Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình phân ban đang thành chuyện “nước sôi, lửa bỏng” đối với thầy trò lớp 12 cả nước. Trong khi đó, quy chế kỳ thi có quá nhiều điểm mới vẫn chưa kịp ban hành, những thông tin liên quan kỳ thi tốt nghiệp vẫn còn là thông tin ban đầu.
|
Giờ thực hành môn vật lý của HS lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) - những sĩ tử sẽ dự thi tốt nghiệp THPT năm nay - Ảnh: Như Hùng |
Các hội đồng thi tốt nghiệp năm nay sẽ tổ chức thi thành các cụm trường THPT. Mỗi cụm ít nhất ba trường THPT, tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi. Mỗi cụm trường thành lập một hội đồng coi thi... Đây được xem là điểm mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 được Bộ GD-ĐT thông tin.
Thay đổi này nhằm mục đích giảm thiểu những gian lận ở địa phương trong khâu coi thi, cũng là một sự chuẩn bị tiến tới kỳ thi chung trong tương lai. Nhưng thực tế từ các tỉnh cho thấy quy định này khó có thể thực hiện đồng loạt trên cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp. Và chưa biết bộ sẽ quyết như thế nào khi có nhiều địa phương đề xuất tổ chức hội đồng thi theo thực tế địa phương thay vì thi theo cụm.
Thi theo cụm: chưa khả thi!
Số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Kiên Giang năm nay khoảng 12.000. Địa bàn rộng, huyện biên giới Hà Tiên chỉ có một trường THPT, HS sẽ phải lặn lội hàng chục cây số sang huyện khác dự thi. Huyện đảo Phú Quốc có hai trường THPT, nếu hai trường này được dồn vào một cụm HS đi từ đầu đảo đến cuối đảo cũng phải hàng chục cây số... Nếu toàn tỉnh tổ chức thi cụm theo hướng dẫn của bộ, phân nửa số thí sinh tỉnh Kiên Giang (khoảng 6.000) sẽ phải khăn gói đi xa mấy chục cây số, phải tất tả tìm nơi ở trọ trong những ngày thi tốt nghiệp.
Ông Ninh Thành Viên, phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, băn khoăn: “Ở các trung tâm huyện tại tỉnh chúng tôi không có đủ phòng trọ cho hàng nghìn người như vậy, đó là chưa tính đến hàng trăm thanh tra ủy quyền của bộ cũng phải nghỉ trọ. Cơ sở vật chất, trường lớp ở các huyện cũng quá ít, không thể bố trí các điểm thi gần nhau, trong từng cụm mỗi điểm thi cách xa nhau cũng rất khó khăn trong khâu giao nhận đề, bài thi...”.
Ông Lâm Văn Xia, phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho biết HS Trường THPT Diên An (huyện Ngọc Hiển) phải về huyện Năm Căn, cách xa hơn 30km để dự thi. Huyện U Minh có hai trường THPT cách nhau gần 20km, địa bàn sông rạch chằng chịt, đi lại khó khăn, không thể ghép chung được nên tỉnh Cà Mau tính phương án mỗi trường một hội đồng. Trong khi đó, Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng đề xuất với bộ cho phép sở bố trí các hội đồng thi căn cứ tình hình thực tế địa phương.
Cụ thể, nơi nào có nhiều trường học có thể bố trí ba trường vào một cụm, huyện nào có hai trường bố trí cụm hai trường, nơi xa mỗi trường một điểm thi riêng. Một cán bộ sở GD-ĐT tỉnh này bức xúc: “Tỉnh tôi khó khăn, tỉ lệ đậu tốt nghiệp không cao, nhưng trước giờ chúng tôi có ý thức tổ chức nghiêm túc kỳ thi này. Nếu bộ thấy cần thiết cứ cử toàn bộ giám thị nơi khác về coi thi cũng được, nhưng việc bố trí các hội đồng thi nên theo thực tế địa phương. Nếu thi theo cụm, HS đi thi phải qua sông, qua đò quá cực nhọc! HS trễ giờ, khổ đã đành; chẳng may có sự cố tàu bè gì trách nhiệm này thật quá lớn”.
