nên rủ đi học “chui” cho biết. Mình học “chui” ở lớp này cũng khá lâu rồi. Lúc đầu cũng hơi sợ. Nhưng dần thành quen. Thầy cô ở đây rất dễ tính. Biết mình là dân “chui” nhưng cũng không nói gì. Vẫn gọi phát biểu đều đều. Học “chui” có nhiều điều thú vị lắm. Bạn cứ học đi rồi biết”.
Theo lời Vân kể thì bạn đã học được hơn 1 học kỳ, cũng mua giáo trình, băng đĩa như ai. Quả là có đi học mới biết những chuyện như thế này.
Cũng có những ngoại lệ…
Học “chui” dễ “chui” thật nhưng không phải không thể bị “tóm”. Với những thầy cô dễ tính thì cho qua, thậm chí không “buồn” dò hỏi xem có phải là dân “chui” hay không. Nhưng với những thầy cô “có máu mặt”, nhất là những thầy cô đứng tuổi thì sự việc không phải lúc nào cũng dễ dàng như thế.
Trải qua mấy buổi “chui” “đầu xuôi đuôi lọt”, tôi cũng bị “bắt quả tang”. Ông thầy này trông có vẻ “kinh nghiệm”. “Thầy có trí nhớ tốt lắm, thầy có thể nhớ được mặt và tên của tất cả thành viên trong lớp”, theo lời của chị ngồi bên cạnh, nên những trường hợp nào là dân “chui” thầy phát hiện ngay. Quả thực, chỉ sau vài phút vào lớp, nhìn quanh lớp vài lượt, thầy đã phát hiện ra “một nhân lạ” trong lớp. Thầy gọi làm tôi suýt chết đứng: “người mới à, bạn của ai vậy?”. Cũng may có một anh chàng ra tay “cứu mỹ nhân” mặc dù tôi biết mình không phải là mỹ nhân: “Thưa thầy bạn của em ạ”. Ông thầy ra vẻ thông cảm rồi cũng cho qua. Hú vía.
Đứa bạn tôi an ủi: “Lần trước tao đi học vào hôm thầy này dạy cũng bị “tóm” nhưng có sao đâu, mày thấy đấy, tao vẫn đi học như thường”.
Với những người “tinh thần thép” thì không sao nhưng với ai “yếu bóng vía” thì những sự việc như thế này cũng đủ làm họ sợ “mất mật”.
Quả thực, đi học chui có nhiều điều thú vị, dở khóc dở cười. Những chuyện này chỉ có dân “chui” mới biết được. Muốn thử cảm giác này, thử “chui” một lần đi rồi bạn sẽ biết?!
Theo Dan Tri
▪ Nguy cơ “vỡ” trường vì vắng học sinh (24/02/2009)
▪ Việt Nam cử 500 giảng viên sang Đài Loan theo học Tiến sĩ (24/02/2009)
▪ Manh nha dịch vụ tư vấn tuyển sinh (24/02/2009)
▪ Thi tốt nghiệp THPT 2009: Ngổn ngang với những dự kiến (24/02/2009)
▪ Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Không đăng kí xét tuyển qua mạng (23/02/2009)
▪ Bộ Giáo dục 'giải trình' cơ sở xây dựng chiến lược 2020 (23/02/2009)
▪ Người trong cuộc:“Nhất định mày phải thi đỗ vào đại học!” (23/02/2009)
▪ Loay hoay việc dạy, học thêm (21/02/2009)
▪ Tư vấn hướng nghiệp:Tìm hiểu sâu về ngành Công nghệ sinh học (21/02/2009)
▪ Hà Nội: Sẽ không dạy, học thêm cho HS tiểu học (20/02/2009)