Ai cũng hiểu những khó khăn của các tỉnh Tây Nam bộ chưa thể sánh bằng các tỉnh miền núi Tây nguyên, Tây Bắc. Thi theo cụm, thi tập trung vốn không phải là chuyện mới ở những vùng đô thị (từ trước đến nay nhiều tỉnh đã áp dụng hình thức thi theo cụm). Nhưng hình thức này sẽ nhân lên gấp bội nỗi khổ của HS vùng sâu, miền núi... nơi mà địa điểm học vốn đã quá vất vả, khó khăn.
Quy chế: chờ và tiếp tục chờ
Cùng với quy định thi theo cụm, việc chấm chéo bài các môn thi tự luận cũng gây nhiều băn khoăn cho cơ sở. Theo cách hiểu của các sở, bài thi các môn tự luận của HS tỉnh này sẽ được chuyển đi chấm ở tỉnh khác, nơi nào chấm thi sẽ phụ trách luôn cả phần nhập điểm và giữ bài thi, chấm phúc khảo. Trước nay, mỗi tỉnh nhập điểm thi theo cách riêng của mình. Muốn thực hiện phương án này, bộ cần có phần mềm nhập điểm thống nhất và phải tiến hành tập huấn kỹ lưỡng khâu nhập điểm. Nhưng đến thời điểm này, các sở vẫn chưa có thông tin chính thức việc có hay không phần mềm này, nếu có thì khi nào bộ tiến hành tập huấn...
Việc chấm chéo này theo tiên lượng của các trường có thể làm kéo dài thời gian chấm thi và làm chậm trễ việc công bố điểm; khâu phúc khảo cũng sẽ mất thời gian hơn. Ông Ninh Thành Viên đề nghị nên có một cán bộ lãnh đạo các sở có mặt tại hội đồng chấm thi tỉnh bạn (nơi phụ trách chấm bài thi tỉnh mình) để xử lý những tình huống đặc biệt xảy ra trong quá trình chấm thi.
Cũng theo thông tin từ bộ, kỳ thi tốt nghiệp năm nay chỉ có thanh tra của bộ làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi. Giám thị ngoài phòng thi (thực hiện các nhiệm vụ do chủ tịch hội đồng phân công) ở khu vực bên ngoài, không nằm trong phạm vi hành lang phòng thi và hỗ trợ thanh tra khi cần thiết. Nghĩa là lực lượng giám thị ngoài phòng thi năm nay gồm cả người của bộ và người sở tại.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Ngai - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Bộ cần quy định rõ nhiệm vụ của hai lực lượng này, ai làm việc gì, cụ thể như lấy thêm giấy thi, giám sát thí sinh đi vệ sinh... thuộc nhiệm vụ của ai”. Điều này đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng.
Cho đến nay bộ chưa có hướng dẫn gì thêm ngoài thông tin tất cả HS ban cơ bản (bất kể học theo sách nào) đều xếp chung phòng. Như vậy, đề thi vẫn có hai phần tự chọn hay chỉ có phần đề theo sách chuẩn? Nếu có cả hai phần, thầy trò sẽ hiểu rằng HS ban cơ bản sẽ được tự chọn phần nào dễ hơn với mình. Và việc đánh giá hiệu quả chương trình phân ban cơ bản coi như bỏ ngỏ, trong khi số lượng HS theo ban cơ bản hiện chiếm hơn 2/3 HS cả nước. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp năm nay khó thực hiện được mục tiêu đánh giá kết quả học tập THPT theo tinh thần của bộ.
PHÚC ĐIỀN
TS Nguyễn An Ninh (cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT): 10.000 thanh tra từ các trường ĐH, CĐ Tổ chức thi theo cụm, đổi cán bộ chấm thi chéo giữa các địa phương... là những giải pháp phải áp dụng nhằm tăng cường kỷ cương thi cử. Có thể nói đây là những giải pháp cuối cùng buộc phải áp dụng để có thể tiến tới một kỳ thi quốc gia vào năm tới. Đây là một bước tập dượt, làm quen. Năm 2010, khi chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia, các địa phương đều phải tổ chức thi theo cụm. Chủ trương tổ chức thi theo cụm được phần lớn các sở GD-ĐT ủng hộ, chỉ có một số sở ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn băn khoăn và đề nghị cho một số trường ở địa bàn có nhiều khó khăn được tổ chức thi riêng rẽ. Tổ chức thi theo cụm là một chủ trương mới, vì thế bộ không áp đặt cứng nhắc mà vẫn đang lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản hồi từ các địa phương để hoàn thiện phương án sao cho tổ chức tốt nhất: nghiêm túc nhất nhưng cũng không gây khó khăn cho thí sinh. Thi theo cụm theo nguyên tắc ít nhất ba trường thành một cụm, nhưng đối với những trường hợp đặc biệt không tổ chức được hoặc tổ chức không hợp lý thì có thể không bắt buộc một cách cứng nhắc. Nhưng các sở phải báo cáo cụ thể phương án tổ chức, bộ sẽ có biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo kỷ cương thi cử chứ không thể để địa phương tùy tiện quyết định... Sẽ phải tăng cường lực lượng thanh tra bộ, thanh tra từ các trường ĐH, CĐ. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay tỉnh nào ít cụm thi, nhiều trường tổ chức thi riêng thì bộ sẽ bố trí nhiều thanh tra hơn. Mật độ thanh tra ở các trường THPT tổ chức thi riêng sẽ được tăng cường đặc biệt, ít nhất cứ hai phòng thi có một cán bộ thanh tra thi từ các trường ĐH, CĐ trực tiếp giám sát coi thi. Năm nay dự kiến các trường ĐH, CĐ trong cả nước sẽ cử khoảng 10.000 cán bộ đi làm thanh tra thi. Còn tới năm sau chỉ có một kỳ thi quốc gia, các trường không còn bận rộn với việc lo tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ cử lực lượng đông hơn, một phòng thi phải có một cán bộ coi thi là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ. Dự kiến các địa phương lân cận sẽ đổi chéo cho nhau. Tỉnh A chấm cho tỉnh B thì tỉnh B sẽ chấm cho tỉnh C... Không để xảy ra trường hợp hai tỉnh chấm đổi cho nhau. Với những địa phương có đông thí sinh có thể sẽ bố trí người chấm của nhiều địa phương khác đến. Còn những nơi có lực lượng tham gia khâu chấm thi dồi dào sẽ bố trí vào hội đồng chấm thi của nhiều địa phương. Về nguyên tắc, không có giám khảo nào được chấm thi cho HS trên địa bàn mình công tác. Còn vấn đề bảo mật là trách nhiệm của các địa phương. T.HÀ - V.HÀ ghi |
▪ Muôn nẻo chuyện học “chui” (24/02/2009)
▪ Nguy cơ “vỡ” trường vì vắng học sinh (24/02/2009)
▪ Việt Nam cử 500 giảng viên sang Đài Loan theo học Tiến sĩ (24/02/2009)
▪ Manh nha dịch vụ tư vấn tuyển sinh (24/02/2009)
▪ Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Không đăng kí xét tuyển qua mạng (23/02/2009)
▪ Bộ Giáo dục 'giải trình' cơ sở xây dựng chiến lược 2020 (23/02/2009)
▪ Người trong cuộc:“Nhất định mày phải thi đỗ vào đại học!” (23/02/2009)
▪ Loay hoay việc dạy, học thêm (21/02/2009)
▪ Tư vấn hướng nghiệp:Tìm hiểu sâu về ngành Công nghệ sinh học (21/02/2009)
▪ Hà Nội: Sẽ không dạy, học thêm cho HS tiểu học (20/02/2009)